1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Nhiều lái xe Cty TNHH vận tải TPHCM bị đẩy vào đường cùng

Cầm trên tay những xấp chứng từ nộp tiền phạt, cho đến giờ này, những người lái xe Cty TNHH vận tải TP Hồ Chí Minh (Citranco) vẫn chưa thể lý giải nổi một thắc mắc, vì sao họ phải nộp tiền phạt nhiều đến vậy?

Thậm chí, có không ít người, do bị phạt quá nhiều, nên bị công ty sa thải.
 
Những lái xe bị Cty sa thải đang tiếp xúc với báo chí. Ảnh: C.H

Những lái xe bị Cty sa thải đang tiếp xúc với báo chí. Ảnh: C.H

 

Bán vé “bán tự động” - trăm dâu đổ đầu… lái xe

 

Anh Lâm Ngọc Trúc - lái xe buýt thuộc tuyến 59, từ bến xe Q.8 về ngã tư Ga (Q.12) - cho biết: “Ở các tuyến khác, trên mỗi xe có một lái xe và một tiếp viên. Lái xe chỉ chuyên chú lái xe an toàn, còn việc thu tiền, xé vé giao cho khách và kiểm tra hành khách là việc của tiếp viên.

 

Tuy nhiên, trên các tuyến xe buýt của Citranco từ 2 năm trở lại đây đã không còn tiếp viên. Trái lại, Cty đặt trên mỗi xe một máy bán vé “bán tự động”. Theo đó, ngoài việc lái xe, anh em lái xe phải kiêm luôn những công việc như: Hướng dẫn khách bỏ tiền vào máy, bấm nút trả lại tiền xu cho khách, nhắc nhở khách tự xé vé...”.

 

Quy trình trên gọi là “mô hình bán vé bán tự động” trên xe buýt, hướng đến nếp sinh hoạt “văn minh” như ở nước ngoài. Song, theo nhiều lái xe Citranco, chưa thấy “mô hình bán vé bán tự động” mang lại lợi lộc gì, trước mắt, chỉ thấy toàn... phiền phức đổ xuống đầu lái xe.

 

Lái xe H.B.L cho biết: “Hiện rất ít người xài tiền xu, nên khi chúng tôi bấm nút trả tiền xu, nhiều khách bực bội trả lại... Nếu lái xe tự ý lấy tiền giấy trả khách, sẽ vi phạm nội quy Cty; nếu không trả lại tiền thừa, chắc chắn sẽ xảy ra cự cãi. Đặc biệt, có trường hợp khách đi có 6.000 đồng/vé, nhưng phải trả lại tiền thừa... 94.000 đồng tiền xu. Thiệt dở khóc dở cười, may mà người đó nhận. Còn lại, hầu hết khách đều từ chối nhận tiền xu...

 

Vì vậy, trên thực tế, chiếc máy bán vé “bán tự động” (trị giá 17 triệu đồng/máy) đặt trên mỗi xe hoàn toàn không giúp gì, chỉ... làm kiểng; trái lại, hầu hết lái xe muốn không xảy ra phiền hà cho khách, bắt buộc phải vi phạm nội quy là... tự động vừa lái xe, vừa đếm tiền và thối lại tiền giấy cho khách”.

 

Lái xe P.Đ.T kể: “Vì một mình lái xe phải làm tất tần tật mọi việc trên xe, nên không thể không sai sót. Thí dụ, gặp lúc đông khách, nên có khách đưa tiền, nhưng quên lấy vé, hoặc có người gian lẻn lên cửa sau, lái xe không phát hiện... Đội kiểm tra của Cty phát hiện, lái xe bị phạt nặng nề hoặc bị đuổi khỏi Cty”.

 

1.001 kiểu phạt, sa thải người lao động

 

Gần đây, lái xe Nguyễn Khắc Lợi (SN 1970) đã có đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng. Theo anh Lợi: “Tôi làm việc tại Cty đã 2 năm, với mức lương bình quân 2,1 triệu đồng/tháng, nhưng luôn bị xử ép và bóc lột sức lao động. Mới đây, Cty cho người giả làm hành khách đi trên xe do tôi lái. Người này không đưa tiền, không lấy vé, nên dẫn đến tôi bị sa thải.

