"Nhiều người làm cho Boeing, Airbus lương rất cao vẫn về Việt Nam làm việc"
(Dân trí) - Nhấn mạnh cần chính sách riêng đãi ngộ người giỏi, Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang, nêu thực tế có những người làm cho Boeing, Airbus, lương rất cao nhưng vẫn về Việt Nam làm việc.
Điều này được Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng, chia sẻ trong phiên thảo luận tổ chiều 8/11, về Dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Đề cập đến cơ sở pháp lý, Bộ trưởng Quốc phòng cho biết trước khi có dự án luật này đã có Pháp lệnh về Công nghiệp quốc phòng (năm 2008), Pháp lệnh về động viên công nghiệp (năm 2003), nhưng chưa có chế tài nào về công nghiệp an ninh ngoài Nghị định 63 năm 2020 của Chính phủ.
Cùng với chính sách quốc phòng 4 không theo quan điểm hiện đại, tự lực, tự cường, tự chủ, Bộ trưởng Quốc phòng lưu ý cần đưa công nghiệp quốc phòng, an ninh trở thành mũi nhọn của đất nước.
Muốn vậy, ông nhấn mạnh phải có cơ chế thu hút, đãi ngộ nhân lực cho ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh. Bộ trưởng Phan Văn Giang dẫn chứng Viettel được như ngày hôm nay là do có cơ chế đặc thù thu hút nhân lực.
"Có người ở nước ngoài lương tính ra tiền Việt khoảng 300-400 triệu đồng/tháng, khi về Việt Nam, họ cũng muốn lương phải được 150 triệu đồng/tháng. Về nước cống hiến, nếu được kết nạp vào Đảng, trở thành sĩ quan và chỉ huy, cũng là nguyện vọng của đại đa số những nhà khoa học", Bộ trưởng Quốc phòng lưu ý cần thu hút những người như vậy.
Ông cũng dẫn chứng có những người từng làm cho Boeing, Airbus, Lockheed Martin lương rất cao, cuộc sống đầy đủ, nhưng vẫn về Việt Nam để làm việc. "Đây là những người giỏi nên phải có chính sách riêng để đãi ngộ họ", Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh.
Chung quan điểm về việc này, đại biểu Hoàng Anh Công (Thái Nguyên) cũng cho rằng cần có chính sách thu hút nhà khoa học không phải sĩ quan, đang làm việc tại các viện, cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước.
"Đây là những người rất giỏi về công nghệ lõi, công nghệ nền. Chúng ta phải có cơ chế, chính sách thu hút họ", ông Công đề nghị luật thể hiện rõ hơn chính sách này.
Theo vị đại biểu, với nhà khoa học đầu ngành, ngoài cơ chế về lương bổng, đãi ngộ cần có cơ chế bảo vệ.
"Rất nhiều quốc gia có những nhà khoa học đầu ngành đưa vào chế độ bảo vệ như yếu nhân, bởi để có được một nhà khoa học không đơn giản, trong hàng triệu người mới có một người", ông Công nhấn mạnh nhân tài cần phải được bảo vệ.