Nhiều bất ổn quanh tờ tiền polymer
Hoa văn, màu sắc trên các tờ tiền polymer không đồng nhất, tiền giòn như bánh tráng, thậm chí tiền mẫu cũng được đưa vào lưu thông... Đó là những phản ánh liên tiếp trong thời gian gần đây của người dân về chất lượng tiền polymer.
Tiền polymer giòn như... bánh tráng
Anh Phạm Duy Khương (ngụ tại nhà S2, Dương Quảng Hàm, Q.Gò Vấp, TPHCM) đưa cho chúng tôi xem tờ tiền polymer mệnh giá 500.000 gần như rách làm ba. Anh Khương cho biết sau khi nhận lương vào ngày 5/10, anh trả tiền thuê nhà và tiền nợ mua các vật dụng sinh hoạt. Khi chị Nguyễn Thị Thanh, chủ tiệm tạp hóa nơi anh Khương mua hàng kiểm tra tiền giả hay thật bằng cách vò nhẹ thì tờ 500.000 đồng polymer lập tức rách làm đôi. Quá ngạc nhiên, anh Khương và người chủ tiệm tiếp tục vò thử lần nữa, kết quả là tờ 500.000 đồng tiếp tục rách.
Quan sát tờ tiền bị rách của anh Khương, chúng tôi nhận thấy nó được phát hành năm 2005, có đủ các yếu tố bảo an như in nổi, cửa sổ có dòng số 500.000, hoa văn... So sánh với các tờ tiền cùng mệnh giá khác thì tờ tiền này chẳng có điểm gì khác biệt, ngoại trừ việc nó... giòn như bánh tráng. Anh Khương cũng đã mang tờ 500.000 đồng này đến một tiệm vàng nhờ soi thử, kết quả được tiệm vàng xác định là tiền thật.
Chị Nguyễn Thị Thanh cho biết: "Trước nay khi nhận tiền polymer 500.000 đồng, tôi đều vò để phân biệt tiền thật hay giả theo hướng dẫn của ngân hàng mà tôi đọc được trên báo. Chưa gặp trường hợp thế này bao giờ. Trước khi vò tiền, tôi thấy nó không hề bị rách, dù là vết nhỏ. Tội nghiệp thằng nhỏ, mất hết nửa tháng lương vì tờ polymer kia".
Màu sắc không đồng nhất?
Vụ tiền polymer của anh Khương bị rách đã thu hút nhiều người dân sống quanh đó đến tìm hiểu. Một số người đem theo những tờ tiền polymer mệnh giá 500.000 đồng và chỉ cho chúng tôi thấy việc màu sắc trên những tờ tiền này không đồng nhất. Có một vài tờ tiền theo họ có màu xanh đậm, nhạt khác nhau dù có cùng năm phát hành.
Trưởng phòng kho quỹ một ngân hàng (NH) thương mại cổ phần nhận xét: chất lượng in giữa các tờ tiền polymer không đồng đều. Khi gặp nước, tờ tiền polymer hay bị lem làm cho bề mặt của tờ tiền không được sạch lắm. Độ mềm, dai của các tờ tiền polymer cũng khác nhau. Về màu sắc cũng không được nét, mịn. Thêm vào đó, màu của một số đồng tiền polymer mệnh giá khác nhau nhưng rất giống nhau nên rất khó phân biệt.
Tờ 500.000 đồng polymer có sê-ri là dãy số 0
Gần đây, một ngân hàng thương mại trên địa bàn TPHCM đã phát hiện ra một chuyện hy hữu: Khi một khách hàng đến gửi tiết kiệm, nhân viên ngân hàng phát hiện trong đó có một tờ tiền polymer mệnh giá 500.000 có hàng số sê-ri toàn là số 0.
Trả lời về vấn đề này, ông Hồ Hữu Hạnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM cho biết: "Khi có một mẫu tiền mới được đưa ra lưu thông, NHNN sẽ chuyển cho các NH thương mại, tổ chức tín dụng, Kho bạc những đặc điểm nhận biết và có kèm theo một vài tờ tiền mẫu. Tờ tiền mẫu có số sê-ri là dãy số không (0).
