1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhớ vị Bí thư Tỉnh ủy mặc quần đùi lội hồ Thác Bà đẩy tàu mắc cạn

(Dân trí) - Tôi nhớ, trong lần đi đến thôn bản vụ lũ quét kinh hoàng xảy ra tại Yên Bái vào đầu tháng 11/2008, ông Phạm Duy Cường khi đó là Phó Chủ tịch tỉnh đang trên xe ô tô, một cán bộ cấp huyện “alo” xin họp nâng lương, ông Cường “ba máu sáu cơn”, mắng cán bộ này một trận te tua.

Mắng té tát cán bộ huyện xin nâng lương sau trận lũ quét

Ông Phạm Duy Cường sinh năm 1958, tại Thanh Trì, Hà Nội. Tôi có quen biết ông từ ngày ông còn làm Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Yên Bái. Sau đó ông làm Phó Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch rồi Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái. Nhìn bên ngoài rất hiền lành, nhưng tính ông “nóng như lửa”.


Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái Phạm Duy Cường (người cầm cây ngô non) xuống ruộng cùng bà con nông dân. (Ảnh: Tùng Duy).

Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái Phạm Duy Cường (người cầm cây ngô non) xuống ruộng cùng bà con nông dân. (Ảnh: Tùng Duy).

Nhớ hồi tháng 8/2008, trận lũ quét lịch sử ở Lào Cai - Yên Bái, tôi và ông cùng đoàn công tác cuốc bộ hàng kilomet vào tận bản làng động viên chia sẻ với bà con vùng bị lũ quét.

Do đường bộ bị chia cắt, để đến được với bà con vùng sâu, vùng xa, chúng tôi phải dùng xuồng máy đi qua lòng hồ Thác Bà. Rất không may con tàu bị mắc cạn. Tất cả anh em trên tàu phải nhảy xuống tàu. Ông Cường khi đó không ngần ngại cởi phăng quần dài, cùng anh em trong đoàn công tác nhảy xuống hồ đẩy con tàu ra khỏi chỗ mắc cạn.

Nhớ chuyến công tác đó là vào huyện Yên Bình, trên đường đi có vị lãnh đạo huyện còn “alo” cho ông bảo "họp nâng lương", ông Cường "ba máu sáu cơn" mắng vị lãnh đạo huyện một trận te tua.

Khi vào đến xã Bạch Hà, nơi có gia đình 7 em nhỏ mồ côi cả cha lẫn mẹ trong trận lũ quét lịch sử năm 2008, nhìn những vành khăn trắng trên đầu, ông lén quay mặt đi như để kìm những giọt nước mắt. Ông bảo những vị cán bộ đi cùng phải nán lại, "phải đi chậm lại để cánh phóng viên có thời gian ghi chép sâu mới cảm hết được nỗi đau, nỗi mất mát của bà con dân tộc vùng sâu, vùng xa chứ cứ đi như cưỡi ngựa xem hoa thì phí cả chuyến đi".

Ông Cường là vậy. Bình thường ông có thể ngồi tiếp rượu anh em phóng viên rất cởi mở, chân tình như những người bạn và sẵn sàng tiếp thu ý kiến phản ánh của anh em phóng viên. Nhưng trong công việc ông rất quyết liệt. Tôi biết, có lúc trong cuộc họp ông vẫn “phang” thẳng tay nếu cấp dưới làm việc thiếu chuyên nghiệp. Vì thế cũng nhiều lần ông làm mất lòng anh em.

Xin gửi lời vĩnh biệt!

Người lãnh đạo quyết liệt ấy mới đây đã bị bắn ngay tại phòng làm việc. Một viên đạn đã lấy đi mạng sống của ông khi sự nghiệp vẫn còn dở dang.

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường trao đổi về tình hình sản xuất và đời sống với người dân xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ. (Ảnh, Đắc Nguyên).
Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường trao đổi về tình hình sản xuất và đời sống với người dân xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ. (Ảnh, Đắc Nguyên).

Cùng bị nạn với ông Cường là Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái Ngô Ngọc Tuấn. Cả hai ông đều không qua khỏi.

Nhớ có lần ông Cường trăn trở nói với tôi: "Yên Bái phát triển kinh tế khó lắm! Vị trí địa lý không được thuận lợi như các tỉnh khác, giá kể Yên Bái nằm sát biên giới như Lào Cai hay các tỉnh khác đã đành. Đằng này Yên Bái nằm ở giữa chừng. Khách từ Hà Nội đi thẳng lên Lào Cai chứ có mấy ai dừng chân ở Yên Bái? Du lịch cũng chẳng có, mỏ khoáng sản thì nghèo,... Bà con biết lấy gì để sống?".

Với trăn trở ấy, ông đang cố gắng tìm lối đi tốt cho Yên Bái, nhưng đành bỏ dở dang.

Bài viết này như một nén tâm nhang vĩnh biệt gửi tới ông - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Duy Cường.

Tuấn Hợp