Nhân sự đặc biệt trong Bộ Chính trị có trách nhiệm bồi dưỡng người kế cận

Thái Anh

(Dân trí) - Nói về dấu ấn nổi bật Đại hội XIII của Đảng, PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng đề cập vấn đề những "trường hợp đặc biệt" trong Bộ Chính trị khóa XIII…

PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc là một trong những diễn giả tham gia buổi tọa đàm trực tuyến "Đại hội lần thứ XIII của Đảng và những dấu ấn nổi bật" do Ban Tuyên giáo Trung ương, báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức chiều 3/2/2021.

Nhân sự đặc biệt trong Bộ Chính trị có trách nhiệm bồi dưỡng người kế cận - 1
Cuộc tọa đàm trực tuyến do Ban Tuyên giáo Trung ương, báo điện tử Đảng Cộng sản tổ chức.

Đại hội truyền cảm hứng về khát vọng đổi mới

Tại buổi tọa đàm, GS.TS Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhận xét: "Đại hội XIII là một Đại hội có rất nhiều cảm xúc và ấn tượng, hay nói một cách hình ảnh là một Đại hội cảm xúc đong đầy ở nhiều cung bậc. Một Đại hội đã để lại dấu ấn sâu đậm về niềm phấn khởi, sự đoàn kết thống nhất, sự tin tưởng, nên một số cuộc tọa đàm đã đưa ra những tiêu đề hay như: khát vọng và niềm tin, ánh sáng và niềm tin… Đó là những dấu ấn rất đẹp của Đại hội XIII".

Ông Phùng Hữu Phú chia sẻ cảm nhận về 2 dấu ấn mạnh mẽ với ông. Thứ nhất về mặt cảm xúc, theo ông, Đại hội XIII dẫn dắt và truyền cảm hứng khi chưa có đại hội nào mà Đảng lại đưa ra một tầm nhìn xa về tầm dẫn dắt, tầm định hướng như tại kỳ đại hội này.

Thứ hai, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương phân tích, Đại hội XIII truyền cảm hứng mạnh liệt khi lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội vang lên 2 chữ khát vọng. Khát vọng phát triển và đổi mới sáng tạo là điểm nhấn nổi bật của Đại hội, để lại dấu ấn rõ nét về quyết tâm, tinh thần đổi mới sáng tạo, vươn lên vượt qua khó khăn, đi cùng thời đại và tiến lên cùng thời đại.

Nhân sự đặc biệt trong Bộ Chính trị có trách nhiệm bồi dưỡng người kế cận - 2
PGS.TS Phùng Hữu Phú phát biểu tại tọa đàm.

"Đội hình rất đẹp" trong Bộ Chính trị

Tại buổi tọa đàm, nêu quan điểm về việc chuyển tiếp giữa các thế hệ trong công tác nhân sự Đại hội Đảng, PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho biết, ông theo dõi các đại hội Đảng thì từ Đại hội I tới Đại hội VI đều bầu Ủy viên Trung ương dự khuyết. Các Ủy viên dự khuyết sau này đều trở thành Ủy viên chính thức, có cống hiến cho sự nghiệp của Đảng.

Từ Đại hội VII đến Đại hội IX, không có Ủy viên dự khuyết, cho đến Đại hội X thì việc bầu Ủy viên dự khuyết được "nối lại".

"Ủy viên dự khuyết như "đội quân dự bị" cho nhân sự chính thức. Đó cũng là một cách rèn luyện, đào tạo cán bộ của Đảng" - ông Phúc nhận xét.

Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cũng thông tin, từ Đại hội II đến Đại hội V của Đảng còn có Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị. Tuy nhiên, từ Đại hội VII trở lại đây không còn chức danh này.

Nhân sự đặc biệt trong Bộ Chính trị có trách nhiệm bồi dưỡng người kế cận - 3
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng Nguyễn Trọng Phúc phân tích về cơ cấu nhân sự trong Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.

Đánh giá về những nhân sự khóa XIII vừa được bầu, ông Phúc phân tích, trong số 18 ủy viên Bộ Chính trị thì có 8 ủy viên Bộ Chính trị tái cử, trong đó có 2 trường hợp đặc biệt (Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc), 10 người mới tham gia Bộ Chính trị. Cơ cấu đó, theo ông tạo ra "đội hình rất đẹp". Những Ủy viên Bộ Chính trị tái cử đều dày dặn kinh nghiệm, trí tuệ, kiểu mẫu, nêu tấm gương sáng trong Đảng, trong nhân dân. Bên cạnh đó, 10 người mới tham gia Bộ Chính trị khóa XIII cũng là những gương mặt rất ấn tượng.

"Từ đó, có thể tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII nói chung và Bộ Chính trị, Ban Bí thư nói riêng", ông Phúc nhấn mạnh.

Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng "hiện tượng đặc biệt" tại Đại hội XIII là có 7 ủy viên Ban Bí thư khóa XII đều tham gia Bộ Chính trị khóa XIII. Ông Phúc đánh giá, điều đó cho thấy có một bước chuyển cán bộ lãnh đạo, có tính liên tục, kế thừa rất rõ. Đấy là tính khoa học trong công tác cán bộ.

Đối với các "trường hợp đặc biệt" trong Bộ Chính trị khóa XIII, ông Phúc cho rằng, có 2 trách nhiệm rất lớn đặt ra, một là hoàn thành trọng trách của mình trong bộ máy lãnh đạo Đảng và Nhà nước, hai là trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng những nhà lãnh đạo kế cận đủ tầm, kinh nghiệm, đủ bản lĩnh, trí tuệ, uy tín.

Ông Phúc bày tỏ kỳ vọng, các lãnh đạo chủ chốt trong nhiệm kỳ XIII sẽ hoàn thành tốt trọng trách mà Đại hội tín nhiệm, giao phó.