Tuy nhiên 2 mặt của tờ tiền mẫu sẽ có chữ "tiền mẫu" hoặc "SPECIMEN". Tờ tiền có dãy số sê-ri toàn là số 0 mà NH thương mại nộp lên cho NHNN có chữ "SPECIMEN" nên đây không phải lỗi kỹ thuật mà do một đơn vị nào đó đã đem tờ tiền mẫu ra lưu thông. NHNN cũng khó biết được tờ tiền mẫu này từ đâu ra".
Trả lời về vấn đề tại sao có một số trường hợp người dân nhận tiền từ NH, một số "tép" tiền mới dù vẫn còn nguyên giấy ràng của NH nhưng lại có các số sê ri trên các tờ tiền không liên tục (chẳng hạn, từ 2 số sê-ri cuối là 14 rồi nhảy sang 16), ông Hồ Hữu Hạnh cho rằng: "Có thể trong khâu in tiền, tờ tiền có 2 số sê-ri sau cùng là 15 bị lỗi nên được nhân viên kỹ thuật thay bằng một tờ khác, đặt ở vị trí khác".
Một nhân viên NH còn cho biết, theo chuẩn, 1 tép tiền từ NHNN đưa ra phải đủ 100 tờ nhưng có tép chỉ có 99 tờ, có tép lên đến 101 tờ. Điều này cho thấy rõ ràng có vấn đề trong khâu in và bó tiền.
Vì sao tiền polymer mẫu, lỗi lại lọt ra lưu thông?
Một nguồn tin từ Nhà máy in tiền quốc gia cho biết, số tiền in lỗi lọt ra lưu thông không ít, thậm chí, Nhà máy in tiền quốc gia còn để lọt một số đồng tiền mẫu (specimen) ra ngoài, lưu thông như tiền bình thường.
Sau một thời gian ngắn, các đồng tiền mẫu này đã được thu hồi trở lại nhưng việc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Nhà máy in tiền quốc gia.
Nguồn tin này cũng cho biết, có 2 nguyên nhân của tình trạng này. Thứ nhất là do số lượng hình in trên tờ tiền polymer lỗi nhiều hơn so với trước đây, khi in trên tờ tiền giấy cotton. Thứ hai, quy trình kiểm soát những hình in, loại hình in lỗi trước khi đưa vào lưu thông có những bất cập.
Trước đây, khi in tiền trên chất liệu giấy cotton, Nhà máy in tiền quốc gia đã làm quen với quy trình công nghệ và việc in ấn có tỷ lệ sai hỏng ít. Vì thế, cùng với việc kiểm đếm chặt chẽ những tờ tiền được in ra theo phương thức kiểm đếm từng hình, kiểm cả mặt trước và mặt sau, lượng tiền in lỗi rất ít lọt ra lưu thông.
Đến khi chuyển sang in tiền trên chất liệu polymer, tỷ lệ in hỏng, in lỗi của tiền polymer nhiều nhưng lại kiểm tra theo kiểu "kiểm số tờ to" (trên một tờ to có 40 hình tiền); các khâu sau không có việc kiểm lại mà chỉ cắt và tách từng tờ tiền.
Việc "kiểm số tờ to" khó kiểm tra các chi tiết cụ thể bị lỗi hơn nhiều so với kiểm tra từng tờ một.
Chiều 6/10, một quan chức Ngân hàng Nhà nước VN cho biết, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM đang chuyển tờ tiền polymer 500.000 đồng bị in lỗi (thiếu hoa văn nhũ vàng) ra Hà Nội. Vào ngày 9/10, Ngân hàng Nhà nước VN sẽ tiến hành kiểm tra, phân tích để tìm ra nguyên nhân in lỗi của tờ tiền này. Dự kiến cũng trong ngày 9/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ có công bố chính thức về vụ in lỗi trên tờ tiền 500.000 đồng này. |
Theo Thanh Niên