Nhìn Quảng Ninh, nghĩ đến “số phận long đong” của Sơn Tây (Hà Nội)
(Dân trí) - Hội nghị thẩm định đề án đề nghị công nhận thị xã Quảng Yên là đô thị loại 3, trực thuộc tỉnh Quảng Ninh đã cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của Quảng Ninh trong nhiều năm gần đây.
Cuộc "hạ bệ" chóng vánh của Sơn Tây
Hiện Quảng Yên là một trong những điểm đầu tư hấp dẫn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, được nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn quan tâm. Đến nay thị xã Quảng Yên đã hội tụ đầy đủ các điều kiện để được công nhận là đô thị loại 3, trở thành 1 trong 5 đô thị trực thuộc Quảng Ninh, khẳng định được vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch, dịch vụ, quốc phòng - an ninh, đối ngoại; có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với tỉnh Quảng Ninh, góp phần tăng trưởng kinh tế cho khu vực, đẩy nhanh hơn tốc độ đô thị hóa của tỉnh... Và tôi tin Quảng Yên sẽ còn tăng tốc mạnh mẽ vì đây là khu công nghiệp của tỉnh, đã được quy hoạch từ rất sớm với lợi thế gần biển.
Từ câu chuyện rất mừng của Quảng Yên, tôi bất chợt nghĩ đến “số phận long động lận đận” của mảnh đất vốn là địa linh nhân kiệt như thị xã Sơn Tây, Hà Nội cả thế kỷ qua, mà thấy tiếc cho nó về tiềm năng phát triển.
Tôi nhớ, hồi tháng 8/2008, thị xã Sơn Tây vừa mới phấn khởi được lên thành phố nhưng chỉ được đúng 1 năm thì lại trở về "thân phận thị xã". Do ngày đó Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội. Mà đã thuộc Hà Nội thì đương nhiên phải theo quy định không cho phép hình thành mô hình đơn vị hành chính "thành phố trong thành phố" ở cấp thành phố trực thuộc Trung ương.
Tôi thấy tiếc cho thị xã Sơn Tây một thời oanh liệt, khi vùng đất này chỉ cách trung tâm Thủ đô khoảng trên 30 km với biết bao lợi thế về di tích lịch sử, về du lịch, tâm linh, nghỉ dưỡng...
Tháo gỡ quy định cứng nhắc, "cởi trói" cho Hà Nội?
Vấn đề đáng suy nghĩ là tư duy không cho tồn tại mô hình "thành phố trong thành phố" liệu đã khoa học chưa? Đã đúng chưa? Có cứng nhắc quá không?
Hiện nay, chúng ta đã sửa đổi Hiến pháp. Khoản 1, Điều 110 Hiến pháp Nước CHXHCN Việt Nam (sửa đổi) năm 2013 quy định: Thành phố trực thuộc Trung ương chia thành quận, huyện, thị xã và đơn vị hành chính tương đương (ở đây ta hiểu tương đương là thành phố không phải là trực thuộc Trung ương).
Tiếp đó, Khoản 2, Điều 2 Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 cũng đã quy định: Các đơn vị hành chính của nước CHXHCN Việt Nam gồm có: huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp huyện).
Như vậy, việc hồi phục lại đơn vị hành chính cấp "thành phố trong thành phố" xem như đã được “cởi trói”, chỉ còn là vấn đề thời gian do các địa phương quyết.
Vấn đề là bao giờ Hà Nội và các thành phố trực thuộc Trung ương sẽ làm?
Việc thành phố Hồ Chí Minh gần đây đề cập đến "thành phố phía Đông" chính là một cách làm mới. Sở Nội vụ TPHCM vừa gửi văn bản đề nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn quy trình, thành phần hồ sơ thành lập thành phố phía Đông trực thuộc TPHCM trên cơ sở gộp 3 quận 2, 9 và Thủ Đức; dự kiến sau khi thành lập có diện tích tự nhiên hơn hơn 210 km2, dân số hơn 1,1 triệu người.
Đó là một hướng phát triển rất nên làm và làm càng sớm càng tốt.
Theo tôi, đã đến lúc chúng ta nên gỡ bỏ những suy nghĩ cứng nhắc. Nếu luật chưa chuẩn, khó áp dụng vào thực tiễn hoặc sai thì phải nhanh chóng sửa. Nếu chưa phù hợp thì vẫn mạnh dạn sửa, bất kể thời gian sớm muộn cũng vẫn sửa để nó đi vào cuộc sống phù hợp nhất có thể.
