Nhiều lo lắng về tái định cư thủy điện Sơn La
(Dân trí) - “Đồng bào ở nhà đẹp nhưng chỉ suốt ngày xem tivi là điều rất đáng lo”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển băn khoăn về tái định cư thủy điện Sơn La. Theo ông, vấn đề tái định cư phải giải quyết trong… vài chục năm.
Sáng nay 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về báo cáo giám sát việc thực hiện di dân, tái định cư thủy điện Sơn La.
Nhiều người dân chưa yên tâm
Báo cáo của Chính phủ cho biết, đến 31/12/2008, ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã di chuyển hơn 12.800 trên tổng số hơn 20.800 hộ dân, đạt 62% số hộ phải di chuyển của dự án và đạt hơn 74% so với tiến độ di chuyển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2004.
Việc giao đất sản xuất mới đạt gần 40% so với số hộ dân đã di chuyển, do đó việc sản xuất của nhân dân sẽ rất khó khăn. Những điểm TĐC đoàn giám sát đến, các hộ tái định cư đều có một tâm trạng chung là lo lắng thiếu đất sản xuất và đất sản xuất đã được giao chất lượng xấu.
“Qua tiếp xúc trực tiếp của Đoàn giám sát với người dân ở các điểm TĐC đều cho thấy chưa rõ các phương án phát triển sản xuất những năm tới như thế nào, đa số đều cảm thấy không yên tâm”, ông Ksor Phước cho biết.
Nhiều khu, điểm TĐC đã đón dân, nhưng công trình công cộng chậm được xây dựng như trường học, trạm xá, nhà văn hoá, nước sinh hoạt, điện, đường giao thông.
Việc qui định về định mức xây dựng các khu TĐC theo tiêu chuẩn nông thôn về đất ở, về xây dựng cơ sở hạ tầng tập trung, chưa phù hợp với đặc điểm tập quán sinh sống của người dân. Tuy chính sách hỗ trợ đời sống thực hiện tốt nhưng chưa đáp ứng cho người dân ổn định cuộc sống.
Không ít người dân có nguyện vọng đề nghị Nhà nước quan tâm kéo dài thời gian hỗ trợ đời sống ít nhất một năm nữa.
Về tiến độ xây dựng các điểm TĐC và tổ chức di chuyển các hộ ra khỏi vùng ngập lụt nhìn chung rất chậm. Nếu mùa mưa đến, khó khăn sẽ tăng lên gấp bội. Trong khi đó thời hạn dự kiến hoàn thành cơ bản phải trước tháng 7/2010.
“Đây sẽ là thách thức rất lớn cho các tỉnh và các hộ còn lại chưa đến nơi ở mới”, ông Ksor Phước nhấn mạnh.
Nuôi người dân TĐC trong nhiều năm?!
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, đến lúc này còn 6.000 hộ phải di chuyển. Không tính 5 tháng mùa mưa, thời gian còn lại là 7 tháng, mỗi tháng di chuyển gần 1 ngàn hộ là hoàn toàn có thể làm được.
Về việc một số hộ di chuyển đã vài năm, nhưng vẫn chưa nhận đủ hỗ trợ, ông Hải cho biết, Chính phủ nhận trách nhiệm về việc chưa chỉ đạo giải quyết rốt ráo. Ông Hải cho biết, riêng về vấn đề nguồn vốn cho tái định cư, tới đây sẽ không để thiếu.
Những vấn đề gì vướng liên quan đến TĐC Chính phủ sẽ tiếp tục tháo gỡ để đảm bảo tháng 10/2010 có thể đưa nước vào hồ chứa.
Tuy nhiên, vấn đề tiến độ không khiến các ý kiến tại Thường vụ Quốc hội dành nhiều quan tâm, quan trọng hơn là các khía cạnh có tính lâu dài. Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách, Phùng Quốc Hiển cho biết, rất băn khoăn với việc các hộ dân chưa yên tâm, nhất là với sản xuất và theo ông đây là vấn đề lớn.
“Các vùng đất tốt nay đều đã có chủ, đồng bào tái định cư chủ yếu đến vùng đồi núi, khó khăn. Đồng bào ở nhà đẹp nhưng chỉ biết nhìn ra cửa sổ và xem tivi là điều rất lo lắng”, ông Hiển bày tỏ.
Theo ông Hiển, chuyển đồng bào từ làm lúa sang trồng cây công nghiệp đã khó, còn chuyển sang công thương nghiệp phải có một quá trình. Ông Hiển đề nghị phải tính phương án nuôi trăm ngàn nhân khẩu này trong nhiều năm.
Vấn đề tái định cư theo ông Hiển không chỉ vài ba năm mà phải vài chục năm. Kinh nghiệm từ Yên Bái cho thấy, sau nhiều năm tỉnh này vẫn phải chạy đôn, chạy đáo giải quyết những vấn đề của tái định cư thủy điện Thác Bà.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Uông Chu Lưu chia sẻ, chúng ta chủ trương làm sao để đồng bào đến nơi mới tốt hơn hoặc ngang bằng nơi cũ, nhưng như chỗ cũ là điều không thể có vì trước đây ở lòng hồ đất rất tốt. Vấn đề đặt ra là phải tập trung đào tạo nghề, rà soát lại cơ chế chính sách để hỗ trợ tốt cho người dân…
Cấn Cường