1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Nhiều dự án xây dựng lớn ở Vĩnh Phúc dính vi phạm

Thế Kha

(Dân trí) - "Hầu hết các doanh nghiệp được kiểm tra đều có vi phạm về trật tự xây dựng, ở những mức độ khác nhau"- Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc vừa nêu trong báo cáo gửi UBND tỉnh.

Sở Xây dựng Vĩnh Phúc vừa có văn bản báo cáo UBND tỉnh Vĩnh Phúc về kết quả kiểm tra công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng tại các dự án dịch vụ thương mại hai bên các trục đường trên địa bàn tỉnh này. Trong tổng số 195 dự án thuộc diện kiểm tra có 15 dự án chưa kiểm tra được gồm 8 dự án không liên hệ được với chủ đầu tư, 3 dự án chủ đầu tư xin lùi lịch kiểm tra và 4 dự án chủ đầu không phối hợp với đoàn kiểm tra.

Nhiều dự án xây dựng lớn ở Vĩnh Phúc dính vi phạm - 1

Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh: Sở Xây dựng Vĩnh Phúc).

"Việc liên hệ với nhà đầu tư để thông báo kiểm tra mất nhiều thời gian do thông tin về doanh nghiệp và dự án không đầy đủ. Nhiều trường hợp, khó sắp xếp lịch kiểm tra vì doanh nghiệp đưa ra nhiều lý do (ốm, bệnh; đi nghỉ mát; bận việc...), thậm chí có những trường hợp cố tình né tránh"- Sở Xây dựng thông tin.

Đụng đâu cũng có vi phạm, công trình không có giấy phép

Kết quả kiểm tra của Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, một số trường hợp không triển khai được do không giải phóng được mặt bằng, chưa được giao đất, gồm: Dự án Nhà máy Chế biến chè (xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương), nhà đầu tư là Công ty TNHH Thế Hệ Mới; Dự án Trung tâm giao dịch mua bán, giới thiệu sản phẩm ô tô, xe máy và các thiết bị phụ tùng máy nông nghiệp, nhà đầu tư là Công ty TNHH Thương mại Thái Sơn.

Dự án Trung tâm kinh doanh vận tải Hồng Đức của Công ty TNHH Hồng Đức được phê duyệt địa điểm tại phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên nhưng thực hiện các bước tiếp theo.

Theo Sở Xây dựng Vĩnh Phúc, trong giai đoạn hiện nay rất ít doanh nghiệp hoạt động đảm bảo công suất và đúng mục đích theo chấp thuận chủ trương đầu tư. Một số dự án hoạt động tương đối tốt như Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt của Công ty CP tập đoàn Lạc Việt; Dự án Đầu tư cơ sở sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH Bình Thịnh. Còn lại đa số các dự án chỉ hoạt động từ 20 - 50% công suất, phần cơ sở vật chất còn lại (các nhà xưởng, nhà kho) thường bỏ trống hoặc cho các doanh nghiệp khác thuê để hoạt động ở lĩnh vực khác.

Một số dự án bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch Covid-19 phải tạm dừng hẳn gần 2 năm nay, hiện cũng mới hoạt động trở lại như: Dự án Khách sạn, nhà hàng, các dịch vụ giải trí và Trung tâm thương mại tổng hợp của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Đại Phúc; Dự án Khu thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng của Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Hanh Nguyệt; Dự án Xây dựng khách sạn, nhà hàng ăn uống của Công ty TNHH Trung Mỹ...

Một số dự án tìm được địa điểm thực hiện nhưng đoàn kiểm tra Sở Xây dựng Vĩnh Phúc không liên hệ được với nhà đầu tư, phải thông qua chính quyền địa phương xác nhận tình hình. Đó là Dự án Đầu tư xây dựng khách sạn, nhà hàng ăn uống của Công ty CP Phúc Hậu (Phường Hội Hợp, TP Vĩnh Yên) có một số hạng mục công trình đã được xây dựng nhưng hiện đang bỏ hoang, khóa cổng tường rào, không có người bên trong.

Một số dự án không tìm được địa điểm thực hiện dự án cũng không liên hệ được với nhà đầu tư: Dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm kinh doanh ô tô và hàng hóa tổng hợp của Công ty CP sản xuất và dịch vụ thương mại MAICOM (xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên); Dự án Đầu tư xây dựng khu thương mại dịch vụ của Công ty TNHH TM Tuấn Anh và Dự án Đầu tư xây dựng cơ sở kinh doanh Vật liệu xây dựng các loại của Công ty Tân Á (phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên).

