Nhiều mục tiêu thiên niên kỷ được thực hiện trước thời hạn

(Dân trí) - Bản báo cáo về nhiệm kì của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày đã nêu bật những bước tiến về kinh tế - xã hội trong 5 năm qua, đồng thời cũng chỉ ra những yếu kém của công tác điều hành của Chính phủ và với tư cách là người đứng đầu, Thủ tướng đã thẳng thắn nhận trách nhiệm.

Nhiều bước thăng tiến vượt bậc…

 

Báo cáo của Thủ tướng nêu rõ, với những giải pháp điều hành phù hợp và có trọng tâm trọng điểm, các cân đối vĩ mô của nước ta ngày càng vững chắc hơn: an ninh lương thực được đảm bảo; giá trị đồng tiền cơ bản ổn định; bội chi ngân sách được kiểm soát ở dưới mức 5%; tăng giá tiêu dùng được kiềm chế ở mức dưới 2 con số/năm và thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Cán cân thanh toán quốc tế được giữ cân bằng, dự trữ ngoại tệ tăng dần (hiện đạt mức 15 tuần nhập khẩu so với bình quân 6,5 tuần trong giai đoạn 1997 - 2001), nợ Chính phủ và nợ quốc gia luôn được giữ trong giới hạn an toàn; tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng giảm.

 

Với những giải pháp và chính sách phù hợp, khu vực kinh tế dân doanh đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ. Từ năm 2002 đến năm 2006, có khoảng 170 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng bình quân mỗi năm khoảng 17%. Hiện nay, đầu tư của các doanh nghiệp dân doanh chiếm gần 34% trong tổng đầu tư xã hội, tạo ra 49% việc làm phi nông nghiệp ở nông thôn.

 

Việt Nam cũng đã trở thành điểm đến khá hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, riêng năm 2006 đã vượt ngưỡng 10 tỷ USD, gấp 1,5 lần năm trước và gấp đôi mức bình quân 5 năm 2001 - 2005. Gần đây khi nước ta từng bước mở cửa thị trường tài chính, kể cả thị trường chứng khoán, dòng vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài bước đầu được đưa vào, góp phần làm sống động thêm thị trường vốn.

 

Nhiều mục tiêu thiên niên kỷ được thực hiện trước thời hạn, chỉ số phát triển con người (HDI) được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm trên 2%, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Năng lực chỉ đạo điều hành phòng, chống và đẩy lùi các dịch bệnh nguy hiểm có nhiều tiến bộ. Mỗi năm cả nước tạo được hơn 1,5 triệu việc làm; tỷ lệ thất nghiệp cuối năm 2006 còn khoảng 5%.

 

Cải cách hành chính và chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh. Việc triển khai áp dụng cơ chế "một cửa", thí điểm mô hình "một cửa liên thông" đã thu được những kết quả tích cực, góp phần đổi mới phong cách, lề lối làm việc, chấn chỉnh và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, được nhân dân và doanh nghiệp hoan nghênh. Nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực nổi cộm được phát hiện xử lý nghiêm, tạo được niềm tin của nhân dân và bạn bè quốc tế về quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.

 

… Nhưng chất lượng của sự phát triển còn thấp

 

Thủ tướng cũng nhìn thẳng vào những tồn tại trong nhiệm kì vừa qua của Chính phủ. Cụ thể, thể chế kinh tế thị trường vẫn chưa đồng bộ, chất lượng của sự phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Tăng trưởng kinh tế 5 năm qua vẫn thấp hơn so với khả năng và chậm hơn nhiều nước trong khu vực ở thời kỳ đầu công nghiệp hoá, chủ yếu dựa vào các nhân tố phát triển theo chiều rộng, vào những ngành sản xuất có công nghệ thấp, tiêu hao vật chất cao, sử dụng nhiều tài nguyên, vốn và lao động; quy mô nền kinh tế còn nhỏ, thu nhập bình quân đầu người thấp; năng suất lao động và hiệu quả kinh tế tăng chậm. Thu ngân sách còn phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ thuế nhập khẩu và dầu thô.

 

Cùng đó, cơ chế quản lý đổi mới chậm và chưa đồng bộ, chất lượng hiệu quả hoạt động văn hoá, xã hội còn thấp. Cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu, kỷ luật kỷ cương chưa nghiêm; quan liêu tham nhũng lãng phí chưa bị đẩy lùi. Hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở còn nhiều yếu kém, bất cập, hoạt động thiếu thống nhất, thông suốt, chưa ngang tầm đòi hỏi của sự nghiệp phát triển đất nước. Vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức sách nhiễu, vô trách nhiệm khi giải quyết công việc của dân, của doanh nghiệp nhưng chưa bị xử lý.

 

Những thiếu sót, bất cập nêu trên có nguyên nhân chủ quan về chỉ đạo tổ chức thực hiện chưa ngang tầm và còn nhiều yếu kém… “Là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xin nghiêm túc nhận trách nhiệm về những yếu kém bất cập trong quản lý nhà nước, trong lãnh đạo chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong nhiệm kỳ qua”, Thủ tướng thẳng thắn .

 

Mạnh Cường