Thực trạng phụ nữ Cần Thơ kết hôn với người Hàn Quốc:
“Nhắm mắt đưa chân” vì những ảo vọng hào nhoáng
(Dân trí) - Từ năm 2005 đến nay, trung bình mỗi năm có từ 1.900 - 2.000 phụ nữ Cần Thơ lấy chồng có yếu tố nước ngoài, trong đó có đến 3/4 lấy chồng Hàn Quốc.
Quang cảnh buổi hội thảo
Tại Hội thảo, bà Jeong Mi Sook- phó Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TPHCM, nhìn nhận thời gian qua phụ nữ Việt Nam, trong đó có Cần Thơ lấy chồng Hàn Quốc rất nhiều. Trong đó, có nhiều người khi qua Hàn Quốc có cuộc sống hạnh phúc nhưng vẫn còn một số trường hợp gặp khó khăn, không thích ứng với sinh hoạt gia đình nhà chồng.
Bà Mi Sook cho rằng, dù ngành chức năng Hàn Quốc đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn còn phát sinh nhiều vấn đề khó giải quyết ở mỗi gia đình. Theo bà Mi Sook, trong quá trình làm các thủ tục kết hôn thì yêu cầu đầu tiên là cung cấp đầy đủ thông tin giữa 2 bên để hiểu rõ nhau hơn nhưng hầu như thông tin lúc nào cũng thiếu.
Một báo cáo của Sở Tư pháp TP.Cần Thơ cho biết, từ năm 2005 đến nay đã có hơn 8.000 phụ nữ Cần Thơ kết hôn với người Hàn Quốc và làm thủ tục ghi chú kết hôn tại Sở (trung bình mỗi năm có từ 1.900- 2000 người). Riêng năm 2010, có 433 trường hợp đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài; 1.364 trường hợp ghi chú kết hôn, chủ yếu với người Hàn Quốc.
“Các cuộc hôn nhân này không xây dựng trên tình yêu chân chính và mục đích các cô gái lấy chồng nước ngoài là vì lý do kinh tế. Bởi đa số họ là con nhà nghèo, cuộc sống thiếu thốn, lấy chồng ngoại để hy vọng đổi đời; còn tình yêu với chồng hoặc sự hòa nhập cuộc sống bên chồng thế nào đa số chị em không quan tâm và nghĩ rằng dần rồi cũng thích nghi mà thôi”- bà Thảo nhìn nhận.
Bà Thảo đưa ra 3 thực trạng hiện nay khi phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Hàn Quốc: trong khi cô dâu Việt cố gắng học tiếng Hàn, tìm hiểu phong tục tập quán bên chồng để mong nhanh chóng hòa nhập nhưng các chàng rể hầu như không quan tâm; gần đây có nhiều trẻ em được đưa về bên ngoại (Việt Nam) nuôi dưỡng với lý do chi phí nuôi trẻ ở Việt Nam thấp, cách để cô dâu Việt gửi tiền về giúp gia đình một cách công khai; không chăm sóc con nhỏ nên có thời gian đi làm kiếm tiền; thực trạng nữa là việc ly hôn của các cô dâu này vì lý do không hạnh phúc gặp rất nhiều khó khăn. “Từ 2007-2010, có 108 vụ ủy thác tư pháp nước ngoài xin ly hôn với cô dâu Việt nhưng chưa giải quyết”- bà Thảo cho biết.
Nói đến việc ngày càng tăng tình trạng phụ nữ nông thôn muốn kết hôn với người Hàn Quốc, nhiều đại biểu đã đưa ra những nhận định hết sức thiết thực.
Ông Lê Khắc Thanh- Trưởng phòng Hành chính- Tư pháp (Sở Tư pháp Cần Thơ) chia sẻ: “Chị em phụ nữ đi lấy chồng Hàn Quốc đa số đều nghèo, trình độ học vấn thấp, nhận thức thấp do đó dễ bị lừa gạt, vẽ vời viển vông. Ngoài ra, tâm lý phổ biến ở người dân nông thôn là lấy chồng lấy vợ do duyên số nên nhiều chị em chỉ biết phó mặc cho số phận”.
Một trong những địa phương ở Cần Thơ có số phụ nữ kết hôn với người Hàn Quốc cao là phường Trung Kiên (quận Thốt Nốt). Ông Lê Thanh Tùng - Chủ tịch UBND phường, cho rằng các năm qua một số gia đình trong phường có con em kết hôn với người nước ngoài nói chung (trong đó có Hàn Quốc) phần lớn kinh tế đều được cải thiện, từ đó cũng tác động đến tâm lý chị em và vì thế kết hôn với nước ngoài luôn có chiều hướng tăng.
Còn bà Nguyễn Thị Bảo Trân - Cán bộ Tư pháp xã Trường Xuân (huyện Phong Điền) thì thực tế hơn: “Nhiều chị em lấy chồng Hàn Quốc là nhằm thực hiện ước mơ của cha mẹ và xem nó như là một mốt thời đại. Lấy chồng nước ngoài để có cuộc sống phóng khoáng, có tiền mang về cho cha mẹ cất nhà, tậu xe mới, có gia đình từ một gia đình nghèo bỗng dưng phất lên giàu có… Tất cả những hào nhoáng này như là ma lực khiến các cô gái khó lòng cưỡng nổi”.
Tuy nhiên, cũng theo các đại biểu nêu ý kiến tại Hội thảo thì khi qua bên Hàn Quốc, nhiều cô gái đã vỡ mộng vì lấy phải người chồng nghèo khó hoặc bị môi giới lừa đảo, bị bốc lột sức lao động, lạm dụng tình dục, hành hạ, đánh đập…thậm chí dẫn đến nhiều cái chết thương tâm ở nơi đất khách quê người.
Thực tế là mới đây, người dân Cần Thơ bàng hoàng vì một cô gái quê huyện Cờ Đỏ bị chồng Hàn Quốc đâm chết tại nhà; hoặc trước đó một cô gái quê quận Cái Răng nhảy lầu 14 tự tử… Tuy nhiên, những sự việc bất hạnh này vẫn không làm nhiều cô gái nản lòng mà vẫn cứ hy vọng mình không bị rơi vào trường hợp như vậy.
Từ thực trạng nêu trên, tại Hội thảo, các đại biểu cũng có những kiến nghị nhằm bình thường hóa việc phụ nữ Việt Nam (trong đó có Cần Thơ) kết hôn có yếu nước ngoài như đề nghị lãnh đạo các cấp ban hành một số quy định riêng cho Cần Thơ trong việc quản lý trẻ em lai; đề nghị các cấp ngăn chặn, quản chặt các Trung tâm môi giới để tránh tình trạng phụ nữ bị lừa; đề nghị chính quyền Hàn Quốc có những biện pháp bảo vệ cô dâu Việt, can thiệp kịp thời những mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống bên nhà chồng; điều quan trọng nữa là trước khi kết hôn phụ nữ Việt cần tìm hiểu rõ bên chồng và nên đến các Trung tâm hỗ trợ để được giúp đỡ.
Theo Tòa án Nhân dân Cần Thơ thống kê thì có tới 65% các vụ ly hôn với một bên là người Hàn Quốc, nguyên đơn đứng đơn xin ly hôn có tới 99% là phụ nữ Việt Nam. Các khó khăn trong thủ tục ly hôn chủ yếu vướng về quy định pháp luật chưa đầy đủ, thiếu hướng dẫn. |
Huỳnh Hải