1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

60 năm hiệp định Giơnevơ (20/71954 - 20/7/2014):

Nhớ mãi thuở “ngày Bắc đêm Nam”

(Dân trí) - Hiệp định Giơnevơ được ký kết đến nay thấm thoắt đã 60 năm. Buổi năm xưa ấy, vĩ tuyến 17 được chọn làm giới tuyến tạm thời, sông Bến Hải (Quảng Trị) được tạm coi như biên giới xẻ đôi đất nước.

Sau ngày đó, hàng trăm ngàn người con miền Nam từ Quảng Trị đến Cà Mau đã rời xa quê hương, tập kết ra Bắc trên những con tàu biển của các nước XHCN.

Người ra đi để lại sau lưng gia đình, bờ tre bến nước… Bước chân xuống tàu ai cũng giơ hai ngón tay hẹn với người ở lại sẽ trở về sau hai năm. Vì hiệp định Giơnevơ có điều khoản “Sau 2 năm sẽ tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước”. Nhưng lời ước hẹn đó không thành. Cuộc chia ly dài đằng đẵng sau 21 năm mới tới ngày sum họp.

Những người con của miền Nam sống trên đất Bắc đã phải sống những ngày khắc khoải chờ mong. 2 năm, 5 năm rồi 10 năm... Chưa bao giờ những ca khúc về nỗi nhớ miền Nam được các nghệ sĩ và nhân dân hai miền hát nhiều như thế, hát hay như thế. Những ca khúc bất hủ: Tình ca, Bài ca hy vọng, Xa khơi, Câu hò bên bờ Hiền Lương... đã vượt qua đồn bốt giặc, lan truyền, vang vọng trên khắp hai miền Nam – Bắc.
 
Cầu Hiền Lương năm 1966 (ảnh tư liệu)

Cầu Hiền Lương năm 1966 (ảnh tư liệu)

Cha mẹ tôi cũng như hàng ngàn hàng vạn người con phương Nam trên đất Bắc đã phải sống cho cả hai miền, ban ngày  “làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”, khi đêm về thì đau đáu một nỗi nhớ quê. Quê hương bây giờ ra sao? Gia đình ai còn ai mất? Chiến tranh ngày một ác liệt, loang ra cả nước, thư nhà vắng dần rồi tắt hẳn.

Tôi khi đó còn nhỏ tuổi, nhưng khi nghe đài báo có tin chiến sự diễn ra trên quê má, quê cha lại thấy những cô bác đồng hương tìm đến nhau thông báo từng mẩu tin nơi quê nhà. Rồi mọi người im lặng nhìn nhau, trong mắt ai cũng đong đầy niềm thương nhớ!

Sống lâu trên đất Bắc, những người con của miền Nam đã cố gắng vun vén cho mình một cuộc sống riêng. Những đám cưới của nam, nữ trong đoàn tập kết,  giữa nam nữ tập kết với nam nữ miền Bắc. Rồi những đứa con ra đời trên đất Bắc với rất nhiều cái tên: Hoài Nam, Hương Giang, Hiền Lương, Cửu Long, Trường Sơn...

Ba tôi quê xứ dừa Bình Định, má quê Quảng Trị nơi gió Lào cát trắng. Ba má gặp nhau trên đất Bắc, khi đoàn quân tập kết tham gia xây dựng các nông trường tại Thanh Hóa, Nghệ An.

Rồi chúng tôi sinh ra, thắp sáng  hy vọng cho ba má vượt qua những tháng ngày gian khó. Chúng tôi lớn lên trong những lời ru của điệu hò ơ của mẹ, điệu lý của cha.

Đến đầu những năm 60, ba được ra Hà Nội học đại học, rồi ở lại công tác, cả gia đình trở thành người Thủ đô, nhưng nỗi nhớ miền Nam của ba má thì vẫn vẹn nguyên như thuở mới đặt chân ra Bắc. Giống như bao gia đình tập kết sống với “ngày Bắc, đêm Nam”, ban ngày bận bịu với công việc, đêm về cả gia đình mới ngồi với nhau trong ánh đèn le lói. Đó là thời gian dành cho miền Nam với nỗi nhớ, nỗi đau thương cho đồng bào ở quê đang bị giặc giết, hành hạ... Rồi ba má hỏi đến việc học hành trong ngày của chúng tôi, thương cha mẹ không đứa nào dám lười học.

Nhớ những ngày Mỹ ném bom miền Bắc, cả nhà đi sơ tán, cuối tuần ba đạp xe từ Hà Nội lên tiếp tế cho gia đình, cả nhà gặp nhau được mấy tiếng, rồi ba lại tất tả đạp xe về Hà Nội. Dáng ba gầy liêu xiêu trên đường đê, sau xe là lỉnh kỉnh những gạo, những mỳ. Hình ảnh đó của cha suốt đời tôi không quên!

