1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thừa Thiên Huế:

Nhiều khuất tất trong dự án trồng rừng 661

(Dân trí) - Dự án trồng rừng 661 triển khai năm 2000 ở xã Xuân Lộc (huyện Phú Lộc) nhằm giúp dân nghèo khắc phục hậu quả cơn lũ lịch sử năm 1999. Thế nhưng, thay vì đến với người nghèo, cán bộ xã Xuân Lộc đã cấp đất dự án cho chính vợ con mình...

8 tuổi vẫn được cấp đất

Năm 2000, Dự án trồng rừng 661 (khắc phục hậu quả sau lũ lịch sử năm 1999) do Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lộc làm chủ đầu tư với 100% nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước.

Theo quy định của dự án, người dân xã Xuân Lộc có tài sản bị thiệt hại nặng do trận lũ năm 1999, có sức khoẻ và có nhu cầu trồng rừng thì được giao đất. Dự án được triển khai với tổng diện tích là 92 ha và 53 hộ dân tham gia.

Mỗi ha rừng sẽ được đầu tư 2,6 triệu đồng và tiền chăm sóc sẽ được hưởng hàng năm.  Tuy nhiên, cán bộ xã Xuân Lộc đã không triển khai đúng như qui định của dự án mà lại theo hướng “ôm” cả dự án về cho lãnh đạo xã.

Cụ thể, khi triển khai dự án, cán bộ xã thông báo cho dân mỗi ha được hưởng 350.000 đồng và giao cho mỗi thôn chỉ đăng ký 4 - 5 người, mỗi người chỉ được nhận trồng từ 0,5 - 1 ha. Còn lại cán bộ xã, thôn và người nhà đã chiếm hơn phân nửa diện tích đất dự án.

Ông Phan Văn Thể, nguyên Chủ tịch UBND xã (nay là Chủ tịch HĐND xã) được trồng với diện tích 14,9 ha. Diện tích này được đứng tên bởi vợ ông và 4 đứa con trai của ông (chưa tách hộ). Trong đó, Phan Tiến được cấp 0,8 ha khi mới 13 tuổi và Phan Minh Đức không có mặt tại địa phương vẫn được cấp 3,9 ha.

Ông Nguyễn Công Toán, Cán bộ ngân sách xã cũng giành 7 ha rừng dự án về cho riêng mình, trong đó con gái Nguyễn Như Ý mới 8 tuổi cũng được cấp 2 ha.

Theo danh sách 53 hộ được cấp đất rừng dự án, hầu hết cán bộ xã Xuân Lộc đều "góp mặt". Từ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch, Trưởng Công an, đến cán bộ thôn đều xí phần đất dự án để cho vợ và con mình đứng tên.

Không chỉ cấp đất cho vợ con mình, cán bộ xã Xuân Lộc còn mượn tên một số hộ dân để nhận trồng rừng rồi nhận tiền hỗ trợ và chăm sóc "thay" người khác. Trong danh sách 53 hộ dân nhận 92 ha đất thì có hàng loạt hộ dân bị khai khống diện tích nhận trồng rừng.

“Cướp” đất của dân chia cho cán bộ

Bốn hộ dân Nguyễn Định, Hoàng Đức Nghĩa, Hoàng Đức Sơn và Hồ Văn Chi đã làm đơn tố cáo việc quan xã cậy quyền “cướp” đất của dân khi phát hiện ra diện tích 14,9 ha đất rừng của mình bị 2 ông Phan Văn Thể và Nguyễn Công Toán "cướp".

Để lý giải cho cán việc vì sao hơn 80% đất dự án 661 về tay cán bộ và vợ con của lãnh đạo xã, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc Nguyễn Dũng cho rằng, vì người dân sợ thua lỗ đã không nhận trồng rừng nên cán bộ phải đứng ra nhận làm. Tuy nhiên, khi chúng tôi đưa ra việc một số hộ dân không có đất sản xuất, mấy năm liền đăng ký đất trồng rừng mà không được giải quyết thì ông Dũng không giải thích được.

Trong kết luận của UBND xã Xuân Lộc ngày 17/12/2007 giải quyết khiếu nại của nhiều hộ dân về việc ông Phan Văn Thể và Nguyễn Công Toán cướp đất của dân, UBND xã Xuân Lộc cho rằng 2 ông Thể và Toán không có tên trong danh sách thực hiện dự án nên không liên quan đến việc 2 ông này mượn danh UBND xã thu hồi đất của dân.

Tuy nhiên, kết luận của UBND xã Xuân Lộc cũng khẳng định: “Ông Thể để con tên là Phan Minh Đức đã đi khỏi địa phương, ông Nguyễn Công Toán để con tên Nguyễn Thị Ý, lúc đó mới 8 tuổi tham gia dự án trồng rừng là không đúng đối trượng”. Rõ ràng kết luận của UBND xã đã có sự mâu thuẫn lớn.

Theo quy định của dự án, Nhà nước sẽ hỗ trợ 2,6 triệu đồng/ha, chưa kể tiền công chăm sóc. Tuy nhiên, các hộ dân tham gia dự án chỉ nhận được nhận số tiền 350.000 đồng và công chăm sóc là 700.000 đồng/ha, còn số tiền đầu tư ban đầu không biết nằm ở đâu (?).

Người dân xã Xuân Lộc vẫn đang tiếp tục làm đơn khiếu nại lên cấp trên và Dân trí sẽ trở lại vụ việc này khi có tình tiết mới.

Thế Sơn