Nhập hộ khẩu thành phố: Chậm nhất là 20 ngày
Theo thông tư mới của Bộ Công an, người dân sẽ được giải quyết đăng ký hộ khẩu tại thành phố, thị xã chậm nhất là trong vòng 20 ngày. Khi đăng ký hộ khẩu, người dân phải xuất trình chứng minh nhân dân, giấy tờ về nhà ở, đất ở, hợp đồng lao động...
Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh vừa ký và ban hành Thông tư số 11/2005, hướng dẫn thực hiện Nghị định số 51/1997 và Nghị định số 108/2005 về đăng ký và quản lý hộ khẩu.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 31/10/2005, nội dung có nhiều quy định thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đăng ký hộ khẩu tại nơi ở mới, nhất là tại các TP lớn. Dự kiến ngày 28/10 tới, tại TPHCM, Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị triển khai Nghị định 108.
Cơ quan đăng ký hộ khẩu phải có bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất tốt để giải quyết đăng ký hộ khẩu, nếu chưa đủ thủ tục, phải hướng dẫn cho dân.
Trong trường hợp một người đáp ứng được nhiều điều kiện đăng ký hộ khẩu vào TP, thị xã, cán bộ phải hướng dẫn dân lựa chọn một điều kiện đơn giản, dễ dàng nhất, nghiêm cấm đòi hỏi thêm các giấy tờ ngoài quy định tại Thông tư 11.
Về thời hạn giải quyết hộ khẩu cho người dân, Thông tư quy định không được quá 10 ngày làm việc đối với TP, thị xã, và 15 ngày đối với khu vực khác, kể từ ngày cơ quan CA nơi công dân chuyển đến nhận được hồ sơ.
Nếu có vướng mắc phát sinh thì được kéo dài không quá 10 ngày làm việc. Như vậy, thời hạn tối đa để dân được cấp hộ khẩu nơi ở mới tại TP, thị xã chỉ còn 20 ngày.
Thông tư cũng hướng dẫn cụ thể về giấy tờ chung áp dụng cho các trường hợp chuyển đến nơi ở mới. Ngoài những giấy tờ chung, những trường hợp chuyển đến TP, thị xã, tùy từng trường hợp cần phải có thêm một số giấy tờ khác như quyết định điều động hoặc hợp đồng lao động...
Đặc biệt, trường hợp đăng ký về TP trực thuộc TW cần có thêm giấy đăng ký tạm trú có thời hạn hoặc xác nhận của CA sở tại chứng minh đã cư trú liên tục 3 năm trở lên tại nơi chuyển đến.
Hết cảnh “nhà đòi hộ khẩu- hộ khẩu đòi nhà”
Thông tư 11 còn hướng dẫn thêm 8 loại nhà ở, đất ở thuộc loại hợp pháp - một trong những căn cứ để được chuyển hộ khẩu đến nơi ở mới.
Theo đó, nhà ở, đất ở chưa có “sổ đỏ”, chưa có hợp đồng mua nhà... thì chỉ cần được chính quyền xã, phường, thị trấn xác nhận là đang sử dụng ổn định, không có tranh chấp, không lấn chiếm cũng được coi là đủ điều kiện hợp lệ và nhà, đất ở để xét cho nhập khẩu.
Thậm chí, chỉ cần chủ nhà cho thuê nhà hoặc người có nhà cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản là đáp ứng được điều kiện về nhà, đất ở. Có thể thấy với quy định trên, cảnh “nhà đòi hộ khẩu – hộ khẩu đòi nhà” bức xúc bấy lâu nay đã cơ bản chấm dứt!
Bên cạnh điều kiện về nhà, đất ở, người muốn chuyển đến đăng ký hộ khẩu thường trú tại thành phố, thị xã chỉ cần đáp ứng 1 trong số 20 trường hợp như hướng dẫn trong Thông tư sẽ đủ điều kiện cơ bản để xét chuyển hộ khẩu.
Trường hợp những gia đình có con dưới 18 tuổi mà con chưa có hộ khẩu thường trú tại TP, thị xã, thì “mặc nhiên được đăng ký hộ khẩu thường trú với cha, mẹ”.
Cắt khẩu cũng “thoáng” hơn
Một trong những vướng mắc về chuyển khẩu hiện nay là: Muốn chuyển đăng ký hộ khẩu (cắt khẩu), cơ quan nơi đi yêu cầu phải có giấy chấp nhận của nơi sẽ đến.
Thông tư 11 của Bộ Công an đã loại bỏ quy định này. Người muốn cắt khẩu nếu chuyển đi từ ngoài phạm vi xã trở lên thì đương nhiên được cấp giấy chứng nhận chuyển đi.
Khi đến làm thủ tục chuyển đi, công dân chỉ cần xuất trình CMTND, phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu và sổ hộ khẩu gia đình (hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể).
Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan CA phải cấp giấy chứng nhận chuyển đi cho công dân.
Theo Trần Công Hùng
Tiền Phong