Gia đình má có 6 anh chị em thì má là con cả và cậu là con trai duy nhất được ngoại gửi ra Bắc theo Bác Hồ. Năm 1966, cậu trở về Nam đánh Mỹ và hy sinh vào dịp Mậu Thân ngay trên mảnh đất quê hương. Rất nhiều, rất nhiều những người con của miền Nam như cậu tôi đã vượt Trường Sơn về Nam chiến đấu rồi hy sinh cho ngày thống nhất.

Những ngày trên đất Bắc, những người con từ Quảng Trị đến Cà Mau đều được gọi chung một tên là người miền Nam. Mọi người sống đùm bọc, yêu thương nhau.

Hồi đó, CLB Thống Nhất ở 16 Lê Thái Tổ bên hồ Hoàn Kiếm là mái nhà chung của bà con miền Nam. Vào dịp lễ, Tết bạn bè của ba má ở các vùng quê miền Nam hay tập trung tại nhà tôi, để cùng nhau chế biến các món ăn mang hương vị quê hương: canh hến quê má, món thịt luộc cuốn bánh tráng chấm mắm nêm quê ba...

Mọi người trầm ngâm thưởng thức từng món ăn trong nỗi nhớ quê, rồi khi chia tay không quên giao ước: Thống nhất mọi người phải về quê nhau để thưởng thức chè Huế, mỳ Quảng, cá bống sông Trà, bánh tráng nước dừa Tam Quan,  lẩu mắm Nam Bộ, ba khía muối đất Mũi Cà Mau... Ôi! Quê hương! Đã bao lần tôi chứng kiến những lời hẹn ấy, để rồi lại thấy những giọt nước mắt của những người con xa quê mỗi độ Tết đến, Xuân về.

Trong 21 năm, những người con miền Nam đã sống trong sự yêu thương, đùm bọc của đồng bào miền Bắc. Nhân dân miền Bắc đã nhường cơm xẻ áo, dành những gì tốt nhất cho miền Nam ruột thịt, con em miền Nam được học trong những trường tốt nhất trong nước và các nước bạn. Lớp học trò trường Trỗi (Nguyễn Văn Trỗi), trường Bé (Nguyễn Văn Bé), trường ông Núp (trường học sinh dân tộc do Anh hùng Núp làm hiệu trưởng) ngày nào, nay nhiều người đã trở thành các cán bộ chủ chốt ở Trung ương và các địa phương, số còn lại đều sống xứng đáng với sự quan tâm, nuôi dưỡng của đồng bào miền Bắc.
 
(Ảnh Tư liệu)

(Ảnh Tư liệu)

Hàng triệu người con ưu tú của miền Bắc đã "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", sát cánh cùng đồng bào miền Nam làm nên trận đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử, thu giang sơn về một mối.

Hình ảnh và ân tình của miền Bắc mãi mãi khắc ghi trong con tim mỗi người con miền Nam tập kết, cũng như toàn thể đồng bào, đồng chí miền Nam, chứng minh lời của Bác: "Nước Việt Nam là một! Dân tộc Việt Nam là một!".

Sau năm 1975, phần lớn những người miền Nam tập kết đã trở về quê hương, góp sức hàn gắn vết thương chiến tranh. Họ trở về mang theo những người vợ miền Bắc, những đứa con sinh ra trên đất Bắc tạo nên hình ảnh sinh động của nước Việt Nam thống nhất.

Những người vợ, người con của họ đã nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống mới tại quê hương, rất nhiều người con sinh ra trên đất Bắc hiện đang gánh vác những trọng trách trong việc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Sáu mươi năm nhìn lại, lớp người tập kết năm 1954, nay đã vào tuổi "cổ lai hy", người còn, người mất, nhưng đều tự hào về những năm tháng sống và chiến đấu cùng đồng bào miền Bắc.  

Hồi đó những người con miền Nam có mặt ở tất cả mọi lĩnh vực, từ công nhân, trí thức đến chủ nhiệm hợp tác xã. Nhiều người đã được phong tặng danh hiệu cao quý. Họ coi đây là quãng đời đẹp nhất trong đời mình.

Những người đã khuất và những người còn sống của đoàn quân tập kết năm 1954 chỉ có một băn khoăn, là có quá ít những tác phẩm nghệ thuật, phim ảnh đề cập đến cuộc sống của những người miền Nam trên đất Bắc năm nào.

Họ mong muốn các thế hệ mai sau biết đến cái thuở “ngày Bắc đêm Nam” của những người con phương Nam trên đất Bắc trong những năm nước nhà bị chia cắt.

  Hiền Lương

 

                                                                                                               

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm