1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nhìn số vụ việc tham nhũng giảm mà… lo

(Dân trí) - Tham nhũng 6 tháng đầu năm 2010, con số giảm không đồng nghĩa tình hình đã “êm” - phiên họp thứ 13 Ban chỉ đạo PCTN TƯ sáng 8/7 nhận định về kết quả, tồn tại hoạt động chống tham nhũng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “hứa” tạo mọi điều kiện giải quyết vướng mắc.

Không phát hiện tham nhũng mới, dư luận càng bức xúc
 
Phiên họp thứ 13 của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng TƯ sáng 8/7 có sự tham dự của nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước.
 
Viện trưởng VKSND tối cao Trần Quốc Vượng khái quát tình hình phát hiện, xử lý án tham nhũng thời gian qua. Theo đó, mới đây chỉ có vụ nhận hối lộ tại Ngân hàng Đầu tư & phát triển VN (BIDV) bị phát giác và vụ tiêu cực trong quá trình triển khai Đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước (112) được đưa ra xét xử. Các vụ việc khác đều nhỏ lẻ, tổng số vụ không nhiều.
 
Trước “tin vui” đó, nhiều đại biểu lại tỏ ra lo ngại khi tình hình phát hiện, xử lý tham nhũng chùng xuống thời gian qua. Khái quát, có hơn 10 tỉnh thành trong 6 tháng đầu năm 2010 không phát hiện hay khởi tố mới vụ án tham nhũng nào. Các cơ quan tố tụng toàn quốc mới khởi tố 81/159 bị can, truy tố 122 vụ/351 bị can và xét xử 100 vụ với 216 bị cáo. So sánh với các năm trước đây, con số này đã giảm đáng kể.
 
Nhiều ý kiến cảnh báo, con số giảm không đồng nghĩa với tình hình tham nhũng đã giảm. Qua thăm dò dư luận và tình hình người dân khiếu nại, tố cáo tại các địa phương, ngay cả những tỉnh thành báo cáo không có tham nhũng vẫn rất bức xúc.
 
Trước những ý kiến nghi ngại, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Vũ Tiến Chiến xác nhận: “Công tác tự phát hiện tham nhũng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn rất yếu, chậm chuyển biến”.
 
Xử tham nhũng trung bình hết 30 tháng
 
Nhìn số vụ việc tham nhũng giảm mà… lo - 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong giờ nghỉ giữa phiên họp.
 
Một trong những hạn chế lớn nhất trong công tác PCTN được nhiều đại biểu phản ánh là việc xử lý án tham nhũng quá chậm. Phó Chánh văn phòng TƯ Đảng Dương Thành Bắc khái quát, từ khi phát hiện, điều tra cho tới xét xử một vụ tham nhũng nhanh nhất cũng phải mất 12 tháng, chậm nhất 50 tháng, tính trung bình là 30 tháng.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lập tức truy “chậm do đâu?”. Thượng tướng Lê Thế Tiệm - Thứ trưởng Bộ Công an lý giải, một số vụ việc kéo dài nhiều năm và “đá đi đá lại” giữa các cơ quan tố tụng do quan điểm khác biệt. Nguyên nhân là do cơ chế phối hợp hoặc thiếu các công cụ để định tính định lượng vụ án.
 
“Hiện chúng ta chưa thành lập được trung tâm giám định quốc gia nên rất vướng trong việc giám định thiệt hại các vụ án tham nhũng lớn” - ông Tiệm dẫn chứng vụ án tiêu cực tại Công ty Xăng dầu hàng không khởi tố từ năm 2004 nhưng kéo dài đến nay vì có nhiều kết quả giám định khác nhau.
 
Viện trưởng VKSND tối cao bổ sung ví dụ, vụ mua bán 3 triệu cổ phiếu xảy ra tại Ngân hàng Công thương VN Vietinbank đến nay chưa thể đi đến chặng kết trong quá trình tố tụng cũng vì nhiều ý kiến khác nhau về mức độ thiệt hại.
 
Nghe “giải trình”, Thủ tướng nêu hướng chỉ đạo, thời gian tới các cơ quan tố tụng cần phải tập trung phối hợp xử lý dứt điểm các vụ việc, vụ án còn tồn đọng, kéo dài.
 
“Đối với vụ án tham nhũng nghiêm trọng như đại lộ Đông Tây, 3 ngành tố tụng cần phải tập trung chỉ đạo sớm kết thúc điều tra đưa ra xét xử, làm rõ đến đâu thì xử lý đến đó, các vụ nổi cộm còn tồn đọng khác cũng phải theo tinh thần trên. Chính phủ sẵn sàng tạo điều kiện, cơ chế để giải quyết vướng mắc” - Thủ tướng khẳng định.
 
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh yêu cầu tăng cường PCTN trong 7 lĩnh vực có nguy cơ cao như quản lý sử dụng đất đai, xây dựng cơ bản, thuế, tổ chức cán bộ… Thủ tướng lưu ý cần quy rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể để phục vụ công tác nhân sự đại hội Đảng bộ các cấp.
 
Thủ tướng cũng đồng ý tạo điều kiện về mặt kinh phí ngân sách để 3 ngành tố tụng có cơ chế thưởng, khuyến khích người phát hiện, cung cấp thông tin về tham nhũng.
 
2 - 3 người giám sát cả tập đoàn kinh tế
 
Lĩnh vực quản lý tại các tập đoàn, TCty nhà nước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ Phạm Thị Hải Chuyền chỉ kẽ hở trong hoạt động giám sát, tạo điều kiện cho tham nhũng.
 
“Điều bất hợp lý là một công ty bình thường có 2 - 3 người giám sát nhưng cả tập đoàn kinh tế quản lý vốn hàng trăm ngàn tỷ đồng cũng chỉ có chừng ấy người. Làm sao mà giám sát nổi?” - bà Chuyền băn khoăn.
 
Phó Chủ nhiệm UB kiếm tra TƯ đề nghị cần phải có một cơ chế giám sát đặc thù đối với các loại hình doanh nghiệp này.
 
Cũng theo đánh giá của bà Chuyền, thời gian qua việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu còn rất hạn chế và chưa nghiêm. Việc xử lý theo kiến nghị của cơ quan thanh tra hoặc kiểm toán nhà nước còn bị xem nhẹ.
 
Đồng tình với ý kiến này, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hoàng Hồng Lạc dẫn chứng, trong hai năm đã chuyển cơ quan chức năng 3 - 4 vụ có dấu hiệu sai phạm tham nhũng, nhưng việc xử lý đến đâu thì Kiểm toán nhà nước cũng không được rõ.
 
Ban chỉ đạo PCTN TƯ đang theo dõi chỉ đạo 11 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp gồm: vụ đưa và nhận hối lộ tại dự án đại lộ Đông Tây, vụ nhận hối lộ tại ngân hàng BIDV, vụ tượng đài chiến thắng Điện Biên…
 
Ban chỉ đạo cũng đang quan tâm theo dõi 5 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng khác: vụ sai phạm trong quản lý đất đai tại dự án khu công nghiệp rác thải TPHCM - Long An; vụ mua bán 3 triệu cổ phiếu của ngân hàng Công thương VN Vietinbank; vụ tố cáo tham nhũng tại Tổng công ty cổ phần bia - nước giải khát Sài Gòn Sabeco; vụ công ty Securency hối lộ công ty CFTD của VN trong việc cung cấp chất in nền tiền polymer; vụ công ty Mỹ hối lộ quan chức VN.
 
P. Thảo