Quảng Ngãi:
Nhiều lo ngại về dự án đập dâng 1.500 tỷ đồng
(Dân trí) - Khối lượng thực hiện dự án đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc đã đạt 700 tỷ đồng. Tuy nhiên mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã nêu ra nhiều vấn đề đáng lo ngại liên quan đến dự án.
Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc nối 2 xã Tịnh An và Nghĩa Dũng (TP Quảng Ngãi) có tổng mức đầu tư 1.498 tỷ đồng từ nguồn cải cách tiền lương và ngân sách tỉnh Quảng Ngãi.
Quy mô công trình gồm cống ngăn sông 19 khoang, với tổng bề rộng gần 720 m; bốn khoang tràn piano; cầu và đường giao thông có tổng chiều dài hơn 974 m, chiều rộng mặt cầu 12 m... Dự án được khởi công tháng 7/2019 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021.
Trong quá trình triển khai, có nhiều thông tin phản biện, bày tỏ lo ngại về dự án này. Đặc biệt hơn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo rà soát lại toàn bộ quá trình triển khai thực hiện dự án. Chỉ đạo này được đưa ra khi dự án đã đạt trên 30% khối lượng.
Các sở, ngành nói gì?
Ngày 30/6, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi đã có báo cáo tổng hợp về việc rà soát trình tự, thủ tục đầu tư dự án đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc. Báo cáo này cho thấy quá trình triển khai dự án còn một số thiếu sót.
Theo Sở NN&PTNT, qua rà soát cho thấy cầu giao thông trên đập không đúng tuyến nối với đảo Ngọc (thôn Ân Phú, xã Tịnh An) như quy hoạch chung xây dựng TP Quảng Ngãi đến năm 2030.
Đối chiếu với các quy định hiện hành, tại thời điểm trình duyệt, thủ tục đầu tư dự án còn nhiều tồn tại. Theo đó, dự án chưa có văn bản thẩm duyệt Báo cáo đánh giá môi trường trước khi phê duyệt; chưa có giải pháp kỹ thuật hệ thống thu gom, xử lý, tiêu thoát nước thải cho khu vực trung tâm TP Quảng Ngãi và các khu vực lân cận.
Trong khi đó, kết quả rà soát của Sở KH&ĐT cho thấy, theo quy định phải tiết kiệm 10% trên tổng mức đầu tư theo Nghị quyết của Chính phủ. Tuy nhiên, giá trị hợp đồng gói thầu xây lắp đã ký chưa đảm bảo quy định này.
Sở KH&ĐT cũng đề nghị phải tính toán tổng kinh phí đầu tư đến khi dòng sông đầy nước như mục tiêu đề ra. Đây sẽ là cơ sở để cấp thẩm quyền quyết định các bước tiếp theo.
Về phía Sở TN&MT, kết quả rà soát khẳng định Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án đảm bảo đúng quy định, công tác thẩm định được thực hiện đúng quy trình. Hội đồng thẩm định ĐTM đã làm việc nghiêm túc và rất cẩn trọng đối với các vấn đề môi trường của dự án.
Sở TN&MT kiến nghị, UBND tỉnh cho phép chủ đầu tư thuê đơn vị có chức năng tổ chức triển khai các chuyên đề riêng để nghiên cứu sâu hơn về đa dạng sinh học, hệ sinh thái của khu vực trước, sau đập dâng và vấn đề xâm nhập mặn. Sở này cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo thành lập tổ giám sát liên ngành theo dõi, giám sát chặt chẽ dự án dập dâng.
Theo Sở NN&PTNT, tại thời điểm tổng hợp ý kiến, các Sở Tài chính, Xây dựng và UBND TP Quảng Ngãi không báo cáo theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh.
Nhiều lo ngại về dự án nghìn tỷ
Mới đây, tại kỳ họp HĐND tỉnh, ông Nguyễn Tăng Bính – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã báo cáo một số vấn đề liên quan đến đập dâng sông Trà Khúc. Với vai trò Phó Chủ tịch điều hành UBND tỉnh Quảng Ngãi, ý kiến của ông Nguyễn Tăng Bính cho thấy nhiều vấn đề đáng lo ngại về dự án này.
Theo ông Bính, khi triển khai thực hiện, dự án đập dâng chưa phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị; quy hoạch tài nguyên nước và quy hoạch thủy lợi cũng chưa có nên phải bổ sung. Tuy nhiên, việc thực hiện bổ sung quy hoạch chưa đúng quy định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nêu rõ, việc bố trí nguồn vốn thực hiện dự án đập dâng không đúng quy định. Trong tổng nguồn vốn đầu tư có 200 tỷ đồng từ nguồn quỹ dự trữ tiền lương. Nguồn này được Trung ương đồng ý cho đầu tư xây dựng các công trình khẩn cấp, tuy nhiên tỉnh lại bố trí xây dựng cơ bản bình thường.
Báo cáo với HĐND tỉnh, ông Nguyễn Tăng Bính bày tỏ lo ngại về vấn đề thoát lũ trong quá trình thực hiện dự án. Về mặt lý thuyết, các cơ quan chuyên môn đã tính toán cách chuyển tải lũ. Tuy nhiên, cấp chuyển tải ở mức độ nào và điểm dừng kỹ thuật của công trình này phải được xác định trên những nguyên tắc khoa học. Đây là cơ sở để đảm bảo đến cuối tháng 8 dừng công trình nhằm đảm bảo thoát lũ trong mùa mưa lũ sắp tới.
Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo tỉnh sẽ tổ chức kiểm tra thực địa. Sau đó sẽ tổ chức hội nghị gồm các sở, ngành; các đơn vị liên quan đến quá trình thực hiện dự án cũng như chuyên gia về thủy lợi nhằm xác định điểm dừng vượt lũ.
“Cần xác định là công trình phải dừng lại, cái này là dừng giai đoạn một. Còn sau này tiếp tục như thế nào thì có lẽ tôi cũng chưa dám quyết mà phải báo cáo Ban Thường vụ”, ông Bính nói.