1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nhiều nhóm giang hồ hoành hành tại TPHCM

15 tuổi, Nguyễn Trần Tinh đã là đại ca của 8 đứa trẻ hư. Dưới sự chỉ huy của Tinh, bọn trẻ xông vào một cửa hàng điện thoại di động trên đường Điện Biên Phủ (Bình Thạnh), đập vỡ tủ kính gom đi 10 chiếc điện thoại di động, trong đó có 8 cái là điện thoại... mô hình!

Bị bắt tại trận, Trần Tinh nói đi cướp vì trong cửa hàng điện thoại có một người mà Tinh thấy... ghét!

 

Băng giang hồ nhí này chỉ là một trong nhiều băng nhóm ở TPHCM hiện nay. Các băng nhóm không chỉ tổ chức trộm cắp mà còn thanh toán nhau theo kiểu xã hội đen.

 

Một vụ án đang còn gây chấn động ở quận 12 diễn ra vào chiều ngày 8/5/2005 tại quán Yên Kiều thuộc khu phố 2, phường Thạnh Xuân. Nạn nhân là em Lê Hoàng Huy (sinh năm 1987; ngụ phường Tân Thới Hiệp, quận 12) bị tên giang hồ Cao Thành Lâm Thy (SN 1976; ngụ quận Bình Thạnh) đâm 2 nhát dao. Huy đã chết trên đường đi cấp cứu.

 

Diễn biến vụ án như sau: Thy cùng nhóm bạn gồm Phát, Hiếu, Bách, Hạnh, Phước đến quán Yên Kiều để câu cá và nhậu. Lúc này trong quán đã có Huy và nhóm bạn cùng trang lứa cũng đang tổ chức nhậu ở đây. Phát lớn tiếng chửi nhóm bạn của Huy “tụi bây con nít mà bày đặt nhậu nhẹt, tao là dân anh chị ở quận 4 nè”. Có men trong người, nhóm của Huy trả đòn bằng cách lấy chai nước ngọt đập vào đầu một người trong nhóm của Thy. Thế là, cuộc hỗn chiến diễn ra quyết liệt, Lâm Thy lạnh lùng dùng dao Thái Lan kết liễu mạng sống của Huy...

 

Sau 4 ngày truy tìm hung thủ, Công an quận 12 đã bắt giữ Lâm Thy cùng đồng bọn. Kết quả điều tra cho biết, Lâm Thy là một đối tượng sống lang thang, đêm về thường ngủ dưới gầm cầu Kiệu và đi bẫy trộm mèo để bán cho các quán nhậu “tiểu hổ”. Hiển nhiên, đám bạn của Thy cũng là những đứa chẳng vừa, toàn giang hồ “tép riu” lập thành băng nhóm để “làm ăn” và thanh toán đối thủ khi đụng chuyện.

 

Cùng ngày 8/5, CA quận Phú Nhuận nhận được tin báo, vào khoảng 1giờ có hai băng nhóm giang hồ thanh toán nhau tại hẻm 96, đường Phan Đình Phùng, phường 2. Hậu quả là Hoàng Ngọc Hậu (SN 1980; ngụ phường 17, Phú Nhuận) bị chém trọng thương và chết tại bệnh viện.

 

Ngoài 2 vụ giang hồ thanh toán nhau dẫn đến chết người nói trên, từ đầu năm 2005 đến nay, Cơ quan CA đã triệt phá được nhiều băng nhóm giang hồ liều lĩnh khác. Trong đó, đáng kể nhất là vụ thanh toán nhau ở khách sạn Duyên Sài Gòn (phường ĐaKao, quận 1) làm 1 người chết, 1 người bị thương; băng giang hồ sử dụng “hàng nóng” do Nguyễn Phước Lâm cầm đầu, gây ra nhiều vụ đâm chém đẫm máu ở địa bàn quận Tân Phú...

 

Theo một tên giang hồ có thâm niên, nay đã hoàn lương thì những băng nhóm giang hồ hiện tại chỉ là bọn  bọn “tép riu”. Ngày trước, giang hồ có đại ca, có đẳng cấp, số má (như “tập đoàn tội ác” Năm Cam), còn bây giờ là sự tập hợp những đứa trẻ hư hỏng, bụi đời, hiếu thắng, muốn khẳng định "cái tôi" của mình. Đó là lý do tại sao băng nhóm giang hồ xuất hiện nhiều và để ngăn chặn tình trạng này đòi hỏi phải giải quyết từ gốc.

 

Cái gốc ở đây, theo Trung tá Trần Văn Đức, Phó đội trưởng Đội CSĐT về TTXH, CA quận 4, là ngoại sự giáo dục của gia đình, nhà trường, địa phương cần đẩy mạnh công tác giáo dục trẻ hư tại cộng đồng.

 

Tuy nhiên, trên thực tế, những băng nhóm giang hồ nổi lên trong thời gian vừa qua phần lớn lại là dân từ nơi khác đến, hoặc cư ngụ quận này nhưng hoạt động phạm pháp ở quận khác. Và tác nhân gây ảnh hưởng lớn đến chính là các văn hóa phẩm độc hại được du nhập từ phương Tây. Như băng giang hồ của Nguyễn Phước Lâm, trước khi đi thanh toán đối thủ bọn chúng đã tổ chức luyện tập đâm chém, cách thức hành xử y như trong phim bạo lực; còn giang hồ tiểu tử Hòa “kiến lửa” (Nguyễn Ngọc Hòa, SN 1989; ngụ quận 4) thì có cách đâm đối thủ  y như một sát thủ trong phim bạo lực Hồng Công.

 

Lâu nay, người dân nhập cư ở khá nhiều địa phương bị đối xử “thiếu công bằng”. Các chính sách về y tế, giáo dục, việc làm... dường như không đến với họ. Nhà chức trách chỉ quan tâm đến người nọ người kia có khai báo tạm trú, tạm vắng hay không,... còn bao thứ khác ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu sinh sống đều phải tự thân mà vận động. Thế là một thanh niên nghèo từ vùng xa xôi đến không tìm được việc làm, không nơi nương tựa đã đi bụi và gia nhập giang hồ, để rồi khi chuyện phức tạp diễn ra, thì chính quyền mới thở dài: “Tại dân nhập cư!” như là một lời buộc tội.

 

Theo Công an nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm