Hà Tĩnh:

Nhiều người dân "ôm hận" vì cho xã vay tiền

(Dân trí) - Năm 2002, để có kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, UBND xã Đức Quang, huyện Đức Thọ "đành" vay của dân gần một tỷ đồng. Đến nay cam kết thanh toán nợ đã quá hạn nhiều năm nhưng những người dân nhỡ cho xã vay vẫn đang đau đầu đi đòi nợ.

Xã nợ dân như chúa chổm
 
Tiếp chúng tôi trong căn nhà gỗ tồi tàn, 2 ông bà Trần Văn Thích, thương binh hạng 3/4 (xóm 1, Đức Quang) không khỏi bất bình.
 
Năm 2002, xã đã đứng ra vay của không ít hộ dân để làm các công trình xây dựng cơ bản. Riêng ông Thích, tin tưởng rằng cho UBND mượn là an toàn nên ông đồng ý cho xã mượn 17 triệu đồng với lãi suất 1%/tháng (tương đương với lãi suất ngân hàng thời điểm đó).
 
Được xã hứa ngon ngọt "người dân chỉ cần báo trước 10 ngày, chính quyền sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền cả gốc lẫn lãi", ông Thích đã không ngần ngại cho xã vay 4 lần, với tổng số tiền lên đến 57,8 triệu đồng.
 
Tính cả gốc lẫn lãi cho đến ngày 30/11/2007, UBND xã Đức Quang đã nợ ông Thích với tổng số tiền lên đến 128.541.660 đồng. Giữa năm 2006, do cần tiền để làm nhà ở nên ông Thích đã yêu cầu xã hoàn lại toàn bộ số tiền trên. Tuy nhiên, từ đó đến cuối năm 2007 xã chỉ "nhỏ giọt" hoàn tiền cho ông Thích.
 
Bức xúc vì nhiều lần yêu cầu nhưng xã vẫn không được trả nợ, tháng 11/2007, ông Thích đã kiện UBND xã Đức Quang ra tòa án nhân dân huyện Đức Thọ.
 
Theo cam kết tại toà án, đến 30/8/2008, UBND xã Đức Quang phải trả 70% tổng số nợ và đến 30/9/2009 thì thanh toán hết khoản nợ cho ông Thích, số dư nợ được tính lãi suất theo lãi suất ngân hàng trong từng thời điểm cụ thể.
 
Tuy nhiên, cam kết này vẫn bị UBND Đức Quang làm ngơ. Tính đến thời điểm này, chính quyền xã mới trả được cho ông Thích 38 triệu đồng, lãi suất chỉ tính 1,25%.

Một trường hợp khác, số tiền xã vay tuy chỉ 15 triệu đồng nhưng đối với anh Phạm Văn Thống, thôn 4 cũng bi đát không kém.

Tháng 8/2004, để có tiền trả cho nhà thầu nợ đến hạn công trình xây dựng trường học 2 tầng, xã Đức Quang đã thông qua Nghị quyết tiếp tục mượn tiền dân để bù vào khoản nợ đến hạn đó.

Cũng với lời hứa, "nếu cần tiền, người dân chỉ cần báo trước 10 ngày", tuy nhiên anh Thống đã nhiều lần đề nghị trả nợ nhưng vẫn không được xã đáp ứng yêu cầu.

Anh Thống bức xúc: “Đức Quang là một xã ngoài đê, quanh năm đối mặt với lũ lụt, đói nghèo, sống chủ yếu vào mấy sào lúa, củ khoai, vậy nên người nông dân như chúng tôi làm ra đồng tiền, bát gạo là quý lắm. Như tôi, nay cần tiền ăn học cho con cái mà đòi mãi xã không trả nợ. Chả lẽ đành để cho con cái bỏ học giữa chừng!”

Chi trả nợ bằng cách... huy động dân đóng góp!

Điều đáng bức xúc hơn nữa là để có tiền trả nợ, chính quyền xã Đức Quang lại quay sang bắt chính người dân đóng góp.

Từ năm 2003 đến nay, với phương thức huyện hỗ trợ xi măng, người dân góp công, vật liệu khác, xã Đức Quang đã hoàn thành 9,5km đường bê tông, tuy nhiên đến nay, chính quyền xã lại bắt người dân nộp lại khoản tiền xi măng đó cả gốc lẫn lãi với tổng số tiền gần 126 triệu đồng.

Nhiều người dân "ôm hận" vì cho xã vay tiền - 1
  

Bảng thống kê nợ và lãi của chính quyền xã Đức Quang với một hộ dân (ảnh: Quang Linh).

 
Ngoài ra, 2.375 hộ dân Đức Quang, ngoài các khoản đóng góp thường xuyên còn phải đóng mỗi người 50.000 đồng để cho xã trả nợ tiền xây trụ sở.
 
Chưa hết vì theo kế hoạch, sau khi thu xong khoản tiền đóng góp xây trụ sở, những năm tiếp theo sẽ tiếp tục bắt dân đóng góp tiền trả nợ xây dựng trường học.
 
Bức xúc trước những quy định khó có thể chấp nhận trên anh Nguyễn Khương, thôn Tiền Phong cho hay: “Biết là xã bắt dân đóng tiền để trả nợ nhưng không đóng không xong. Mỗi lần xin dấu má, chứng từ là xã phải bắt đóng đủ mới cho”.
 
Xã không có khả năng thanh toán!?
 
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện xã Đức Quang còn nợ xây dựng cơ bản 958 triệu đồng, trong đó nợ dân gần 400 triệu, nợ nhờ cá nhân đứng ra vay ngân hàng 335 triệu và nợ các nhà thầu.
 
Trong danh sách vay nợ có những khoản vay rất nực cười như: vay trả lãi đến hạn; vay cải tạo, sửa xe tang; vay vượt chi kế hoạch quân sự, mua sắm huấn luyện quân sự…
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Liêm, Chủ tịch UBND xã Đức Quang thừa nhận, hiện xã không có khả năng hoàn nợ. Cách duy nhất là xã tiếp tục dùng kế hoạch thu tiền đóng góp của dân và đề nghị huyện hỗ trợ trả nợ dần trong các năm tiếp theo.

Với sự thừa nhận của ông Chủ tịch xã, có lẽ người dân Đức Quang sẽ vẫn phải còng lưng tiếp tục đóng góp cho xã trả nợ chính khoản nợ của mình. Và với những người như ông Thích, anh Thống sẽ còn mỏi mòn chờ đợi xã trả hết nợ.

Văn Dũng - Quang Linh