1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhiều vụ án tham nhũng vẫn đang “bò” về đích

(Dân trí) - Tổng kết 6 tháng đầu năm 2009, hôm nay (8/7), Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương cho biết số vụ việc tham nhũng phát hiện có xu hướng giảm. Tuy nhiên, hành trình “về đích” của công lý vẫn nhiều trúc trắc, khó xuôi.

Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng cho biết, để thực hiện việc phòng chống tham nhũng, hiện 6 bộ ngành và 16 tỉnh thành đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức. Nhiều tỉnh thực hiện chuyển đổi với số lượng lớn như: Đồng Nai 355 người, Thái Nguyên 219 người, Quảng Bình 182 người…

Về việc minh bạch tài sản, thu nhập, Ban chỉ đạo xác nhận có nhiều vướng mắc trong việc triển khai thực hiện. Đến nay mới có 103 cán bộ được xác minh việc kê khai, không có trường hợp nào bị kết luận không trung thực.

Theo báo cáo, có 115 trường hợp người đứng đầu cơ quan để xảy ra tham nhũng tại đơn vị mình trên 6 bộ ngành và 11 tỉnh.
 
Nhiều vụ án tham nhũng vẫn đang “bò” về đích - 1
Chặng cuối của nhiều án tham nhũng vẫn ậm ạch "bò"... về đích (Ảnh minh hoạ)

Trước những con số báo cáo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận những kết quả tích cực nhưng cũng cho rằng còn nhiều tồn tại, hạn chế về kê khai tài sản, quản lý đất đai. Thủ tướng nhắc nhở việc phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng còn bất cập,  xử lý trách nhiệm người đứng đầu tại các đơn vị xảy ra tham nhũng còn hạn chế…

6 tháng đầu năm 2009, Thanh tra Chính phủ có 8 kết luận thanh tra, phát hiện giá trị sai phạm lên tới hơn 11.000 tỷ đồng, gần 150.000 USD và 21,5 nghìn cổ phần. Các sai phạm chủ yếu là hoạch toán sai, lãng phí, thất thoát. Bộ Công an cũng phát hiện, xử lý 99 cán bộ, chiến sỹ sai phạm, trong đó 13 trường hợp tham nhũng, 80 trường hợp có dấu hiệu tham nhũng và 5 lãnh đạo, chỉ huy bị xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng ở đơn vị mình.

Hà Nội, TPHCM vẫn đứng đầu danh sách những tỉnh thành có nhiều vụ án tham nhũng được phát hiện, khởi tố, điều tra. Trong 6 tháng, Hà Nội có 22 vụ án với 44 bị can, TPHCM có 22 vụ với 70 bị can.

8 vụ án trọng điểm từ năm 2007, đến nay vụ việc liên quan đến Ban quản lý các dự án 18 (PMU18 - Bộ GTVT) vẫn tồn tại nhiều nội dung cần giải quyết. Mảng tội danh kinh tế, khởi tố vụ án từ đầu tháng 3/2006 với 9 bị can. Cơ quan điều tra, công tố đang phối hợp để làm rõ một số vấn đề theo yêu cầu của toà án.

Mảng tội danh tham ô trong Dự án cầu Bãi Cháy đã khởi tố từ tháng 8/2007 với 13 bị can. Cuối tháng 2/2009, VKSND tối cao đã chuyển hồ sơ sang toà để xét xử. Tuy nhiên, ngày 6/6 vừa qua, TAND TP Hà Nội đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung.

Hiện tại, 10 vụ án liên quan đến tham nhũng khác đang trên đà “về đích”, trong đó có vụ tham ô tài sản, cố ý làm trái tại Ban điều hành Đề án 112 (giữa tháng 5 vừa qua đã có kết luận điều tra bổ sung); vụ cố ý làm trái trong quản lý vốn, ngoại tệ tại Ngân hàng NN&PTNT (dự kiến xét xử trong tháng 7 này).

Vụ án Huỳnh Ngọc Sỹ, nguyên Phó GĐ Sở GT-VT TPHCM lợi dụng chức vụ, đưa và nhận hối lộ xảy ra tại BQL dự án Đại lộ Đông Tây và môi trường nước thành phố đến nay đã khởi tố vụ án mảng đưa nhận hối lộ nhưng chưa khởi tố bị can. Mảng tội lợi dụng chức vụ quyền hạn với 2 bị can thì đã kết thúc điều tra.

Đánh giá những việc làm được và tồn tại, hạn chế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “nhắc” Ban chỉ đạo phối hợp cùng các cơ quan chức năng tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện các đề án như kiểm soát thu nhập của người có chức vụ quyền hạn, ban hành các văn bản nhằm hoàn thiện thể chế về phòng chống tham nhũng.

Thủ tướng cũng yêu cầu Ban chỉ đạo nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động cũng như đạo đức cán bộ. Thủ tướng nhấn mạnh: “Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng những người làm công tác phòng, chống tham nhũng lại có hành vi tham nhũng, nhận hối lộ”.

P.Thảo