Nhiều cô gái hoãn lấy chồng Hàn Quốc
"Lấy chồng mà chẳng rõ chồng mình thế nào, lại lệ thuộc hoàn toàn vào người ta, thì giàu đến mấy em cũng không dám", Võ Thị Mộng Tiền, đồng hương với cô gái xấu số Huỳnh Mai, tâm sự.
Tiền 20 tuổi, cũng ở xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Thấy việc không may xảy ra với Huỳnh Mai, cô gái này và các bạn đồng trang lứa cùng quê suy nghĩ nhiều.
"Mấy ngày nay, tụi em gặp nhau hay nói về chuyện Huỳnh Mai. Thương chị ấy và lo cho chính mình. Em và bạn bè đều nghĩ sẽ không bao giờ đánh đổi bản thân như thế", Tiền nói.
Như lời Tiền, chuyện của Huỳnh Mai tác động mạnh tới tâm lý nhiều người dân xã Ngọc Chúc, đặc biệt là các cô gái trẻ. Một thiếu nữ 18 tuổi (muốn giấu tên), hoàn cảnh gia đình tương tự Huỳnh Mai, từng nhận lời mai mối với một người đàn ông nước ngoài gần 40 tuổi, giãi bày: "Em chưa đồng ý cưới. Em đã quyết định khó khăn thế nào cũng lấy chồng Việt Nam. Nhìn ra, bao người phụ nữ sống trong nước vẫn êm đềm, no đủ".
Ông Võ Văn Bảnh, Bí thư Đoàn xã Ngọc Chúc, cho biết xã có chừng 2.000 người trong độ tuổi kết hôn. Khoảng 10% trong số nữ thanh niên chuẩn bị làm hồ sơ xuất ngoại theo chồng, nhưng sau vụ việc của Huỳnh Mai, quá nửa đã rút. Số còn lại hoãn thời gian để tìm hiểu về vị hôn phu rõ hơn.
Đoàn xã Ngọc Chúc cũng đề ra chương trình trọng tâm sắp tới, là tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng muốn lấy chồng nước ngoài của các cô gái để kịp thời tư vấn.
"Huỳnh Mai là trường hợp đặc biệt nhất xảy ra tại địa phương. Nhưng không thể vì một trường hợp mà ngăn cản hay phê phán việc lấy chồng nước ngoài, vì đây là quyền và nhu cầu của phụ nữ. Tôi nghĩ, điều quan trọng là giúp họ tìm hiểu kỹ người dự định kết hôn, nhân thân anh ta và ngôn ngữ, phong tục, tập quán nơi họ sẽ sống, trước khi quyết định cưới", ông Bảnh nói.
Tro hài Huỳnh Mai, nghi ngờ là bị chồng người Hàn Quốc giết cuối tháng 6, đã được người thân, bạn bè tổ chức an táng tại quê nhà hôm 31/8. Bà Trần Thị Giang, mẹ của Mai nghẹn ngào hồi tưởng về con gái.
Bà Giang kể Mai lấy chồng qua mai mối của bà mối cách nhà cô chừng 3-4 km. Bà mối cũng có hai cháu ngoại lấy chồng Hàn Quốc khá hạnh phúc. "Con tôi nghĩ cảnh nhà khó thì thử một lần kiếm vận may, biết đâu lấy chồng xa nhưng đổi đời được như cháu bà mối", bà Giang nói.
Cho đến lúc Mai bay sang Hàn Quốc, vợ chồng bà Giang chưa biết mặt và nói chuyện với chú rể. Mai một mình khăn gói lên TP HCM, chuẩn bị về nhà chồng, với "vốn giắt lưng" 300.000 đồng, nhờ tiết kiệm tiền cắt lúa thuê. Cha mẹ và em cô chỉ tiễn đến bến xe huyện Giồng Riềng. 8 ngày sau, cô phải điện thoại về xin gia đình thêm vài chục nghìn đồng để đi xe ôm ra sân bay.
Trong những cuộc điện thoại gọi về Việt Nam, khi mới sang quê chồng, Mai nói cuộc sống của mình vẫn ổn. Đến cuộc gọi cuối cùng, giọng đầy nước mắt nhưng cô vẫn nói tốt về người chồng "ảnh quan tâm lắm chứ không có gì".
"Con bé có hiếu lắm. Gần 20 năm, nó làm đủ thứ đỡ đần cha mẹ, cả nhà vất vả nhưng vui", bà Giang không kìm được tiếng khóc. "Những người làm cha mẹ đừng vì tiền mà để con đi lấy chồng như tôi. Gả con phải biết rõ về tư cách, gia cảnh người ta, đừng để có chuyện đau lòng. Con bất hạnh mình làm sao thanh thản hưởng thụ được".
Gia đình đã dùng số tiền gần 200 triệu đồng được hỗ trợ từ nhiều nơi để xây mộ cho Mai, còn lại dành sửa sang nhà. Mẹ cô nói: "Chúng tôi thực hiện ước nguyện của Mai lúc còn sống. Nó chỉ mong ba mẹ có nhà cửa đàng hoàng hơn".
Theo Thoại Hà
VnExpress