“Nhiều trường hợp để bảo vệ được cán bộ thì phải… làm trái luật!”

Quang Phong – Phương Thảo

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội Đào Thanh Hải nêu lên vấn đề này tại phiên thảo luận tại tổ chiều 10/11 để góp ý các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

“Nhiều trường hợp để bảo vệ được cán bộ thì phải… làm trái luật”

“Nhiều trường hợp để bảo vệ được cán bộ thì phải… làm trái luật!” - 1

Phó Giám đốc Công an Hà Nội Đào Thanh Hải phát biểu tại tổ thảo luận.

Thảo luận ở tổ về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Thiếu tướng Đào Thanh Hải (Phó Giám đốc Công an Hà Nội) cho biết, vừa qua, sau một loạt vụ việc xảy ra, nhiều cán bộ đảng viên không dám đổi mới, sáng tạo, diễn ra ở tất cả các cấp ngành địa phương.

Theo Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, hầu hết cán bộ đảng viên gần đây đều xác định làm tròn vai, vuông thì đứng yên một chỗ. Ông Hải đưa ra ví dụ thực tế sáng nay HĐND Hà Nội triệu tập phiên họp bất thường thông qua kế hoạch đầu tư công. Tại đó, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Chủ tịch HĐND TP Hà Nội phát biểu tại hội nghị, có nhiều phân cấp cho quận huyện nhưng có nhiều quận sợ vẫn xin ý kiến HĐND thành phố để cho chắc. Ngay cả việc giải ngân vốn đầu tư công, Hà Nội chỉ đạt hơn 50% là rất thấp. Việc này hoàn toàn phụ thuộc vào cơ chế và công tác cán bộ.

“Trong nghị quyết có nêu đổi mới sáng tạo, đột phá để hoàn thành mục tiêu yêu cầu của nghị quyết, hiện tại đổi mới sáng tạo và đột phá giữa đúng và sai rất mong manh, vô cùng mong manh. Trong khi đó công tác cán bộ luôn luôn được coi trọng và giải quyết mọi vấn đề. Nếu như không bảo vệ được cán bộ thì chắc chắn không ai sáng tạo, không ai dám đổi mới, đột phá”, ông Hải nói.

Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, ông được Ban tổ chức Trung ương mời tham gia xây dựng chỉ thị về việc bảo vệ cán bộ đảng viên, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp để bảo vệ được cán bộ thì phải… làm trái luật.

Theo ông Hải, trong nghị quyết Đại hội Đảng cần nhấn mạnh vấn đề bảo vệ cán bộ, bởi nếu không có thì quá trình thực hiện nghị quyết gặp rất nhiều khó khăn. Khi cán bộ đổi mới sáng tạo, làm được thì khen, không làm được thì quy trách nhiệm rất nặng nề, trong khi đó cái không thành công đó có thể do khách quan đem lại như do tình hình kinh tế thế giới, diễn biến, nhiều vấn đề ảnh hưởng yêu cầu mục tiêu…

“Do đó chúng tôi đã xây dựng, quan điểm để bảo vệ cán bộ dám đổi mới sáng tạo và có những quan điểm đột phá. Theo đó tôi đề nghị bổ sung việc bảo vệ cán bộ, đặc biệt là cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm”, ông Hải đề nghị.

Về vấn đề này, Bí thư Thành uỷ Hà Nội đề nghị thư ký ghi rõ, nhấn mạnh nội dung có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung.

“Nhiều trường hợp để bảo vệ được cán bộ thì phải… làm trái luật!” - 2
Bí thư Thành uỷ Hà Nội yêu cầu ghi nhận ý kiến góp ý xây dựng cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.

Cũng tại tổ Hà Nội, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề cập đến vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát hiện bồi dưỡng nhân tài. “Tôi mong rằng phần này phải làm sâu sắc hơn, đặc biệt là phải có sự công minh, bình đẳng trong việc bổ nhiệm cán bộ và cả vệ mặt cơ hội để họ phát triển”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.

Theo đại biểu đoàn TP Hà Nội, vấn đề công minh, bình đẳng trong bổ nhiệm cán bộ là hết sức quan trọng. “Nhiều người ở vùng sâu, vùng xa, con nhà nghèo nhưng phát triển rất tốt. Ngay cả tôi cũng là còn em nông dân. Do vậy, theo tôi nghĩ là con ai cũng được, miễn là có tài, có đức, có tâm thì phải có cơ chế để họ cống hiến cho đất nước”, ông Trí nói.

Tại tổ TPHCM, đại biểu Tô Thị Bích Châu cũng tỏ tâm đắc với nội dung xây dựng cơ chế để bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung và đề nghị tiếp tục làm rõ vấn đề này để đảm bảo cơ chế vận hành được trong thực tế.

