1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nhiều “bất thường” trong Quyết định cấm xe của Sở GTVT Hà Nội

(Dân trí) - Xung quanh việc Sở GTVT Hà Nội ban hành “lệnh” cấm xe có điểm “vênh” với chủ trương của UBND TP Hà Nội. PV Dân trí có cuộc phỏng vấn Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng VPLS Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) để làm rõ hơn vấn đề này.

Nhiều “bất thường” trong Quyết định cấm xe của Sở GTVT Hà Nội - 1
Luật sư Trương Anh Tú trả lời phỏng vấn của PV Dân trí.

Luật sư có thể cho biết, việc ban hành văn bản của Sở GTVT TP. Hà Nội như vậy có đúng với quy định của pháp luật không?

Quyết định này vi phạm nghiêm trọng về hình thức. Tại Điều 2 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì không thấy có Văn bản quy phạm pháp luật do Sở ban hành, hay nói cách khác, Sở không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Quyết định này nếu được Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành thì mới đúng thẩm quyền (theo điểm b, khoản 2 Điều 2 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân).

Sở GTVT Hà Nội là cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân thành phố Trực thuộc Trung ương thì chỉ có thẩm quyền trình Uỷ ban nhân dân dự thảo quyết định, mà không có thẩm quyền ban hành Quyết định (khoản 1, điều 4 Nghị định 13/2008/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 04/02/2008 Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc). Do đó, văn bản này không có hiệu lực về mặt pháp lý.

Ông nhìn nhận như thế nào về ảnh hưởng của quyết định nói trên đối với xã hội?

Mục đích của việc ra quyết định “cấm xe” nói trên là tránh tình trạng ùn tắc, cản trở giao thông ngày Tết. Tuy nhiên, có lẽ quyết định được ban hành khi chưa được xem xét kỹ nên dường như mục đích nói trên không đạt được, có khi còn phản tác dụng.

Vì việc cấm xe ôtô tải  khiến các Doanh nghiệp và người dân phải tìm biện pháp để đối phó với tình trạng này. Các phương tiện thô sơ như xe máy, xe ba gác sẽ là lựa chọn duy nhất. Và tất yếu dẫn đến tình trạng xe máy chở hàng quá tải, cồng kềnh, gây tắc nghẽn giao thông và gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Đó là chưa kể đến hiện nay, Thành phố Hà Nội đã cấm xe thô sơ, xe tự chế đi vào trong nội thành.
 
Nếu thi hành quyết định cấm xe nói trên, rất có thể dẫn đến hiện tượng “bùng phát” xe thô sơ, xe tự chế. Việc kiểm soát xe thô sơ sẽ khó khăn hơn nhiều so với xe ôtô tải.
 
Ngoài ra, việc cấm xe có thể dẫn tới tình trạng khan hiếm hàng hoá, như lương thực, thực phẩm, đồ tiêu dùng ...
 
Còn đối với các doanh nghiệp thưa ông?
 
Có thể nói, các doanh nghiệp là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp và to lớn từ quyết định này. Bởi hàng hoá đã được tính toán để sản xuất, kinh doanh trong dịp Tết, có những doanh nghiệp kinh doanh cả năm chỉ trông chờ vào dịp Tết, nay không tiêu thụ kịp, sẽ dẫn tới tình trạng hàng hoá tồn đọng, vốn đã bỏ ra không thu lại được, nghiêm trọng hơn với những mặt hàng có thời gian sử dụng ngắn, nếu không tiêu thụ kịp thì bắt buộc phải tiêu huỷ, doanh nghiệp thất thu trầm trọng.
 
Doanh nghiệp ở đây là nói chung doanh nghiệp trong cả nước, chứ không mình doanh nghiệp tại Hà Nội, bởi vì việc thông thương hàng hoá diễn ra trên phạm vi rộng khắp, nhất là giữa các tỉnh khác với Thủ đô Hà Nội.
 
Hơn thế nữa, nếu doanh nghiệp phải xuất - nhập hàng cho xe chạy trong thời gian từ 21h đêm tới 6h sáng hôm sau, thì liệu công nhân có chấp nhận  làm ngoài giờ, làm đêm trong thời gian dài  được không, vì trái với Luật lao động. Vấn đề trả lương theo hệ số cho người lao động  làm đêm sẽ là một gánh nặng đối với doanh nghiệp, chi phí này bắt buộc phải cộng vào giá thành của hàng hóa. Giá thành cao, hàng hóa không tiêu thụ được...
 
Nguy hiểm hơn, không có một doanh nghiệp vận tải nào trên thế giới mà người lái xe chấp nhận phải  lái đêm và ngủ ngày, vì điều đó trái với quy luật sinh học của con người, rất dễ xảy ra tai nạn giao thông.

Xin cảm ơn ông!

Vũ Văn Tiến (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm