1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Khánh Hòa:

Nhan nhản "bẫy" với người già, trẻ nhỏ nơi “miệng núi tử thần”

(Dân trí) - Sau nhiều tai nạn rình rập tính mạng, người dân sinh sống ở núi đèo Trường Hải (khóm Trường Hải, phường Vĩnh Trường, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), nhất là với người già, trẻ nhỏ luôn thấp thỏm sống trong sợ hãi, xem đoạn đường lên núi như cung đường “tử thần”.

Sống thấp thỏm bên “miệng núi tử thần”
Người dân sống chênh vênh bên vách núi sau dự án thi công đường vòng núi Chụt để mở đường Võ Thị Sáu, TP Nha Trang.

8 hộ dân nằm trong diện nguy hiểm

Theo người dân, khi chưa thi công đường vòng núi Chụt để mở đường Võ Thị Sáu đoạn qua khóm Trường Hải thì cuộc sống của người dân yên ổn, không lo lắng nhưng khi dự án đường vòng núi Chụt thi công, người ta đã khoét núi vào sát móng nhà để mở đường khiến người dân sống chênh vênh bên vách núi, tính mạng bị rình rập hàng ngày.

Bà Nguyễn Thị Kim Ý (Tổ trưởng tổ 3, khóm Trường Hải) cho biết, khi mở dự án thi công đường vòng núi Chụt, gần 70 hộ dân ở tổ 3, khóm Trường Hải nằm trong diện giải tỏa, di dời đến khu tái định cư Vĩnh Trường. Hiện khóm Trường Hải còn 120 hộ sinh sống ở núi đèo Trường Hải, trong đó có 8 hộ nằm trong vùng đặc biệt nguy hiểm, sát mép núi.

Bà Ý cũng xác nhận việc người dân thiếu điện, thiếu nước, gặp nhiều tai nạn, người già đi lại ở núi đèo Trường Hải phải “bò” là chuyện có thật. Bà Ý cũng cho biết sau dự án đường vòng núi Chụt, đường lên núi càng dốc, chênh vênh, hiểm trở… nên việc đi lại của người dân rất khó khăn, vào mùa mưa phải di dời người dân đến các các cở sở hạ tầng kiên cố để tá túc.

Bà Ý khẳng định, không phải chính quyền địa phương không biết thực trạng này mà từ lâu đã có kiến nghị di dời những hộ dân sinh sống ở khu vực núi đèo Trường Hải, đặc biệt là 8 hộ dân có nhà nằm sát mép núi đến nơi ở mới an toàn, nhưng đến nay chưa được giải quyết.

“Mỗi lần giao ban, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với phường cho giải tỏa mấy căn nhà đó, chứ bà con sinh sống rất nguy hiểm, nhất là khi mưa, bão. Nhưng không ngờ mới đây đã xảy ra tai nạn chết người…”, bà Ý nói.

Trong khi đó, ông Phú Ngọc Hiệp (chồng chị Nguyễn Thị Chín tử vong do trượt chân từ trên núi) tha thiết: “Nhờ cấp trên làm sao cho con đường để bà con đi lên đi xuống, chứ mùa mưa tới là bà con không đi đứng, làm ăn gì được”.


Tiếp tục “đánh đu” mạng người bên vách núi (?)

Chị Nguyễn Thị Hồng (46 tuổi), sinh sống ở núi đèo Trường Hải, cho biết cách đây chừng một tháng, cả khóm Trường Hải chứng kiến một cảnh tượng nghẹt thở khi 5 đến 6 đứa trẻ (9 đến 10 tuổi) ở xóm bên cạnh leo bộ lên vách núi dựng đứng để hái xoài. Khi nhóm trẻ đang cố leo và đeo lủng lẳng ở lưng chừng núi thì bị người dân phát hiện. “Mọi người như nín thở khi phát hiện ra chúng, la hét và chạy vào đỡ chúng xuống. Với độ cao đó, nếu nắm không dính mô đá là rơi xuống mặt đường liền”, chị Hồng bàng hoàng kể.

Cũng theo chị Hồng, cách đây chưa lâu, một nhóm trẻ trong xóm đang chơi dưới mặt đường nhựa thì bất ngờ từ trên núi một tảng đá chẻ to nặng lăn xuống đường. Rất may, tảng đá không rơi trúng đầu mấy đứa trẻ nhưng lũ trẻ cũng thót tim, chạy tán loạn.

Đá từ trên núi lăn xuống đe dọa tính mạng người dân.
Đá từ trên núi lăn xuống đe dọa tính mạng người dân.

Sau dự án đường vòng núi Chụt, trẻ em ở khóm Trường Hải bị té ngã là chuyện như cơm bữa. Đến xóm này, đi đâu người dân cũng kể về 2 anh em Nguyễn Thanh Phong và Nguyễn Chí Quân, con của chị Nguyễn Thị Mỹ Hương bị té ngã từ trên núi xuống mặt đường.

Vết khâu do bị ngã đập mặt vào đá của cháu Phong.
Vết khâu do bị ngã đập mặt vào đá của cháu Phong.

Trong đó, cháu Phong (học sinh lớp 5) bị ngã, đập mặt vào đá, đến nay vẫn còn nguyên 6 vết khâu trên mặt. Còn cháu Quân, bị sảy chân từ trên núi, đập đầu vào vách đá và rơi từ độ cao 7 mét xuống đất. Sau đó, cháu phải nhập viện để các bác sỹ khâu 8 mũi ở đầu. Ông Phạm Văn Lỳ (68 tuổi), một người dân sinh sống ở núi đèo Trường Hải tâm sự: “Bản thân tôi cũng từng bị ngã do đường đi lên quá dốc, chênh vênh sau khi họ khoét núi mở đường. Với những người già khi đi thì rất lo sợ bị ngã, đi rất chậm, không dám nhìn xuống mặt đường và nếu chẳng may trượt chân là lăn cù…”.

Viết Hảo