Vụ Thủ Thiêm, một sự bất tín, vạn sự bất tin

Tại tổ Bến Tre, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết, nghiên cứu từ Đại hội VI đến nay, ông đều thấy văn kiện đề cập đến “báu vật” là niềm tin của dân với Đảng.

Với tư cách đảng viên có tuổi đảng khá cao, đại biểu Nhưỡng cho rằng: “Nếu không có biện pháp gìn giữ và nâng cao niềm tin của dân thì sự lãnh đạo của đảng sẽ giảm sút và thậm chí đe doạ sự  tồn vong của đảng”.

Ông Nhưỡng cũng đặc biệt nhấn mạnh, nếu dân không tin vào hệ thống chính trị thì không thể xây dựng được nhà nước pháp quyền.

“Nhiều trường hợp để bảo vệ được cán bộ thì phải… làm trái luật!” - 3
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre).

Để giữ được niềm tin của nhân dân, đại biểu Nhưỡng cho rằng cần giữ vững và khẳng định vai trò của Đảng. Bởi “không phải dễ dàng mà sự lãnh đạo của Đảng được ghi vào Hiến pháp”.

Theo đại biểu đoàn Bến Tre thì thời gian qua có sự suy thoái, xuống cáp mà Đảng cực kỳ thẳng thắn chỉ ra tại dự thảo.

“Nguy hiểm nhất là suy thoái về phẩm chất chính trị, trước đây còn bóng gió bây giờ Đảng khẳng định rất rõ” - ông Nhưỡng nhận xét và nhìn nhận “có thể nói là vừa qua có trường hợp ung thư về mặt chính trị”.

Góp ý tiếp theo của đại biểu Nhưỡng là Đảng rất cần sự yêu mến ủng hộ của nhân dân như trước đây, như những năm 1960 -1970 nói đến Đảng là như nhắc đến một ngôi đền thiêng liêng. Người dân như thuỷ thủ còn Đảng như thuyền trưởng thì con tàu cách mạng đi tới thành công - ông Nhưỡng phát biểu.

Nhắc đến những nguy cơ được nêu tại dự thảo như tụt hậu, tham nhũng, đại biểu Nhưỡng cho rằng nếu dân không có lòng tin thì đã thu hẹp dư địa lực lượng để chống lại những nguy cơ đó. "Chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, dân đánh giá là giặc nội xâm, củng cố niềm tin của nhân dân là định hướng rất quan trọng, tôi rất tán thành" - ông Nhưỡng nói.

Trở lại quan điểm làm thế nào để Đảng trở thành thiêng liêng với dân, ông Nhưỡng cho rằng kiểm soát quyền lực rất quan trọng, là nguyên tắc rường cột của nhà nước pháp quyền, nhưng hiện nay vấn đề này đang bị vi phạm rất nhiều.

Nhiều địa phương cán bộ như cường hào, nói một đằng làm một nẻo, ông Nhưỡng nhận xét và cho biết vừa qua đã gửi những phản ánh của dân về một số cán bộ có hành vi như trên đến lãnh đạo cấp trên của các vị đó.

“Cán bộ phải giữ được danh dự của mình, cũng là giữ danh dự cho đảng. Văn kiện cần bổ sung giải pháp để củng cố và nâng cao lòng tin của dân, biện pháp dân vận phải rõ ràng, không mị dân, lừa dân. Như vụ Thủ Thiêm hứa mãi không làm, một sự bất tín vạn sự bất tin” - ông Nhưỡng nói.

Bày tỏ suy nghĩ rất nhiều về chuyện ở Nhật, võ sĩ đạo được dân tôn như thánh, vì họ sẵn sàng chứng minh sự trong sạch bằng cái chết, đại biểu Nhưỡng cho rằng đảng viên phải có lòng dũng cảm, không dám bỏ ghế khi đã sai lầm, không sẵn sàng tự xử thì dân khó tin.

Đại biểu nhận xét, Thủ tướng vừa rồi đã nhận câu chất vấn về văn hoá từ chức nhưng ít cán bộ của chúng mình làm được điều ấy.

Đại biểu Bến Tre cũng cho biết là ông rất tâm đắc với quy định “giám sát ngược” được nêu tại báo cáo xây dựng đảng, đó là thực hiện hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử, mặt trận với Đảng và nhà nước, tránh sự bao che, bè phái. Bên cạnh đó có quy định tăng cường giám sát của Đảng với cán bộ nhà nước, hai chiều giám sát ngược - xuôi rất thú vị.

Nhưng phải cụ thể hoá thành nghị quyết riêng, thể chế hoá thành văn bản quy phạm pháp luật chứ chỉ có cơ chế chính trị mà không có thể chế pháp lý thì không phát huy hiệu quả - ông Nhưỡng góp ý.