1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Kiên Giang:

Nhọc nhằn nghề lặn nổi tìm nhao châu mưu sinh

(Dân trí) - Cứ khoảng từ tháng 3 đến tháng 7 hàng năm, nhiều người dân lại đổ xô về cửa biển Rạch Giá (TP. Rạch Giá) để đua nhau “lặn nổi” mưu sinh. Công việc của họ là cào nhao châu bán kiếm tiền mua gạo sống qua ngày.

Nhao châu là một loài sống ở nước mặn, giống như một loài sò biển (có hình dáng như con chem chép), chủ yếu dùng cho vịt ăn sống nguyên con. Loài này rất dinh dưỡng, giúp vịt mau lớn.
 
Nhao châu sinh trưởng và phát triển nhiều nhất từ tháng 3 đến tháng 7. Đỉnh điểm của những tháng này là nhao châu “dày vòm mền”, tức là rất nhiều, mật độ rất dày nhưng có cũng chỗ (chỗ có chỗ không).
 
Nhọc nhằn nghề lặn nổi tìm nhao châu mưu sinh  - 1
Sau một hồi hụp lên lặn xuống, người đàn ông này đem lên một túi lưới đất đen.
 
Một ngày giữa tháng 5, chúng tôi về TP.Rạch Giá. Ngay khi đến cửa biển Rạch Giá, chúng tôi thấy cứ cách khoảng chừng chục mét là có một người (hoặc 2-3 người) “hụp xuống, nổi lên” giữa dòng nước đục ngầu.
 
Hỏi ra mới biết họ đang cào nhao châu kiếm sống. Đồ nghề của họ đơn giản chỉ một chiếc xuồng (hay vỏ lãi), một bàn cào hình vuông (rộng 4 tất, dài 6 tất) và lưới mành để đựng “nhao châu”.
 
Công việc cũng khá đơn giản, tay cầm bàn cào, hít lấy hơi rồi lặn xuống trong khoảng thời gian ngắn rồi nổi lên và mang theo một “đống” đất màu đen bỏ trong lưới mành. Sau đó họ sàng qua sàng lại để rửa sạch đất để những con nhao châu màu trắng đục nổi lên. Loại nhao châu này khá nhỏ, con to nhất cũng chỉ bằng đầu ngón tay út.
 
Nhọc nhằn nghề lặn nổi tìm nhao châu mưu sinh  - 2
Tiếp đến những người phụ nữ sẽ sàng để lấy những con nhao châu đổ vào xuồng.
 
Anh Thuận (phường An Hòa, TP. Rạch Giá) cho biết: “Công việc này nói chung không nhiều lắm nhưng cũng khá vất vả, khó khăn. Lặn ở cửa biển nên rất nhiều tàu thuyền qua lại, với lại thường có gió to nên sóng đánh liên tục vì thế nhiều khi lặn cũng nguy hiểm lắm. Nhiều khi nước xông vào mũi, uống nước mặn là chuyện bình thường. Có hôm lặn nguyên cả ngày, vừa bán xong về nhà là bệnh luôn”.
 
Cũng theo anh Thuận, đa số những người làm nghề này đều nghèo, có gia đình đi làm từ 2-3 người, có gia đình chỉ 1 người và đương nhiên số lượng nhao châu thu được cũng tùy thuộc vào số người nhiều hay ít. Với sức của một người thì mỗi ngày có thể cào được từ 7-8 thúng nhao châu. Do người ta chỉ mua tính từng thúng nên cũng không biết nặng bao nhiêu ký.
 
Theo ông Lê Văn Năm (52 tuổi, ngụ huyện Châu Thành, Kiên Giang): “Một thúng nhao châu bán chỉ được 20.000 đồng, vì thế nếu làm cật lực thì mỗi ngày một người có thể kiếm được khoảng 150.000 đồng, trừ chi phí xăng dầu (hoặc có khi thuê mướn xuồng, võ lãi) thì cũng còn chừng 100.000 đồng. Số tiền này đủ mua gạo và những chi phí khác trong gia đình”.
 
Nhọc nhằn nghề lặn nổi tìm nhao châu mưu sinh  - 3
Mỗi ngày một người có thể cào được từ 7-8 thúng nhao châu.
 
Ngoài người lớn, những người đàn ông lực lưỡng thì nhiều gia đình còn có những người phụ nữ, những cậu con trai 10 - 15 tuổi cũng đi theo phụ giúp. Công việc của các em thường là rửa sạch đất rồi đổ nhao châu vào xuồng.
 
Em Thiện (13 tuổi, ngụ huyện An Biên, Kiên Giang) đi theo cha cào nhao châu nói: “Do nhà khó khăn nên em cũng đã nghỉ học, cứ đến mùa là theo cha đi cào nhao châu bán kiếm tiền. Nói chung việc của em làm không cực lắm nhưng hơn 3 tháng ở trên sông nước nhiều hơn ở nhà cũng buồn”.
 
Theo những người làm nghề này cho biết, nhao châu chủ yếu được bán ở chợ Tất Gán (phường Vĩnh Hiệp, TP. Rạch Giá, ở đây xem như là đấu mối). Sau khi thu mua nhao châu, chợ đầu mối này sẽ phân phối đi nhiều tỉnh, thành khác trong khu vực ĐBSCL, nhao châu được dùng chủ yếu để cho vịt ăn (người cũng có ăn nhưng rất ít).
 
Huỳnh Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm