Nhiều thách thức mới trong giảm nghèo đô thị
(Dân trí) - Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tỷ lệ nghèo đô thị tại các thành phố lớn của Việt Nam đã ở mức thấp nếu xét đơn thuần theo các tiêu chí thu nhập.
Tuy nhiên, khi nhìn dưới góc độ nghèo đa chiều, tình trạng nghèo đô thị trầm trọng hơn nhiều qua đánh giá chi phí cuộc sống, việc làm, nguồn nhân lực, sinh kế, tiếp cận dịch vụ công, hòa nhập xã hội, và môi trường sống…
Người nghèo chịu tác động mạnh bởi khủng hoảng kinh tế (ảnh minh họa)
Báo cáo tổng hợp 5 năm (2008-2012) “Theo dõi nghèo đô thị theo phương pháp cùng tham gia”, do Oxfam và ActionAid thực hiện, cho thấy, người nghèo bản xứ gặp nhiều thách thức như thiếu nguồn nhân lực, thiếu khả năng chuyển đổi sinh kế, thiếu vốn xã hội, hạn chế trong tiếp cận dịch vụ công, môi trường sống kém tiện nghi và thiếu an toàn. Trong khi đó, người nhập cư nghèo còn chịu thêm bất lợi đặc thù về chi phí cuộc sống cao ở đô thị, thiếu hòa nhập xã hội dẫn đến khó tiếp cận các dịch vụ công và hệ thống an sinh xã hội chính thức.
Người nghèo đô thị gặp nhiều bất lợi khi đối mặt với đa cú sốc, điển hình là lạm phát cao năm 2008 và 2011, khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008-2009, và khó khăn kinh tế trong nước năm 2012.
Trong 5 năm (2008-2012), xu hướng cả 2 vợ chồng nhập cư ở cùng con nhỏ đang tăng lên. Theo số liệu phỏng vấn công nhân nhập cư, hiện có khoảng 70% công nhân có con nhỏ để con sống cùng với cha mẹ, tăng 20% so với năm 2010.
Tính bất ổn định về việc làm của người nhập cư khá cao; dòng chuyển dịch ngược lao động từ thành phố về các vùng phụ cận và nông thôn ngày càng tăng trong 2-3 năm gần đây. 50% số công nhân trong mẫu phỏng vấn năm 2012 cho biết có công nhân bỏ về quê. Đặc biệt là tại TP HCM, tỷ lệ này là 70%. Hiện tượng này ít công nhân đề cập đến trong các năm trước.
Đa số người nghèo đô thị tiếp cận kém với hệ thống an sinh xã hội, các chính sách hỗ trợ bảo hiểm và các chương trình trợ cấp tiền mặt còn nhiều hạn chế. Có rất ít hộ cận nghèo mua thẻ BHYT dù được hỗ trợ 50% mệnh giá mua thẻ BHYT, chỉ khoảng 0.2%-0.6% dân số địa phương.
Không có hộ khẩu và không được bình xét là hộ nghèo, người nhập cư khó dựa vào các thiết chế chính thức, khó tiếp cận với hệ thống an sinh xã hội tại đô thị.
Chi phí giáo dục cao là một gánh nặng lớn với người nghèo đô thị. Hiện đang có sự mất cân đối về cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực với nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt trong các ngành kỹ thuật.
Tỷ lệ các em học xong THPT rẽ ngang đi làm không cao ở các vùng đô thị, nhưng rất cao tại các vùng ngoại thành. Nhóm cán bộ phường 6 (Gò Vấp, TP HCM) cho biết, hàng năm chỉ có khoảng 10% học sinh học xong cấp III dừng học đi làm sau đó tìm cơ hội đi học tiếp. Trong khi tại Kim Chung (Hà Nội), nhóm cán bộ xã ước tính khoảng 1/3 số học sinh học xong cấp III đi làm ngay.
Thanh niên tốt nghiệp THPT đang thiếu các thông tin hướng nghiệp khách quan và chuyên sâu. Các chương trình hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho người nghèo đô thị chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Người dân còn nhiều lo ngại về chất lượng học nghề, khó tìm việc làm sau học nghề, và không có thu nhập khi tham gia học nghề trong khi vẫn phải lo cuộc sống hàng ngày.
Có hơn 20% công nhân nhập cư (hầu hết là lao động tay nghề thấp) trong mẫu khảo sát năm 2012 đã tốt nghiệp trường trung cấp chuyên nghiệp hoặc CĐ, ĐH. Một cựu sinh viên khoa kinh tế vận tải biển tại Hải Phòng sống tại Tổ 14, phường Lãm Hà (Hải Phòng), hiện đang làm công nhân tại một doanh nghiệp cho biết, khoảng 80% lao động tại công ty cô có trình độ từ Trung cấp trở lên, tuy nhiên, chỉ có khoảng 10% trong số đó là làm công việc quản lý, còn lại vẫn đang làm công nhân.
Người dân ngày càng quan tâm đến các khía cạnh bất bình đẳng đang tăng lên trong 5 năm qua. 100% số người tham gia cho rằng xu hướng bất bình đẳng về y tế và giáo dục cao cấp giữa giàu và nghèo tăng lên trong 5 năm qua.
Tính thiết yếu của việc đo lường nghèo đa chiều
Để cải thiện tình trạng trên, nhóm nghiên cứu đưa ra các khuyến nghị cần thực hiện trong thời gian tới như tiến hành đo lường nghèo đa chiều để nhận diện đúng tình trạng nghèo đô thị; thiết kế các chính sách hỗ trợ thích hợp và không phân biệt đối xử đối với người nhập cư.
Qui hoạch đô thị và phân bổ ngân sách cần dựa trên qui mô tổng dân số bao gồm cả người bản xứ và người nhập cư; cần đầu tư mạnh hơn cho chương trình giảm nghèo đô thị.
Cần xây dựng hệ thống chính sách an sinh xã hội toàn diện ở khu vực đô thị đối với cả người bản xứ và người nhập cư; sửa đổi các chính sách hỗ trợ học nghề hiệu quả, dễ tiếp cận với lao động nghèo đô thị. Đồng thời cần xây dựng các chính sách vĩ mô hiệu quả hơn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, thúc đẩy trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, thúc đẩy chính thức hóa các hoạt động thuộc khu vực phi chính thức.
Báo cáo trên được thực hiện với khoảng 450-500 người tham gia. Sáng kiến theo dõi nghèo được thực hiện theo phương pháp khảo sát lặp lại hàng năm tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2008-2012. Tại mỗi thành phố đã chọn một phường hoặc xã ở vùng ngoại vi đô thị mang tính điển hình về tình trạng nghèo của người bản xứ và người nhập cư. Cụ thể, theo dõi nghèo đô thị được thực hiện tại xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội), phường Lãm Hà (Kiến An, Hải Phòng) và Phường 6 (Gò Vấp, TP HCM).
Thảo Nguyên