Nhiều trẻ dưới 6 tuổi đã bị xâm hại tình dục, cưỡng bức lao động
(Dân trí) - Những trường hợp trẻ dưới 6 tuổi bị xâm hại tình dục ngày càng phổ biến, thậm chí có trẻ mới 7 tháng tuổi cũng trở thành nạn nhân của kẻ thủ ác. Những đứa trẻ bị người thân cưỡng bức lao động cũng ngày càng nhỏ tuổi hơn.
Đối tượng ngày càng mở rộng
Ngày 10/6, gần 100 đại biểu đến từ Sở Lao động - Thương binh & Xã hội các tỉnh thành, các tổ chức dân sự xã hội có hoạt động bảo vệ trẻ em, các mái ấm, nhà mở… đã tham dự hội thảo “Bảo vệ trẻ em/thanh thiếu niên khỏi nguy cơ bị bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục” được tổ chức tại TPHCM. Các đại biểu tham dự hội thảo đều nhận định thực trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, bóc lột sức lao động đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
Theo ông Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Giáo dục sức khỏe và phát triển cộng đồng Tương Lai, mỗi năm trên cả nước xảy ra khoảng 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em, đối tượng phạm tội thường là người thân của các em. Trong năm 2013, một tỉnh nhỏ như Trà Vinh cũng xảy ra 27 vụ, Vĩnh Long 34, TPHCM có đến 115 vụ…
Cũng theo ông Hải, trong thực tế có những đứa trẻ mới 7 - 12 tháng tuổi cũng bị xâm hại tình dục, còn độ tuổi thủ phạm thì ngày càng cao. Điều đó cho thấy phạm vi trẻ có nguy cơ bị xâm hại tình dục lẫn đối tượng thủ ác ngày càng rộng, tình hình càng phức tạp. Ông Ngô Thành Thuận, Hội Kế hoạch hóa gia đình Cần Thơ cũng đồng tình: “Thời gian qua tình hình tội phạm xâm hại trẻ em xảy ra rất nhiều và có chiều hướng gia tăng ở nhiều khía cạnh khác nhau như: tuổi bị xâm hại ngày càng thấp, hành vi xâm hại nhiều lần…”.
Bà Phạm Thị Kim Yến, Sở LĐ-TB&XH Vĩnh Long bức xúc ngay tại hội thảo: “Mới đây thôi, tôi biết tin có một bé gái 6 tuổi bị chính cha ruột của mình xâm hại. Mà phải đến lần thứ tư bé bị xâm hại thì người xung quanh mới phát hiện ra. Nghe qua chuyện này ai cũng phải xót xa!”.
Còn tình trạng bóc lột sức lao động trẻ em cũng không khả quan hơn. Đại diện Trung tâm Tương Lai cho biết: “Số liệu mới nhất được Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục Thống kê và ILO công bố cho biết trong số hơn 18 triệu trẻ em/thanh thiếu niên từ 5 – 17 tuổi thì có đến gần 1,8 triệu là lao động trẻ em. 1/3 trẻ em lao động phải làm việc hơn 42 giờ/tuần và 55% không được đi học”.
Bà Phạm Thị Kim Yến cho biết ở Vĩnh Long nhiều trẻ phải lao động trong các môi trường độc hại như nhà hàng, khách sạn, quán karaoke, bán hàng rong… Bà Trần Phương Hải Yến, nhóm Sáng tạo trẻ Bến Tre cũng cho biết trẻ lao động ở Bến Tre còn phải làm ở lò gạch, lò than, đi đánh cả ngoài biển, lò kẹo… Bà Hải Yến bức xúc nhất là tình trạng trẻ bán vé số ngày càng nhiều và ngày càng nhỏ tuổi, thậm chí là trẻ chỉ vài tháng tuổi cũng bị người thân cưỡng bức lao động bằng cách ôm theo đi bán vé số để đánh động lòng thương hại của khách mua.
Tổn thương chồng chất tổn thương
Tại hội thảo, các đại biểu cũng trình bày rất nhiều nguyên nhân gây nên thực trạng trên như: nghèo đói, trình độ dân trí thấp, cha mẹ bỏ bê ít quan tâm con cái… Đồng thời, đại diện các tổ chức tham dự cũng bàn bạc để hoạch định các biện pháp nhằm ngăn ngừa tình trạng xâm hại tình dục và bóc lột sức lao động trẻ em.
Theo các đại biểu, việc can thiệp và bảo vệ trẻ em trong các trường hợp này là nhiệm vụ cũng như là quyền của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, với đội ngũ cán bộ quản lý ngành hiện nay, cơ quan chức năng khó xử lý hết được mà chủ yếu là làm công việc giải quyết hậu quả khi sự việc bị phát hiện khiến dư luận bất bình.
Chính vì vậy, các đại biểu cho là các tổ chức dân sự xã hội với mạng lưới cộng tác viên rộng khắp nên tham gia, nắm tình hình và kết hợp với các cơ quan hữu trách can thiệp kịp thời khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bị lạm dụng, xâm hại, bóc lột lao động. Trung tâm Tương lai cũng kết hợp với nhiều đơn vị khác xây dựng nên 2 quy trình can thiệp với từng bước cụ thể để hỗ trợ trẻ khi phát hiện trẻ em bị xâm hại tình dục hoặc bị bóc lột sức lao động.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Hội Khoa học Tâm lý giáo dục TPHCM lại đề nghị cơ quan chức năng lưu ý vấn đề tâm lý trẻ em khi giải quyết hậu quả các vụ xâm hại tình dục. Bác sĩ bức xúc: “Một bé gái vừa bị một thằng đàn ông làm những hành vi nhơ nhớp mà người ta lại đưa một người đàn ông đến hỏi, bảo bé mô tả lại nó bị người ta làm sao, hành động thế nào… thì càng khiến đứa trẻ khiếp sợ, hằn sâu trong tâm trí bé”.
Bác sĩ Minh Tiến cũng lưu ý cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng khi xử lý các vụ xâm hại tình dục mà thủ phạm là người thân của bé. Ông cho rằng: “Nếu để một đứa bé đứng trước tòa buộc tội chính cha của mình thì chúng ta chưa giúp bé xóa bỏ tổn thương do bị xâm hại tình dục mang lại đã vội vàng đè thêm tổn thương tinh thần mới”. Theo ông, cả cách phá án, tìm chứng cứ, buộc tội, xét xử đều nên chú ý đến trạng thái tâm lý của trẻ, nếu phải lựa chọn thì thà bỏ qua không tìm chứng cứ buộc tội còn hơn là vì tìm chứng cứ tội ác trước đây lại vô tình gây thêm tổn thương mới cho trẻ.
Luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn Luật sư TPHCM cũng đồng tình và cho biết đang kiến nghị khi xử những vụ trẻ bị xâm hại tình dục thì không cho trẻ tham gia xử án chung với người lớn, thẩm phán xử những vụ này bên cạnh việc am hiểu pháp luật còn phải hiểu tâm lý trẻ em.
Ngoài ra, luật sư Nguyễn Văn Đức cũng phản đối đề xuất bỏ án tử hình đối với hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Theo ông, trong khi chúng ta còn áp dụng án tử hình mà tình trạng xâm hại tình dục trẻ em vẫn diễn biến phức tạp thì nếu bỏ sẽ diễn biến càng khó lường hơn vì chế tài pháp luật không đủ sức răn đe.
Tùng Nguyên