1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nhiều người đã dùng từ "mùa ô nhiễm" thay cho "mùa đông miền Bắc"

Thế Kha

(Dân trí) - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Hoàng Dương Tùng nói ô nhiễm không khí, bụi mịn đang trở thành vấn đề nóng bỏng của Hà Nội, TPHCM. Nhiều người đã dùng từ "mùa ô nhiễm" thay cho "mùa đông" miền Bắc.

Sáng 26/6, phát biểu tại chương trình "Mãnh liệt tinh thần Việt Nam - Vì tương lai xanh", TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, phản ánh ô nhiễm không khí (bụi mịn PM2.5) đang trở thành vấn đề nóng bỏng của nhiều thành phố, trong đó có Hà Nội và TPHCM.

Nhiều người đã dùng từ mùa ô nhiễm thay cho mùa đông miền Bắc - 1

TS. Hoàng Dương Tùng trao đổi tại buổi lễ (Ảnh: Thanh Tuyền).

Hà Nội có năm trên 30% số ngày ghi nhận chỉ số chất lượng không khí ở mức xấu và kém. Đáng lo ngại hơn, xu hướng này không giảm mà ngày càng tăng.

"Nhiều người đã dùng từ "mùa ô nhiễm" thay cho "mùa đông" miền Bắc. Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố PM2.5 là nguyên nhân đứng thứ 4 gây tử vong sớm. Theo ước tính, hàng năm có đến 4,3 triệu người chết do các bệnh liên quan đến ô nhiễm bụi mịn PM2.5", ông Tùng dẫn chứng.

Ông đặt vấn đề: Liệu có thể có không khí trong lành khi nhiều cơ sở sản xuất coi thường pháp luật, liên tục nhả khói bụi? Bụi mịn PM2.5 liệu có giảm khi số lượng xe máy (6 triệu xe máy ở Hà Nội, 8 triệu ở TP HCM), ô tô (hơn 800.000 ô tô tại Hà Nội và hơn 900.000 ở TPHCM) sử dụng nhiên liệu hóa thạch ngày càng tăng trong thành phố?

Trên thế giới, nhiều thành phố như Bắc Kinh (Trung Quốc) từng trở thành tâm điểm của ô nhiễm không khí, nhưng nhờ những quyết tâm của lãnh đạo các cấp với những chính sách, chương trình hành động đúng, sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng nên chất lượng không khí đã từng bước cải thiện.

Nhiều người đã dùng từ mùa ô nhiễm thay cho mùa đông miền Bắc - 2

Ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Hà Nội trở thành vấn đề nóng nhiều năm nay (Ảnh: Mạnh Quân).

Ông Tùng phản ánh, Hà Nội vừa thể hiện quyết tâm thực hiện giao thông xanh khi dự kiến chi 43.000 tỷ đồng từ nay đến 2030 đầu tư xe buýt xanh. "Trong số các kịch bản mà Hà Nội dự kiến, tôi cho rằng kịch bản sử dụng 100% xe buýt điện là tốt nhất cho môi trường", ông nói.

Còn TPHCM đang triển khai chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải. Trong đó đặt mục tiêu từ năm 2025 trở đi, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh.

Ông Hoàng Dương Tùng kỳ vọng chiến dịch "Mãnh liệt tinh thần Việt Nam - Vì tương lai xanh" sẽ truyền cảm hứng để cộng đồng chung tay bắt đầu từ những việc thay đổi thói quen khi di chuyển, sử dụng những phương tiện xanh để mang lại bầu trời xanh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm