1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nhiều chủ đầu tư xâm hại, làm mất mốc đo đạc trong khu đất được giao

(Dân trí) - Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hiện nhiều chủ đầu tư khi thuê đất, được giao đất để thực hiện các dự án đã xâm hại làm mất khả năng sử dụng mốc đo đạc nằm trong khu đất được giao. Nhiều trường hợp số liệu bị làm sai lệch gây hậu quả rất phức tạp, làm thất thoát ngân sách nhà nước trong việc chi trả đền bù đất đai.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình thực hiện Nghị định số 173/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ, từ năm 2015 tới nay, Bộ này đã phát hiện 179 tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính.

Trong đó, qua công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát hiện nhiều chủ đầu tư khi thuê đất, được giao đất để thực hiện các dự án có liên quan tới việc san lấp mặt bằng xây dựng đã xâm hại làm mất khả năng sử dụng mốc đo đạc nằm trong khu đất được giao.

“Thông qua công tác thanh tra kiểm tra đã phát hiện 25 trường hợp mốc đo đạc bị xâm hại, nhưng tại thời điểm phát hiện đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính nên Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu”, khôi phục, di dời lại mốc đã bị xâm hại làm hư hỏng”- báo cáo cho hay.

Nhiều chủ đầu tư xâm hại, làm mất mốc đo đạc trong khu đất được giao - 1

Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường.

111 tổ chức vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình, sản phẩm đo đạc và bản đồ đã bị phát hiện. “Hành vi vi phạm này có ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ, nhiều trường hợp số liệu bị làm sai lệch gây hậu quả rất phức tạp, làm thất thoát ngân sách nhà nước trong việc chi trả đền bù đất đai, tiếp tay cho các hành vi trốn tránh nghĩa vụ tài chính trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất và thuế khai thác khoáng sản”- Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh. 

Do đặc thù của sản phẩm đo đạc và bản đồ phần lớn không sử dụng trực tiếp mà được sử dụng vào làm các tài liệu, dữ liệu cơ sở để thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai như lập hồ sơ địa chính, giao đất cho thuê đất, bồi thường thiệt hại khi thu hồi đất, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, giải quyết tranh chấp đất đai; xây dựng các loại bản đồ quy hoạch theo pháp luật quy hoạch trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt…

Việc hủy bỏ sản phẩm đo đạc và bản đồ do thực hiện các hành vi vi phạm sẽ làm phát sinh các sự kiện pháp lý rất phức tạp liên quan tới việc bãi bỏ các quyết định hành chính đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành để thực hiện, liên quan đến quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân được pháp luật quy định.

Đơn cử như khi nhà nước thực hiện bồi thường đất đai phục vụ giải phóng mặt bằng đã xong, chủ đầu tư được giao đất đã thi công san lấp mặt bằng làm thay đổi hoàn toàn hiện trạng sử dụng đất, nếu huỷ tài liệu bản đồ sẽ không có phương pháp nào để đo đạc lập lại bản đồ địa chính khu vực đó để sử dụng theo đúng quy định.

Hay như khi đã hoàn thành việc đo đạc lập bản đồ địa chính, xây dựng hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ sử dụng đất, chủ sử dụng đất đã sử dụng quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật có thể xây dựng nhà, chuyển nhượng, thế chấp, góp vốn…, nếu huỷ bỏ tài liệu bản đồ là căn cứ để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ buộc phải thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đó là những việc rất phức tạp theo quy định tại khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai 2013.

Chính vì thế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng Chính phủ cần xem xét ban hành mới nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ để khắc phục những tồn tại bấy lâu nay.

Thế Kha