Nhiều gia đình Mỹ đã đón nhận hài cốt con em mất tích tại Việt Nam
(Dân trí) - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nói về việc khắc phục hậu quả sau chiến tranh, trong đó có việc nhiều gia đình Hoa Kỳ đã đón nhận hài cốt con em mất tích trở về.
Chặng đường khắc phục hậu quả sau chiến tranh từ hai phía
Hội thảo “Khắc phục hậu quả chiến tranh: Chặng đường hòa giải và hợp tác tương lai giữa Việt Nam và Hoa Kỳ” vừa được tổ chức tại Mỹ do Ban Chỉ đạo Quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh (Ban Chỉ đạo 701) cùng Viện Hòa bình Hoa Kỳ (USIP) phối hợp tổ chức.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, nhìn lại chặng đường hơn 30 năm hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh Việt Nam, cả hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ có thể tự hào về những gì đã đạt được: Nhiều gia đình Hoa Kỳ đã đón nhận hài cốt con em mất tích trở về nhà sau nhiều năm không có tin tức; 40 ha “đất vàng” ở khu vực sân bay Đà Nẵng đã được tẩy sạch ô nhiễm điôxin để trao trả thành phố Đà Nẵng sử dụng cho các dự án kinh tế - xã hội với hàng vạn người dân được giải phóng khỏi nỗi sợ hãi phơi nhiễm chất độc da cam.
Trong chuyến tới Việt Nam dự Hội nghị cấp cao APEC năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được đón tiếp tại chính mảnh đất sạch sau khi thực hiện thành công dự án xử lý chất điôxin ở sân bay Đà Nẵng.
Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, khắc phục hậu quả chiến tranh là con đường tốt nhất để khép lại quá khứ trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.
Cần phải biến những khó khăn trắc trở trong quá khứ giữa hai nước thành những điều tốt đẹp trong tương lai thông qua khắc phục hậu quả chiến tranh Việt Nam. Chính những cựu chiến binh của cả hai phía là những người tham gia vào quá trình này.
Hài cốt của lính Mỹ trở về cố hương sau nhiều năm mất tích tại Việt Nam. (Ảnh, báo NLĐ).
Và không chỉ một lần, những người dân Việt Nam bình thường đã lặn xuống biển hay can đảm lên những vùng núi cheo leo nguy hiểm để tìm kiếm hài cốt quân nhân Hoa Kỳ mất tích mà không có bất cứ điều kiện nào.
Người dân Việt Nam biết rằng Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực hết sức to lớn nhằm làm giảm nhẹ những hậu quả chiến tranh và họ cũng biết về sự tham gia, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ vào quá trình đầy khó khăn này.
Nhân dịp hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đề nghị Hoa Kỳ và các quốc gia, chính phủ, các tổ chức quốc tế tiếp tục chung tay hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam đối với con người và môi trường.
Tiếp tục làm sạch điôxin tại điểm “nóng” sân bay Biên Hoà
Tiếp đó, trong bài phát biểu tại hội thảo, đề cập đến vấn đề bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam, Thượng Nghị sĩ Patrick Leahy, Phó Chủ tịch Ủy ban Chuẩn chi Thượng viện Hoa Kỳ thông báo, trong nhiều năm, phía Hoa Kỳ đã giúp định vị và phá hủy hàng triệu quả mìn và vật liệu nổ đe dọa giết hại những người dân Việt Nam vô tội. Số lượng người thương vong đã ít đi so với thời gian trước đây nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm để giải quyết hiểm họa này.
Thượng Nghị sĩ Patrick Leahy khẳng định sẽ tiếp tục làm sạch đioxin tại điểm "nóng" sân bay Biên Hoà.
Về vấn đề chất độc da cam, Thượng Nghị sĩ Patrick Leahy cho biết, trong tất cả các cuộc đối thoại cả trước cũng như sau khi bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ vào năm 1995, phía Việt Nam luôn nêu lên vấn đề chất độc da cam và những ảnh hưởng của nó đối với người dân.
Đồng thời, những binh sĩ Mỹ bị phơi nhiễm chất độc da cam/điôxin ở Việt Nam phải chịu những căn bệnh ung thư và nhiều căn bệnh khác đã kêu gọi Chính phủ Mỹ phải giúp đỡ họ.
Năm 1991, Bộ Các vấn đề cựu chiến binh Hoa Kỳ đã chấp nhận yêu cầu này, thế nhưng phải thêm 15 năm nữa, phía Hoa Kỳ mới bắt đầu đề cập đến vấn đề này ở Việt Nam.
Thượng Nghị sĩ Patrick Leahy thông báo, trong tháng 4/2019, ông sẽ dẫn đầu một đoàn gồm 10 Thượng Nghị sĩ của cả hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ tới thăm Việt Nam và trong chuyến thăm này, ông sẽ tham gia khởi động dự án xử lý điôxin tại sân bay Biên Hòa, một trong những “điểm nóng” nhiễm chất điôxin tại Việt Nam.
Dự án này lớn hơn dự án tại sân bay Đà Nẵng trước đây và là một trong những dự án xử lý môi trường lớn nhất thế giới. Đồng thời, đoàn các Thượng Nghị sĩ Mỹ cũng sẽ chứng kiến việc ký kết bản Ý định thư giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cho một chương trình kéo dài 5 năm trợ giúp những người khuyết tật trong những vùng bị phun rải chất độc da cam/điôxin.
Tại hội thảo, những người trong cuộc từ hai phía khẳng định khắc phục hậu quả chiến tranh luôn là nền tảng quan trọng trong tiến trình phát triển quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.
Tuấn Hợp