1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nhiều địa phương đề nghị kết nối dữ liệu hộ tịch

(Dân trí) - Tại hội nghị triển khai công tác năm 2018 của Bộ Tư pháp, lãnh đạo nhiều địa phương đề nghị Bộ Tư pháp giải quyết vấn đề chia sẻ, kết nối dữ liệu hộ tịch để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trên phạm vi cả nước.

(Ảnh minh hoạ)
(Ảnh minh hoạ)

Trong văn bản giải đáp đề nghị của ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Bộ Tư pháp cho biết, tại Quyết định số 2173/2017 phê duyệt Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc”, Bộ này đã xác định Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc là cơ sở dữ liệu được xây dựng theo hướng hình thành Hệ thống thông tin hộ tịch với sự quản lý tập trung. Cơ sở dữ liệu này sẽ được quản lý trên cơ sở có sự phân cấp, phân quyền hợp lý cho UBND các cấp, bảo đảm, sẵn sàng kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin với các hệ thống, phần mềm về hộ tịch được Bộ Tư pháp phối hợp các địa phương triển khai tại các địa phương.

Trong năm 2017 Bộ Tư pháp đã hỗ trợ triển khai thành công việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu hộ tịch giữa phần mềm cung cấp dịch vụ công của thành phố và phần mềm đăng ký khai sinh điện tử của Bộ. Vì vậy, trong thời gian tới nếu TP Hà Nội có nhu cầu mở rộng việc kết nối, chia sẻ dữ liệu thì UBND TP Hà Nội có thể chỉ đạo các cơ quan chuyên môn liên hệ trực tiếp với Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) để trao đổi và làm rõ các nhu cầu, khả năng kết nối của các phần mềm hộ tịch.

Trong khi đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) nghiên cứu tìm ra giải pháp giúp tỉnh này có thể chuyển đổi dữ liệu từ phần mềm Quản lý hộ tịch cũ sang phần mềm Quản lý hộ tịch dùng chung.

Qua khảo sát tình hình sử dụng phần mềm hộ tịch tại một số tỉnh, thành phố, Bộ Tư pháp thấy rằng mỗi địa phương sử dụng một hoặc một số phần mềm của một hoặc một số nhà cung cấp khác nhau, trong đó mỗi phần mềm lại áp dụng một tiêu chuẩn cấu trúc dữ liệu riêng. “Do đó việc Bộ Tư pháp xây dựng một công cụ chuyển đổi dữ liệu chung cho các địa phương là không khả thi”- Bộ này khẳng định.

Tuy vậy, nhằm hỗ trợ việc tạo lập dữ liệu hộ tịch điện tử tại địa phương (số hóa sổ hộ tịch giấy, chuyển đổi dữ liệu từ mềm hộ tịch cũ...), hiện nay Cục Công nghệ thông tin - Bộ Tư pháp đang xây dựng các tiện ích cho phép hỗ trợ cập nhật nhanh các dữ liệu hộ tịch vào Phần mềm đăng ký khai sinh điện tử và Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung thông qua trung gian là các file excel theo cấu trúc dữ liệu chuẩn do Bộ Tư pháp công bố.

Riêng đối với tỉnh Quảng Ninh, sau khi các tiện ích hỗ trợ cập nhật nhanh dữ liệu nói trên được hoàn thành và đưa vào sử dụng, Cục Công nghệ thông tin - Bộ Tư pháp sẽ trao đổi trực tiếp với các đơn vị chuyên môn của tỉnh để nghiên cứu và tìm thêm các giải pháp phù hợp nhằm hỗ trợ một cách tối đa có thể cho tỉnh.

Hiện nay, Bộ Tư pháp đang xây dựng các công cụ, tiện ích cho phép hỗ trợ cập nhật, quản lý, khai thác các dữ liệu hộ tịch trước ngày 1/1/2016 trực tiếp trên Hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch hoặc thông qua trung gian là các file excel theo cấu trúc dữ liệu chuẩn do Bộ Tư pháp công bố.

Bộ này sẽ sớm hướng dẫn cụ thể việc cập nhập, quản lý, khai thác dữ liệu về hộ tịch trước ngày 1/1/2016 cho các địa phương được hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Trả lời thắc mắc của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc tiếp tục triển khai ứng dụng phần mềm để tra cứu về quốc tịch của công dân Việt Nam (như việc thôi quốc tịch, nhập quốc tịch, tước quốc tịch hoặc mất quốc tịch Việt Nam), Bộ Tư pháp cho biết đã nghiên cứu xây dựng các tiện ích hỗ trợ tra cứu, xác minh tình trạng quốc tịch của công dân trên Phần mềm Công cụ quản lý hồ sơ quốc tịch của các Sở Tư pháp. Tuy nhiên, để chính thức triển khai các tiện ích này cần có những quy định, căn cứ pháp lý phù hợp và hiện nay Bộ Tư pháp tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, thực hiện.

Kha Xuân Lộc