 

Những lái xe bị Cty sa thải đang tiếp xúc với báo chí. Ảnh: C.H
Lái xe buýt Citranco vừa lái xe vừa phải thu tiền, đếm tiền, trả lại tiền thừa... cho khách. Ảnh: C.H

 

Thời gian làm việc căng thẳng luôn quá 12h/ngày, vừa lái xe vừa làm tất cả mọi việc của một tiếp viên, khi xảy ra bất kỳ lỗi nhỏ nào cũng bị Cty phạt rất nặng. Có lần 2 khách chưa xé vé, tôi bị phạt 4 triệu đồng (2 triệu đồng/vé), lần sau tái phạm, Cty nâng mức phạt lên 8 triệu đồng và bị sa thải. Một năm làm việc, tôi bị phạt tới 13,5 triệu đồng. Và, số tiền phạt bị trừ hết vào lương chính hằng tháng”.

 

Lái xe Nguyễn Văn Thống, chỉ trong 1 năm qua có tới 14 lần bị phạt “bồi thường vật chất” như: Không mở máy lạnh (400.000 đồng), không hoàn thành nhiệm vụ (200.000 đồng), thu tiền không xé vé (2.000.000 đồng/vé)... Tổng số tiền mà anh Thống bị phạt trong 1 năm cũng trên 10 triệu đồng. Vào tháng 4/2013, anh Thống buộc phải nghỉ việc.

 

Lái xe Phan Đức Thắng có thâm niên gần 7 năm làm việc tại Citranco, nhưng với áp lực lái xe bán vé “bán tự động”, cũng bị mắc nhiều lỗi và bị phạt như các đồng nghiệp trên. Gần đây, do vi phạm “thu tiền bán vé xoay vòng” (phạt 2.000.000 đồng), anh Thắng đã bị sa thải.

 

Anh Nguyễn Văn Vàng - nhân viên thợ điện - vì không đi làm thêm trong 1 ngày nghỉ thứ bảy cũng bị sa thải sau đó 4 ngày (?!).

 

Ngày 8/8, làm việc với PV Lao Động, ông Nguyễn Văn Lèo - Tổng GĐ Citranco - thừa nhận các khoản tiền mà lái xe đã nộp phạt. Tuy nhiên, ông Lèo khẳng định làm đúng “nội quy lao động” của Cty, rằng các lái xe tố cáo là những người sai phạm, nên Cty phải kỷ luật.

 

Việc sa thải anh Vàng, ông Lợi cho rằng anh Vàng đã bỏ việc... 7 ngày và trước kia có trộm đồ Cty (?). Tuy nhiên, trên văn bản kỷ luật lại thể hiện anh Vàng nghỉ làm 1 ngày thứ bảy, không thể hiện việc trộm đồ... Ông Lèo im lặng, không giải thích thỏa đáng vì sao sa thải anh Vàng...

 

Trong khi đó, nhiều lái xe “tố” lãnh đạo Citranco ban hành vô số mức phạt đối với NLĐ. Theo họ, các lái xe đã trở thành những “cỗ máy” nộp tiền phạt  hằng tháng cho Cty. Có lái xe nộp phạt 12-13 triệu đồng/năm; người ít hơn cũng xấp xỉ trên dưới 10 triệu đồng/năm/người ... Với những lái xe bị nộp phạt, sẽ mất trắng tiền thưởng thêm lương tháng 13-14 (hơn 10 triệu đồng/tháng).

 

Anh Châu Minh Tuấn tiết lộ: “Số tiền phạt mà Citranco thu từ lái xe phải là hàng trăm triệu đồng... Chúng tôi có cảm giác, tiền phạt như là một khoản thu thường xuyên mà Citranco bổ lên đầu các lái xe buýt bằng bất cứ giá nào. Mặt khác, Cty thường xuyên “thay máu”, bằng cách nặn cho ra lỗi để sa thải hằng năm từ 15-20 lái xe, sau đó tuyển lớp lái xe mới vào Cty; như vậy sẽ đỡ cho Cty rất nhiều chi phí... Rốt cuộc, chỉ có lái xe như chúng tôi là thiệt đơn, thiệt kép”.

 

(Còn tiếp)

 

Theo Cao Hùng
 Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm