1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhiều dòng sông đang đối mặt với “án tử”

(Dân trí) - Hiện đa số các dòng sông ở các các thành phố lớn không còn khả năng tự làm sạch. Hệ thống sông ở Hà Nội đã bị ô nhiễm nặng nề và để giải quyết được tình trạng này phải cần tới 650 triệu USD.

Nhiều dòng sông đang đối mặt với “án tử” - 1
Sông Tô Lịch là điển hình của những dòng sông ô nhiễm.
 
Theo báo cáo từ Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), hiện chỉ 30% nước thải công nghiệp được xử lý trước khi đổ vào hệ thống sông. Tình trạng ô nhiễm ở các dòng sông nội thành trên toàn quốc hiện đã ở mức báo động. Điển hình là sông Tô Lịch (Hà Nội), một số chỉ tiêu về hoá, lý đã vượt ngưỡng cho phép đến 60 lần.

Tình trạng ô nhiễm nước diễn ra đặc biệt nghiêm trọng tại các làng nghề trên toàn quốc như: chế biến lượng thực thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ, làng nghề tái chế giấy (ô nhiễm hữu cơ), dệt nhuộm (nước thải chứa nhiều hóa chất), tái chế kim loại (ô nhiễm kim loại nặng). Trong khi đó, ô nhiễm không khí diễn ra nặng nề tại các làng nghề gốm sứ, vật liệu xây dựng và khai thác đá (ô nhiễm bụi), làng nghề tái chế phế thải (ô nhiễm bụi chứa kim loại nặng và vật liệu độc hại). Vấn đề chung nhất đối với các làng nghề là phần lớn chất thải rắn không được thu gom, xả thẳng vào môi trường.

Dự báo, ô nhiễm không khí, nước và đất ở làng nghề còn diễn biến phức tạp nếu không kịp thời  cương quyết áp dụng các giải pháp quản lý và kỹ thuật.

Ô nhiễm làng nghề cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh, dịch cho người dân lao động và sinh sống ở chính làng nghề. Xu hường này đang gia tăng trong những năm gần đây. Dù vậy, Bộ trưởng  Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên vẫn thừa nhận thực tế: giải quyết ô nhiễm làng nghề là một việc rất khó. Công tác bảo vệ môi trường làng nghề còn quá nhiều bất cập và không có tính hiệu quả cao.

Về phía TP Hà Nội, trong vài năm gần đây nhận được sự giúp đỡ của một số tổ chức quốc tế, một vài trạm xử lý nước thải tập trung đã được vận hành ở Trúc Bạch, Kim Liên. Tuy nhiên số trạm này chỉ hoạt động mang tính chất thí điểm, với dung lượng được xử lý chỉ chiếm khoảng 5% tổng nước thải phải giải quyết. Ước tính, muốn giải quyết cơ bản tình trạng các dòng sông ô nhiễm, Hà Nội cần khoản đầu tư kinh phí lên tới 650 triệu USD.

Trên thực tế hiện nay, không chỉ các làng nghề đóng trên địa bàn thành phố mà rất nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ khác vẫn tiếp tục ngang nhiên hoặc lén lút xả thẳng nước thải ra hệ thống sông, hồ nội thành. Thủ đoạn chung là xây một hệ thống ngầm đưa xả nước thải không qua xử lý thẳng ra ngoài không (tương tự cách thức của Nhà máy Vedan mới bị  cơ quan chức năng phanh phui). Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến "cái chết" đang hiện hữu của hệ thống các sông, hồ nội thành.

Theo luật, khi một dự án đưa vào hoạt động thì buộc phải có báo cáo tác động môi trường. Thế nhưng, qua một số đợt kiểm tra gần đây, Cục Cảnh sát môi trường đã phát hiện nhiều doanh nghiệp đã hoạt động từ nhiều năm nay mà chưa hề có báo cáo về tác động môi trường?!

Thanh Trầm