Nhiều nơi đã có mưa to do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới
(Dân trí) - Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai vừa gửi thông báo tới các đơn vị liên quan, các bộ, ngành trung ương và địa phương cần chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng cao mạnh lên thành bão. Nhiều tỉnh, thành trong vùng bị ảnh hưởng đã xuất hiện mưa to.
Sáng nay (12/9), Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) đã tổ chức họp giao ban về công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có khả năng mạnh lên thành bão.
Sau khi nghe đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương (KTTVTƯ) báo cáo diễn biến của ATNĐ và bão Meranti mạnh cấp 15 có khả năng mạnh thành siêu bão đang hoạt động ở phía Đông Philippines, Văn phòng thường trực báo cáo công tác trực ban PCTT và các ý kiến tham gia. Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT Trần Quang Hoài đề nghị:
Trung tâm Dự báo KTTVTƯ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ/bão, mưa lũ vào bão Meranti ở phía Đông Philippines; thường xuyên cập nhật thông tin đến Ban chỉ đạo, các Bộ, ngành, địa phương để chủ động phòng, tránh.
Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) các tỉnh, thành phố ven biển từ Nghệ An đến Bình Thuận: Tập trung thông báo cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng, tránh, hoặc ra khỏi khu vực nguy hiểm, vùng nguy hiểm trong 24h tới được xác định trong khoảng Bắc vĩ tuyến 12, Nam vĩ tuyến 18 và Tây Kinh tuyến 116 (vùng nguy hiểm sẽ được điều chỉnh tùy theo diễn biến của ATNĐ/bão).
Căn cứ vào diễn biến ATNĐ/bão, tình hình mưa lũ, chủ động cấm tàu thuyền ra khơi và cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
Nhiều nơi xuất hiện mưa lớn
Để chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và tình hình mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị sẵn sàng công tác ứng phó.
Theo đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố huy động tất cả mọi lực lượng, phương tiện và mọi biện pháp để chủ động ứng phó; phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang và các đơn vị liên quan trên địa bàn chỉ đạo thực hiện khẩn trương, đồng bộ các biện pháp phòng, chống.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, trên địa bàn Quảng Nam sáng nay 12/9, trời đã có mưa to đến rất to; nhiều nơi ở vùng trũng đã xuất hiện ngập úng, tuy nhiên lượng mưa chưa đủ lớn để gây ngập lụt trên diện rộng vì mưa mới chỉ mới thấm đất do tình trạng hạn hán trong mấy tháng qua trên địa bàn.
Đà Nẵng sáng nay cũng đã xuất hiện mưa to kéo dài.
Ghi nhận của PV Dân trí, từ đêm qua kéo dài đến sáng nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có mưa vừa và có nơi mưa rất to trên diện rộng. Nhiều tàu thuyền ngư dân trong tỉnh và các tỉnh lần cận đã cập cảng cá Quy Nhơn (TP Quy Nhơn), cảng Tam Quan (huyện Hoài Nhơn)… để tránh áp thấp nhiệt đới. Tại TP Quy Nhơn, trận mưa lớn đêm qua cũng khiến một số đoạn đường trong thành phố bị ngập cục bộ, một số cây xanh trong nội thành bị gãy cành.
Trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới, ngày 12/9, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định cũng đã triển khai công tác phòng chống và kêu gọi tàu thuyền tránh trú áp thấp nhiệt đới nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc của thể xảy ra trên biển.
Theo đó, yêu cầu các đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình của áp thấp nhiệt đới; tổ chức đài thông tin trực canh phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn phát thông tin về áp thấp nhiệt đới; phối hợp với địa phương, gia đình chủ phương tiện thông báo cho các phương tiện hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của áp thấp để chủ động phòng tránh; tổ chức trực 24/24, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cơ động xử trí khi có tình huống…
Theo báo cáo nhanh của Trực Ban Tác chiến Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định, đến sáng 12/9 số lượng tàu thuyền và ngư dân đang hoạt động trên biển: Khu vực từ Quảng Ngãi đến Đà Nẵng có 221 tàu/2.587 người; khu vực từ Phú Yên đến Kiên Giang có 1.924 tàu/14.547 người; khu vực quần đảo Hoàng Sa có 20 tàu/140 người; khu vực vùng biển giữa Hoàng Sa và Trường Sa có 308 tàu/2.156 tàu; khu vực quần đảo Trường Sa có 287 tàu/2.050 người; neo đậu, hoạt động ven bờ trong tỉnh 4.332 tàu/24.373 người.
Hồi 14h ngày 12/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 14,3 độ Vĩ Bắc; 111,1 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Nam-Bình Định khoảng 210km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 8-9.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, dự báo trong 6 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và khả năng cao mạnh lên thành bão. Đến 19h ngày 12/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,7 độ Vĩ Bắc; 110,4 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Nam-Bình Định khoảng 150km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-10.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão, vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Trị đến Bình Định có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua (Đà Nẵng-Quảng Ngãi) cấp 8, giật cấp 9-10; biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 6 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 13h ngày 13/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 107,4 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam - Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-10.
Vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Trị đến Bình Định tiếp tục có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua (Đà Nẵng-Quảng Ngãi) cấp 8, giật cấp 9-10; biển động mạnh.
Từ đêm nay, vùng ven biển các tỉnh Quảng Bình-Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 7-8, giật cấp 9-10. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp.
Nguyễn Dương - Công Bính - Doãn Công