1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đắk Lắk:

Nhiều đàn voi rừng kéo nhau về phá hoại nương rẫy

(Dân trí) - Ít nhất 58 ha hoa màu, trong đó chủ yếu là ngô, chuối, lúa… của người dân trên địa bàn huyện Ea Súp và huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) đã bị voi rừng kéo về tận nương rẫy phá hoại trong mùa mưa năm nay.

Cụ thể, đàn voi rừng tỉnh Đắk Lắk đã kéo về phá hoại của Công ty TNHH Hoàn Vũ (đóng ở huyện Ea Súp) 3 lần, tổng cộng mức thiệt hại là gần 50 ha hoa màu, trong đó chủ yếu là cây chuối. Ngoài ra, Công ty TNHH Hoàn Vũ cũng bị thiệt hại khoảng 2.000m ống nhựa thuộc hệ thống tưới nhỏ giọt của công ty do bị voi rừng ngày đêm dẫm đạp, phá hoại.

Tại tiểu khu 439, Ban quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn, voi rừng đã phá hoại gần 5 ha ngô của bà con người đồng bào dân tộc thiểu số ở buôn Ea Mar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.

Tại buôn Đrăng Phốk, xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) và buôn Bana, xã Ia J’lơi (huyện Ea Súp) voi rừng cũng phá hoại nhiều diện tích ngô đang chuẩn bị thu hoạch của bà con địa phương ở đây.

Mới đây, trong tháng 8 và đầu tháng 9 này, hơn 4 ha lúa của người dân thôn 10, xã Ia Rvê (huyện Ea Súp) cũng bị voi rừng phá tan tành khiến nhiều hộ dân tại địa phương này rơi vào cảnh mất trắng.

Một đàn voi hoang dã tỉnh Đắk Lắk
Một đàn voi hoang dã tỉnh Đắk Lắk.

Ông Phạm Văn Láng - Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk - khẳng định, hiện nay ở Đắk Lắk có khoảng 5 đàn voi rừng với khoảng 60 đến 70 cá thể sinh sống. Các đàn voi rừng thường xuyên di chuyển, kiếm ăn ở vùng lõi Vườn quốc gia Yok Đôn và các vùng phụ cận. Trong đó, ở khu vực Vườn quốc gia Yok Đôn có khoảng 4 đàn với tổng số lượng từ 40 đến 46 cá thể, trong đó phía Nam Vườn quốc gia Yok Đôn có khoảng 3 đàn và phía Bắc Vườn quốc gia Yok Đôn, khu vực sông Sê-rê-pôk tồn tại một đàn từ 25 đến 27 cá thể voi rừng.

Theo ông Phạm Văn Láng, trước tình hình voi rừng phá hoại hoa màu của người dân, trung tâm đã cử cán bộ về địa phương để triển khai các biện pháp xua đuổi voi rừng. Cụ thể là hướng dẫn người dân đốt lửa sớm trước khi trời tối - thời điểm voi bắt đầu kéo về nương rẫy kiếm ăn; đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong quá trình xua đuổi voi rừng.

Ông Láng cũng khuyến cáo bà con nhân dân sinh sống vùng rìa Vườn quốc gia Yok Đôn nên chuyển đổi cây trồng và nên trồng các loại hoa màu mà voi rừng không ưa thích; đơn cử như cây ca cao, vừng, ớt và lưu ý trồng cách xa bìa rừng, có hệ thống hàng rào bảo vệ cây trồng. “Về lâu dài là cần quy hoạch sinh cảnh sống, hành lang di chuyển cho voi. Vì voi là con vật rừng núi, phải có rừng núi thì voi mới sống được”, ông Láng nhấn mạnh.

Trao đổi thêm với PV Dân trí, ông Huỳnh Trung Luân - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cho biết, ngoài các biện pháp xua đuổi truyền thống, Trung tâm thường có cảnh báo sớm những nơi voi rừng kéo về kiếm ăn để người dân địa phương ở các huyện Ea Súp, Buôn Đôn chủ động trong phòng tránh, xua đuổi voi, tránh tuyệt đối làm tổn hại đến voi.

Viết Hảo