Kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10:
Nhiều mô hình hiệu quả của phụ nữ Sóc Trăng về bảo vệ môi trường
(Dân trí) - Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng đã cùng với chị em phụ nữ địa phương thực hiện nhiều mô hình có hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường.
Trong xã hội, phụ nữ là những người tạo nên các mối quan hệ với môi trường bởi họ không chỉ trực tiếp gắn bó với thiên nhiên, môi trường trong sinh hoạt hằng ngày mà còn là đối tượng nhạy cảm chịu ảnh hưởng trực tiếp của các chất ô nhiễm trong sinh hoạt, sản xuất. Còn trong gia đình, phụ nữ vừa là người nội trợ chính chăm lo chất lượng của từng bữa ăn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm và nề nếp sinh hoạt hợp vệ sinh của gia đình.
“Có thể nói, phụ nữ vừa là đối tượng, vừa là chủ thể quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường. Chính vì thế, các hoạt động tham gia bảo vệ môi trường đã thu hút sự tham gia của đông đảo chị em phụ nữ trong tỉnh và đã thu được những hiệu quả thiết thực”, bà Loan cho biết.
Theo bà Loan, nhiều mô hình có hiệu quả mà Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện như: Hàng năm các cấp Hội đều phối hợp với các Sở, Ban ngành tổ chức mittinh hưởng ứng ngày môi trường thế giới (5/6); Hưởng ứng chương trình xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch; Thực hiện nông thôn mới làm hàng rào, cột cờ, trồng hoa trước ngỏ, đào hố rác di động; Tận dụng đất trống để trồng cây xanh, rau sạch xung quanh nhà; Tổ chức mở lớp tập huấn chương trình giáo dục hành động về nước sạch, vệ sinh môi trường, tác hại của biến đổi khí hậu; Tổ chức nói chuyện chuyên đề “Nói không với túi nilong và bảo vệ môi trường”; Hội thi tìm hiểu kiến thức vệ sinh môi trường…
Hội LHPN tỉnh cũng phối hợp với các cơ quan truyền thông thực hiện chuyên mục phụ nữ có nội dung liên quan đến môi trường; xây dựng các chuyên mục phụ nữ về người thật việc thật từ những hoạt động bảo vệ môi trường của Hội phụ nữ các cấp.
Các cấp Hội cũng hỗ trợ “Phụ nữ vay vốn làm bể lọc và làm cầu vệ sinh" được triển khai hiệu quả như năm 2013 Tỉnh Hội hỗ trợ vốn vay xây dựng hố xí hợp vệ sinh cho 177 hội viên trị giá 531 triệu đồng tư nguồn vốn WB; 100% xã xây dựng mô hình “Phụ nữ thu gom rác vô cơ gây quỹ”, “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilong”, “ Câu lạc bộ phụ nữ biến rác thành tiền”; “Buổi xếp giỏ giấy thay túi nilong”; “Tổ phụ nữ tiết kiệm điện”; “Tổ phụ nữ tiết kiệm gạo”; “Tổ phụ nữ nuôi heo đất với trên 32.000 chị em tham gia”; “Tổ phụ nữ trồng rừng ngập mặn”; “Mô hình trồng màu phủ bạt”…
Bà Nguyễn Thị Mỹ Loan cho biết, các hoạt động bảo vệ môi trường của Hội LHPN tỉnh đều hướng về cơ sở, tập trung cho phụ nữ nông thôn, phụ nữ sống ở các vùng có nhiều khó khăn, thiếu thông tin, giúp họ có đủ kiến thức cơ bản về môi trường để từ đó xây dựng ý thức và kỹ năng, thay đổi nếp sống có lợi cho bản thân, cho cộng đồng, thân thiện với môi trường.
Cũng theo bà Loan, Tỉnh Hội còn chú trọng lồng ghép việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường với các nhiệm vụ của Hội, các chương trình mục tiêu Quốc gia như: Nước sạch và vệ sinh môi trường; Xóa đói giảm nghèo; Chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng... để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chương trình trong các cấp Hội. Trong đó, tập trung đầu tư xây dựng các mô hình, gắn tuyên truyền với thực tiễn bằng các mô hình để chị em dễ học, dễ làm theo.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Loan đánh giá, qua tổ chức các họat động truyền thông và xây dựng mô hình đã tác động rất lớn đến nhận thức của người dân, đa phần người dân đã biết được tác hại của việc sử dụng túi nilong và các chất thải gây ô nhiễm môi trường, các hộ dân đã biết phân lọai rác và tái sử dụng rác, đổ rác đúng nơi quy định, tận dụng đất trống để trồng cây xanh, rau sạch.
Dù vậy, lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng cũng nhìn nhận: Các mô hình, câu lạc bộ “Phụ nữ bảo vệ môi trường ” được duy trì nhưng chưa được nhân rộng; Việc giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức. Điều này có thể do tập quán tiêu dùng, kinh tế còn kém phát triển, kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm và quản lý chưa thật sự hiệu quả; Thói quen xả rác bừa bãi vẫn còn xảy ra trong cộng đồng; Nhận thức và tầm nhìn của các cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng về công tác này chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, còn thiên về lợi ích kinh tế trước mắt, chưa coi trọng phát triển bền vững.
Huỳnh Hải