1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nhiều người sử dụng ma tuý, không biết chữ... vẫn đổi được giấy phép lái xe

(Dân trí) - Bộ Công an cho biết đã phát hiện nhiều trường hợp lái xe sử dụng chất ma túy, lái xe không biết chữ, có trường hợp mắc bệnh tâm thần, đang trong thời gian chấp hành án vẫn được đổi giấy phép lái xe…

Theo dự thảo tờ trình Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến nhân dân, sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có nhiều vấn đề bất cập cần giải quyết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình hiện hiện nay.

Các quy định về sát hạch cấp giấy phép lái xe; quản lý cấp mới, cấp lại, cấp đổi giấy phép lái xe không được quy định trong luật mà quy định trong thông tư của bộ quản lý chuyên ngành.

Nhiều người sử dụng ma tuý, không biết chữ... vẫn đổi được giấy phép lái xe - 1

Sát hạch giấy phép lái xe (Ảnh minh hoạ).

Thực tiễn triển khai thực hiện, lực lượng công an đã phát hiện nhiều trường hợp lái xe sử dụng chất ma túy, lái xe không biết chữ, có trường hợp mắc bệnh tâm thần, đang trong thời gian chấp hành án vẫn được đổi giấy phép lái xe…

“Việc quản lý giấy phép lái xe chưa gắn với quản lý vi phạm của người tham gia giao thông. Theo thống kê, nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường bộ do lỗi vi phạm của người tham gia giao thông chiếm trên 90% số vụ. Trong nhiều vụ tai nạn giao thông, trách nhiệm chủ yếu thuộc về người lái xe gây tai nạn mà chưa gắn trách nhiệm của các cơ quan đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe”- Bộ Công an cho hay.

Để triển khai thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã phải ban hành 164 văn bản dưới luật, nhiều quy định quan trọng cần phải điều chỉnh cụ thể nhưng lại giao cho các bộ quản lý chuyên ngành ban hành thông tư. Đến nay đã có những văn bản hết hiệu lực, phải sửa đổi, bổ sung, thay thế thường xuyên như các nghị định xử phạt vi phạm hành chính. Điều này thể hiện thiếu tính ổn định, không tập trung, thống nhất, chưa phù hợp với xu hướng lập pháp hiện đại, gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện.

Trong khi đó, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của nhiều người tham gia giao thông còn rất kém; vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và chống người thi hành công vụ diễn biến hết sức phức tạp.

Thống kê của Bộ Công an cho thấy, từ năm 2009 đến tháng 5/2020 đã xảy ra trên 331.390 vụ tai nạn giao thông, làm chết 100.227 người (chủ yếu trong độ tuổi lao động), bị thương 333.435 người.

So với thế giới, tai nạn giao thông Việt Nam ở mức cao, trong đó nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường bộ do lỗi vi phạm của người tham gia giao thông là chủ yếu chiếm trên 90% số vụ.

Nhiều người sử dụng ma tuý, không biết chữ... vẫn đổi được giấy phép lái xe - 2
CSGT Hà Nội kiểm tra, xử phạt lái xe vi phạm giao thông (Ảnh minh hoạ).

Ý thức giao thông kém, phương tiện cá nhân tăng nhanh

Ùn tắc giao thông xảy ra phức tạp tại các thành phố lớn do lưu lượng phương tiện tăng đột biến, trong khi quy hoạch giao thông, tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu, gây tắc nghẽn trên diện rộng tại các đô thị lớn và trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm.

Ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, đầu mối giao thông trọng điểm, các đô thị loại 1, đặc biệt là trên địa bàn Hà Nội, TPHCM ngày càng trở nên phức tạp, thường xuyên, liên tục, có xu hướng lan rộng cả không gian và thời gian.

Ý thức chấp hành của một bộ phận người tham gia giao thông còn rất kém. Vi phạm vẫn có tính phổ biến, nhiều hành vi nguy hiểm như đi ngược chiều, lùi xe trên đường cao tốc, vượt đèn đỏ, đua xe trái phép, sử dụng ma túy, rượu bia khi điều khiển phương tiện, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, chống người thi hành công vụ…

Tổng số ô tô, mô tô trên cả nước đang được đăng ký, quản lý hiện trên 67,3 triệu xe, trong đó, ô tô trên 5,4 triệu xe và mô tô gần 61.9 triệu xe. Với 96,2 triệu dân năm 2019, mật độ phương tiện giao thông ở Việt Nam là 726 phương tiện/1.000 người. Tỷ lệ ô tô cá nhân/1000 người dân ở nước ta ở mức trung bình thấp so với các nước nhưng đã bất cập với hạ tầng giao thông.

Trong khi đó, phương tiện giao thông tăng nhanh, bình quân tăng từ 10-15%/năm, chủ yếu là các phương tiện cá nhân, tập trung tại các đô thị lớn.

Bộ Công an cho biết đã nghiên cứu, tham khảo pháp luật của nhiều nước trên thế giới, qua đó thấy rằng các nước đều có luật chuyên biệt về trật tự, an toàn giao thông (quy định về quy tắc giao thông, quản lý phương tiện, người điều khiển tham gia giao thông, xử lý vi phạm...), tách bạch với quy định về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ được quy định trong luật về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, luật về vận tải đường bộ...(Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Nga, Đức, Australia,...).

Vì thế, Bộ này cho rằng việc ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là hết sức cần thiết để giải quyết những vấn đề cấp bách thực tiễn đang đặt ra trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.

 Thế Kha