Lý thuyết "thành phố vệ tinh" đã được tác giả Raymond Unvin đề cập trong cuốn sách “Thực tiễn quy hoạch đô thị” từ năm 1922. Các nhà quy hoạch xây dựng của Pháp ngay từ khi đó đã nhanh chóng nhận thức được những vấn đề của việc quá tải hạ tầng đô thị, ô nhiễm môi trường tại các khu vực trung tâm khi tập trung quá đông dân cư. Đô thị vệ tinh được coi là giải pháp hữu hiệu để giảm hiện tượng tập trung đông dân cư vào thành phố trung tâm.
Một Hà Nội với dân số hàng chục triệu dân như hôm nay, hạ tầng thiếu đồng bộ đến độ đáng lo ngại khi phải bàn đến cả chuyện cấm đăng ký xe máy, hạn chế đăng ký xe ô tô, chỉ cho đi theo ngày chẵn/lẻ... cho thấy ta đã phải tính đến những phương án chắp vá. Phải chăng cũng do tầm nhìn từ vài chục năm trước không bắt kịp với thực tế đã khiến Thủ đô của chúng ta bộc lộ nhiều hạn chế?
Đã đến lúc không thể chậm trễ thêm nữa trong việc mở rộng các khu đô thị mới ở ven đô (chưa nói đến chuyện xây dựng thành phố vệ tinh). Ví dụ rõ nét nhất hiện nay là các khu đô thị ở Long Biên, Tây Mỗ, thành phố thông minh bên kia cầu Nhật Tân...
Tất cả đã và đang cho thấy một bộ mặt mới của Thủ đô khang trang, văn minh hơn rất nhiều so với trước đây, dù hơi muộn vẫn còn hơn là không nhúc nhích gì!
Đã đến lúc phải bàn và bàn thật khẩn trương, rốt ráo để trình Chính phủ ra được một Nghị quyết về quy hoạch bài bản, khoa học sử dụng tài nguyên đất ven sông Hồng với những cây cầu mới nối hai bờ. Chỉ có như vậy, Hà Nội mới mang được sắc diện mới, xứng đáng là một Thủ đô lớn, tầm cỡ châu Á.
Chậm đi một vài chục năm trong quy hoạch cũng dễ dẫn đến việc giải quyết hậu quả sẽ gặp muôn vàn khó khăn và vô cùng tốn kém. Chưa nói đến chuyện vô tình cản trở bước phát triển mà Hà Nội cần có và phải có.
Sơn Tây vào đầu thế kỷ 20 (1924) được Chính phủ bảo hộ Pháp xác định như 1 đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Sau Cách mạng Tháng Tám, thị xã Sơn Tây là tỉnh lỵ của tỉnh Sơn Tây. Năm 1965, tỉnh Sơn Tây nhập với tỉnh Hà Đông thành tỉnh Hà Tây. Thị xã Sơn Tây từ đó không còn vai trò tỉnh lỵ mà thay vào đó là thị xã Hà Đông.
Tháng 12/1975, thị xã Sơn Tây trực thuộc tỉnh Hà Sơn Bình (do sáp nhập tiếp với Hoà Bình).
Tháng 12/1978, thị xã Sơn Tây trực thuộc thành phố Hà Nội.
Tháng 8/1991, thị xã Sơn Tây lại trở về tỉnh Hà Tây (do tách ra từ Hà Sơn Bình).
Thị xã Sơn Tây được công nhận là đô thị loại III ngày 30/5/2006 và được Chính phủ ban hành quyết định thành lập thành phố Sơn Tây thuộc tỉnh Hà Tây ngày 2/8/2007.
Ngày 1/8/2008, cùng với toàn bộ tỉnh Hà Tây, thành phố Sơn Tây được nhập về Thủ đô Hà Nội. Ngày 8/5/2009, Chính phủ ra nghị quyết chuyển thành phố Sơn Tây thành thị xã Sơn Tây trực thuộc Hà Nội.
* - *
Trình bày báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ thị xã hôm 30/7 vừa rồi, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Sơn Tây Nguyễn Quang Hán cho biết, kinh tế của thị xã đang tăng trưởng khá và chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng thu ngân sách trong 5 năm qua ước đạt hơn 2.187 tỷ đồng (tăng 11% so với chỉ tiêu); thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 52 triệu đồng/năm. Chỉ số này không phải là cao khi mà địa phương có rất nhiều lợi thế.
Từ thực tế trên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng: Đảng bộ và nhân dân thị xã Sơn Tây sẽ sớm hoàn thành các chỉ tiêu phát triển mà Nghị quyết đại hội khóa mới đặt ra. Trong đó có hoàn thiện kết cấu hạ tầng, hiện đại, sớm trở thành thành phố đúng nghĩa tại phía Tây Thủ đô.
Quốc Phong