"Hầu hết các doanh nghiệp được kiểm tra đều có vi phạm về trật tự xây dựng, ở những mức độ khác nhau. Ngoài ra còn có những vi phạm về lĩnh vực đầu tư, đất đai"- Sở Xây dựng Vĩnh Phúc cho hay.

Nhiều dự án xây dựng lớn ở Vĩnh Phúc dính vi phạm - 2

Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt (Ảnh: Bệnh viện Lạc Việt).

Sở Xây dựng Vĩnh Phúc còn phát hiện một số doanh nghiệp có các công trình phụ (tường rào, nhà bảo vệ, nhà để xe...) nằm ngoài chỉ giới xây dựng, trên các hành lang an toàn giao thông hoặc trong phạm vi dự kiến mở rộng các tuyến đường. Xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng; sai giấy phép xây dựng được cấp.

Cá biệt có trường hợp cả dự án có rất nhiều hạng mục công trình lớn nhưng không có hạng mục nào có giấy phép xây dựng như: Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông và bê tông thương phẩm của Công ty CP Bê tông Bảo Quân.

Xem xét thu hồi dự án, tháo dỡ phần sai phạm

Từ kết quả kiểm tra trên, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc đã đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, rà soát, cập nhật lại thông tin các dự án đầu tư và nhà đầu tư. Đồng thời kiểm tra, rà soát hoạt động của các nhà đầu tư, bảo đảm việc hoạt động của các nhà đầu tư đúng mục đích theo chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư đã được phê duyệt.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị thu hồi đối với những nhà đầu tư sử dụng đất không đúng mục đích.

Trong quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra Sở Xây dựng Vĩnh Phúc phát hiện một số trường hợp có hạng mục công trình được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, tuy nhiên các công trình này xây dựng không đúng với giấy phép xây dựng được cấp (về quy mô, kích thước công trình). Vì vậy, Sở Xây dựng đề nghị Sở tài Nguyên và Môi trường cần kiểm tra lại và lưu ý trong quá trình kiểm tra để cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, bảo đảm các công trình được xây dựng đúng quy định.

Cơ quan này dẫn ra một số công trình có quy mô thực tế không đúng với giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất: Nhà xưởng của Công ty TNHH Bình Thịnh; Nhà xưởng của Hợp tác xã Tuấn Thành...

Về xử lý công trình sai phạm, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc kiến nghị, với các công trình, bộ phận công trình vi phạm chỉ giới xây dựng, gây ảnh hưởng an toàn giao thông, mỹ quan đô thị thì yêu cầu phải tháo dỡ ngay. Giao chính quyền địa phương tổ chức tháo dỡ nếu chủ đầu tư không tự tháo dỡ.

Đối với các công trình, bộ phận công trình nằm ngoài chỉ giới xây dựng, trong hành lang dự kiến mở rộng các tuyến đường nhưng không gây ảnh hưởng an toàn giao thông, có giấy phép xây dựng tạm nhưng đã hết hạn... thì có thể cho tháo dỡ dần, trong quá trình tồn tại phải bảo đảm mỹ quan đô thị. Chủ đầu tư phải cam kết tự tháo dỡ và không được bồi thường tài sản vi phạm khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án.

Chuyển hồ sơ xử lý hai doanh nghiệp

Báo cáo của Sở Xây dựng Vĩnh Phúc cho biết, một số trường hợp có vi phạm được đoàn kiểm tra xử lý theo thẩm quyền: Công ty cổ phần Tập đoàn Lạc Việt - chủ đầu tư dự án Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt, có hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng (hạng mục công trình Nhà kỹ thuật nghiệp vụ tổng hợp); Công ty TNHH Lục Nam - chủ đầu tư dự án Tổ hợp khách sạn, nhà hàng, dịch vụ vận tải và sửa chữa ô tô, có hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng (các hạng mục công trình kinh doanh giải khát).

"Hành vi vi phạm của các doanh nghiệp trên có mức xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền từ 120-140 triệu đồng vượt quá thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chánh Thanh tra Sở Xây dựng. Vì vậy, Sở Xây dựng chuyển hồ sơ đến Chủ tịch UBND thành phố Vĩnh Yên để xử phạt, đúng thẩm quyền theo quy định.