1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nhiều cơ sở thu hồi nước tương “đen”

Ngày 4/6, thanh tra Sở Y tế TPHCM và Trung tâm Y tế dự phòng TP bắt đầu đợt kiểm tra giám sát việc thu hồi, tiêu hủy sản phẩm nước tương vi phạm về hàm lượng 3-MCPD của 17 cơ sở sản xuất.

Lúng túng việc tiêu hủy sản phẩm

 

Ngày đầu tiên, đoàn đã đến kiểm tra tại sáu cơ sở, xí nghiệp sản xuất nước tương là Thái Đại Lợi, Hương Nam Phương, Tâm Ký, Miwon VN (Metro Q.6), Thái Chân Chành và Nam Dương. Ghi nhận của chúng tôi cho thấy hầu hết cơ sở sản xuất đã ngưng sản xuất theo công nghệ cũ, một số bắt đầu chuyển sang sản xuất theo phương pháp truyền thống là lên men vi sinh nên thanh tra sở không thể lấy mẫu thành phẩm để kiểm nghiệm.

 

Nhiều cơ sở tỏ ra lúng túng vì không biết phải tiêu hủy sản phẩm thế nào cho đúng. Xí nghiệp Nam Dương xử lý bằng cách đổ nước tương xuống hệ thống xử lý nước thải. Cơ sở Hương Nam Phương cũng định đem nước tương vi phạm đi cô đặc rồi bỏ bãi rác nhưng thấy tốn kém quá nên thôi...

 

Về tiến độ thu hồi sản phẩm vi phạm, cơ sở Thái Đại Lợi cho biết  số lượng sản xuất của lô nước tương vi phạm là 2.800 chai. Đến nay đã thu hồi được hơn 1.200 chai, chưa thu hồi hơn 500 chai, còn lưu tại kho hơn 1.000 chai. Chủ cơ sở Thái Đại Lợi cũng không biết làm sao tiêu hủy sản phẩm sau khi thu hồi. Cơ sở Hương Nam Phương  nói rằng số lượng nước tương vi phạm là 1.000 chai 500ml, đã thu hồi được 360 chai, tồn kho 270 chai.

 

Cơ sở Tâm Ký chỉ sản xuất với số lượng rất ít theo đặt hàng của người mua nên hiện chỉ còn 20 lít tại cơ sở. Riêng Metro Q.6 ngay trong sáng 4/6 đã hợp đồng và bàn giao 543 chai nước tương Miwon VN cho Công ty TNHH Môi Trường Xanh để đem đi tiêu hủy. Công ty Miwon VN chưa đồng ý đóng phạt mà đề nghị kiểm nghiệm lại sản phẩm.

 

Chủ cơ sở Thái Chân Chành cho biết đã tạm ngưng sản xuất theo công nghệ cũ. Cơ sở chỉ xuất bán hai nơi là tỉnh Bến Tre và chợ Bình Tây. Đến nay đã thu hồi được tổng cộng gần 1.900 chai. Còn một đại lý khác ở Bến Tre cũng đã thu hồi, niêm phong một số sản phẩm nhưng chưa báo cụ thể số lượng. Cơ sở đang thông báo thu hồi tiếp.

 

Nam Dương: thu hồi tất cả sản phẩm

 

Theo ông Nguyễn Thế Hưng - giám đốc Xí nghiệp nước chấm Nam Dương - xí nghiệp đã có thông báo rộng rãi về việc thu hồi sản phẩm. Tại TPHCM có chín điểm thu hồi và tại các tỉnh có 22 điểm.

 

Tuy thanh tra sở chỉ yêu cầu thu hồi, tiêu hủy lô hàng 25 độ đạm nhãn hiệu Mèo Đen gồm 2.066 chai nhưng xí nghiệp tự nguyện thu tất cả sản phẩm nước tương Nam Dương hiện đang lưu hành trên thị trường để người tiêu dùng an tâm. Ông Hưng cũng xin phép được tiêu hủy sản phẩm thu hồi bằng cách đổ nước tương vào hệ thống xử lý nước thải của xí nghiệp.

 

Xung quanh việc thu hồi sản phẩm vi phạm, sáng 4/6 cơ sở nước tương Mêkong đã khiếu nại và đề nghị thanh tra Sở Y tế chứng nhận chỉ có lô hàng 22 độ đạm là có vi phạm về hàm lượng 3-MCPD. Yêu cầu chứng nhận này xuất phát từ việc cơ quan quản lý thị trường đã tịch thu tất cả các loại nước tương có độ đạm khác không nằm trong lô vi phạm của cơ sở.

 

Quốc hội yêu cầu trả lời về nước tương

có chứa chất 3-MCPD

 

Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội vừa có công văn số 1522/UBKHCNMT11 gửi Bộ Y tế yêu cầu trả lời về việc “nước tương chứa chất gây ung thư” đã được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh, gây lo lắng trong nhân dân.

 

Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường của Quốc hội Vũ Minh Mão đề nghị Bộ Y tế làm rõ các nội dung sau: sự thật của việc mua bán, sử dụng loại nước tương nói trên; việc thanh tra, xử lý trách nhiệm đối với các cơ sở vi phạm; vấn đề nâng cao năng lực quản lý đối với chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung và đối với nước tương nói riêng. Ủy ban Khoa học -Công nghệ và Môi trường đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo cho dừng việc lưu thông, mua bán loại nước tương nói trên trong phạm vi cả nước. (TTXVN)

 

Nước mắm có đường hóa học và bột ngọt

 

Sáng 4/6, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM bắt đầu đợt kiểm tra các cơ sở sản xuất nước mắm trên địa bàn TP. Đoàn đã đến ba đơn vị sản xuất ở huyện Bình Chánh là Công ty TNHH Tân Liên Hưng, Công ty TNHH Hưng Thịnh và doanh nghiệp tư nhân Trung Vị.

 

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP, qua kiểm tra chỉ có hai cơ sở là Trung Vị và Tân Liên Hưng có giấy công bố chất lượng từ năm 2001 ở Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP, thay vì phải thực hiện công bố chất lượng tại Sở Y tế TP từ năm 2004.

 

Về vệ sinh cơ sở sản xuất, có cơ sở chưa thực hiện tốt, còn chứa nước mắm bằng hồ ximăng bong tróc, thùng chứa nước mắm không có nắp đậy nên rớt cả bao nilông, chai lọ vào trong thùng.

 

Về nguồn gốc nguyên liệu sản xuất, tuy bao bì sản phẩm ghi sản xuất từ cá cơm nhưng thực chất có cơ sở pha cả cá tạp. Việc xúc rửa chai đựng nước mắm cũng không đảm bảo vệ sinh, không vô trùng, có cơ sở chỉ rửa nước hoặc tráng chai bằng nước mắm rồi đóng nước mắm vô chai. Đặc biệt, cơ sở Tân Liên Hưng còn pha chế thêm đường hóa học và bột ngọt vào nước mắm nhưng lại không công bố...

 

Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu nước mắm của các cơ sở này để kiểm nghiệm chất lượng. Hôm nay 5/6, đoàn tiếp tục đi kiểm tra các cơ sở sản xuất khác.

 

Theo Lê Thanh Hà

Tuổi Trẻ