“Nhiều cán bộ “học tập suốt đời” nhưng không phải để nâng cao trình độ”
(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho biết nhiều cán bộ cũng hưởng ứng phong trào “học tập suốt đời” nhưng không phải để nâng cao trình độ.
Phát biểu tại hội trường Quốc hội sáng nay 3/11, ông Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) phản ánh tình trạng sính bằng cấp xảy ra ở khắp nơi. “Nhiều cán bộ cũng hưởng ứng học tập suốt đời nhưng không phải để nâng cao trình độ”-ông Hùng nói.
Ông Hùng đề nghị phải xây dựng chương trình học tập sáng tạo, không chỉ bó hẹp trong nghiên cứu của các nhà khoa học mà phải trân trọng, tạo điều kiện cho các phát minh, sáng kiến của người lao động, khơi gợi xã hội lao động sáng tạo, coi đây là động lực chính để phát triển lao động sản xuất.
“Thực tế đã chứng minh dân tộc ta có đức tính thông minh, cần cù sáng tạo. Có nhiều cải tiến kỹ thuật của những nhà sáng chế nông dân, không bằng cấp giúp người dân nâng cao năng suất lao động. Tuy trong tay họ không có nhiều vật tư thiết bị, tiền bạc, với kiến thức không nhiều nhưng họ đã làm được những điều mà các nhà khoa học không nghĩ tới”- ông Hùng nói.
Vị đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước lo lắng, khi Việt Nam đang ở trong giai đoạn dân số vàng, lực lượng lao động trẻ trung, thông minh, cần cù. “Nếu không biết tận dụng điều đó thì sẽ có tội với lịch sử khi dân số vàng đi qua, đất nước sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Đầu tư phát triển khoa học kỹ thuật sáng tạo sẽ giúp đất nước phát tiển bền vững và trong thời gian gần sẽ giúp Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao”- ông Hùng nhận định.
Trong khi đó, đại biểu Lê Bộ Lĩnh (An Giang) cho biết trong số 9 chỉ tiêu không đạt được 5 năm qua, có mấy chỉ tiêu rất đáng chú ý tạo thành vòng tròn nghịch lý của các nước đang phát triển thấp: Tăng trưởng thấp dẫn tới đầu tư thấp, đầu tư thấp dẫn tới tích lũy nội địa thấp, dẫn tới năng suất thấp vì trình độ công nghệ thấp. Trình độ công nghệ của ta hiện nay thấp so với các nước có thu nhập thấp.
Ông Lĩnh khẳng định thời gian tới phải đặt trọng tâm phát triển khoa học vào doanh nghiệp để tạo ra đột phá; gắn khoa học công nghệ với thực tiễn. Khuyến khích thành lập các trung tâm nghiên cứu, triển khai kể cả ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và trong nước. Đồng thời phải thực hiện được chủ trương chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào ứng dụng khoa học công nghệ; gắn kết các chiến lược, chương trình khoa học công nghệ với các chiến lược phát triển quốc gia.
Trong khi đó, theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), mỗi năm có hơn 100.000 kỹ sư tốt nghiệp đại học, số lượng thất nghiệp, làm chưa đúng ngành nghề đào tạo rất cao. “Chúng ta chưa có điều tra chính thức về số lao động có việc làm đúng ngành nghề đào tạo nhưng có thể thấy rằng nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được sử dụng đúng, nhất là giai đoạn hội nhập sâu”- ông Thành nói.
Ông Thành kiến nghị Chính phủ mà trực tiếp là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải xây dựng dự báo thị trường lao động trên cả nước, nhằm định hướng cho những chính sách, kế hoạch và giảm đào tạo chạy theo thị hiếu cũng như có chính sách ưu tiên, thu hút nhân tài, người lao động có chất lượng cao.
Thế Kha