1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Nhiều cơ quan không trả lời, gây khó trong việc xác định tình trạng án tích

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ Tư pháp cho rằng những khó khăn, vướng mắc trong tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp chủ yếu phát sinh từ sự phối hợp của các cơ quan cấp thông tin.

UBND TP Hà Nội mới đây đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp Trung ương hướng dẫn, xây dựng thủ tục đương nhiên xóa án tích là một thủ tục tách biệt với thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Thời hạn đương nhiên xóa án tích quy định phù hợp với thực tế.

Trong khi đó, UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị quy định trình tự, thủ tục, thời gian, thành phần hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho cá nhân trong trường hợp cấp Phiếu lý lịch tư pháp với mục đích xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Nhiều cơ quan không trả lời, gây khó trong việc xác định tình trạng án tích - 1

Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và số 2 do cơ quan tư pháp cấp (Ảnh minh họa).

Khó khăn, vướng mắc trong xác minh thông tin cấp Phiếu lý lịch tư pháp

Theo Bộ Tư pháp, Luật Lý lịch tư pháp đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp nói chung và trong trường hợp phải xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích nói riêng.

Nghị định số 111/2010 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật và Thông tư liên tịch số 04/2010 của Bộ Tư pháp - TAND Tối cao - VKSND Tối cao - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp đã quy định cụ thể về cơ chế phối hợp và trách nhiệm của mỗi ngành ở Trung ương, địa phương trong cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Hơn nữa, Khoản 4 Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp xác nhận người đó "không có án tích" nếu đủ điều kiện.

"Việc quy định thêm về thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho những trường hợp đương nhiên được xóa án tích sẽ làm phát sinh thêm thủ tục hành chính", Bộ Tư pháp khẳng định.

Qua theo dõi, tổng hợp báo cáo của các địa phương, Bộ Tư pháp cho rằng những khó khăn, vướng mắc trong tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp chủ yếu phát sinh từ sự phối hợp của các cơ quan cấp thông tin.

Nhiều cơ quan nhận được đề nghị của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia hoặc Sở Tư pháp yêu cầu tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp đã chậm trả lời, hoặc không trả lời dẫn đến khó khăn trong việc xác định tình trạng án tích của cá nhân yêu cầu cấp phiếu.

Để giải quyết những vướng mắc đó trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng để chỉ đạo các cơ quan liên quan thuộc triển khai nghiêm túc, hiệu quả các quy định về Phiếu lý lịch tư pháp.

Về phía địa phương, Bộ Tư pháp đề nghị quan tâm, tạo điều kiện cho Sở Tư pháp trong xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Các địa phương phải chỉ đạo công an, đề nghị tòa án, viện kiểm sát trên địa bàn thực hiện tốt hơn việc cung cấp thông tin về án tích đầy đủ cho Sở Tư pháp để xây dựng cơ sở dữ liệu, cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Nhiều cơ quan không trả lời, gây khó trong việc xác định tình trạng án tích - 2

Xếp hàng xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp ở Sở Tư pháp Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Hải).

Đề xuất không thể hiện án tích đã được xóa trong Phiếu lý lịch tư pháp

UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị nghiên cứu sửa luật, bỏ quy định cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 để phù hợp với tinh thần Điều 69 Bộ Luật hình sự (người được xóa án tích coi như chưa bị kết án), không thể hiện án tích đã được xóa trong Phiếu lý lịch tư pháp.

"Việc không thể hiện các án tích đã được xóa trong nội dung của Phiếu lý lịch tư pháp nhằm tránh việc các cơ quan, tổ chức nước ngoài lợi dụng việc này yêu cầu đương sự phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 và để bảo vệ bí mật đời tư của cá nhân", tỉnh Quảng Trị phân tích.

Trả lời địa phương, Bộ Tư pháp nhấn mạnh Luật Lý lịch tư pháp quy định, Phiếu lý lịch tư pháp số 2 được cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.

Luật không quy định cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cho các tổ chức nước ngoài tiếp nhận công dân Việt Nam sang học tập, lao động, định cư… Quy định này phù hợp với Hiến pháp về bất khả xâm phạm về bí mật cá nhân cũng như quyền tiếp cận thông tin của cá nhân.

"Thực tế hiện nay nhiều người bị kết án yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 vì muốn biết mình đã được xóa án tích hay chưa hoặc người từng bị bắt, bị điều tra, truy tố muốn biết được thông tin về tình trạng án tích của mình", Bộ Tư pháp cho hay.

Bộ Tư pháp đã có văn bản phối hợp với Bộ Ngoại giao gửi các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài tuyên truyền về quy định của luật liên quan đến cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2.

Dù vậy, cơ quan này "hứa" sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định để phù hợp hơn với thực tế.

Sự khác nhau giữa 2 phiếu lý lịch tư pháp

Luật Lý lịch tư pháp quy định có 2 loại Phiếu Lý lịch tư pháp do các cơ quan tư pháp cấp; mỗi loại phục vụ các mục đích khác nhau, cung cấp một số thông tin khác nhau. 

Phiếu lý lịch tư pháp số 1 cấp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 7 của Luật Lý lịch tư pháp, tức là cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có nhu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật này (tức là cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử) và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.

Cách đây không lâu, báo chí phản ánh một số tỉnh, thành phố chưa chủ động giải quyết để kịp thời đáp ứng việc tiếp nhận hồ sơ cấp Phiếu lý lịch tư pháp tăng đột biến, dẫn tới tình trạng chậm trễ, ùn ứ gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 9/7/2023 về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm