1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Nhà vệ sinh 5 sao “không để ý” đến người khuyết tật

(Dân trí) - Được đánh giá là nhà vệ sinh “siêu sang”, có khu dành riêng cho người khuyết tật nhưng thực tế là nhà vệ sinh công cộng “5 sao” ở TPHCM rất khó cho người khuyết tật tiếp cận.

Đầu năm 2014, TPHCM đã đưa vào sử dụng 3 nhà vệ sinh công cộng ở công viên 23/9, công viên Tao Đàn (quận 1), công viên Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh), phục vụ miễn phí cho người dân. Mỗi nhà vệ sinh trên rộng 55m2, xây dựng theo kiến trúc hiện đại, tiêu chuẩn “5 sao”, trị giá khoảng 800 triệu đồng.

Bên trong mỗi nhà vệ sinh đều được đầu tư các hệ thống hiện đại như: hệ thống cảm biến tự động xả nước khi khách rời đi, có gương soi, lịch để xem ngày, đồng hồ treo tường, hệ thống âm nhạc… Hưởng ứng chỉ đạo xây dựng công trình theo quy chuẩn người khuyết tật (NKT) có thể tiếp cận của Bộ Giao thông Vận tải, các nhà vệ sinh này còn có khu vệ sinh dành cho NKT. Thế nhưng, thực tế là NKT rất khó sử dụng nhà vệ sinh này.

Cuối tháng 4/2014, Trung tâm Nghiên cứu phát triển năng lực NKT (Khuyết tật & Phát triển - DRD) đã tổ chức 1 nhóm 10 NKT (bao gồm người đi xe lăn, đi nạng, người khiếm thị) đi khảo sát cả 3 nhà vệ sinh 5 sao trên. Sau quá trình khảo sát, 10 NKT trải nghiệm thực tế đã có buổi thảo luận và đưa ra những điểm chưa đạt chuẩn, chưa phù hợp cho NKT sử dụng.

10 NKT đã tiến hành
khảo sát 3 nhà vệ sinh 5 sao trên địa bàn TPHCM
10 NKT đã tiến hành khảo sát 3 nhà vệ sinh 5 sao trên địa bàn TPHCM

Cụ thể như: Lối lên xuống có độ dốc cao, người ngồi xe lăn không thể tự di chuyển vào trong; Mặt nền lối lên xuống trơn láng, rất dễ gây tai nạn cho người sử dụng nạng, yếu chân; Thanh vịn dành cho người yếu chân đột ngột hết giữa chừng có thể làm NKT không thể đi lên hết dốc đi vào nhà vệ sinh; Cửa phòng vệ sinh dành cho NKT ở nhà vệ sinh công viên Tao Đàn quá nhỏ so với quy chuẩn tiếp cận (quy chuẩn là 80cm, thực tế chỉ có 57cm), NKT đi xe lăn không thể vào; Bồn rửa tay tuy thấp nhưng phía dưới bồn là tủ đựng dụng cụ, xe lăn không luồng vào được nên NKT ngồi xe lăn không với đến vòi để rửa tay…

Lối lên xuống trơn
láng, rất dễ gây tai nạn
Lối lên xuống trơn láng, rất dễ gây tai nạn

Cửa phòng vệ sinh dành
cho NKT quá nhỏ so với quy chuẩn tiếp cận, NKT đi xe lăn không thể vào
Cửa phòng vệ sinh dành cho NKT quá nhỏ so với quy chuẩn tiếp cận, NKT đi xe lăn không thể vào

Cửa phòng vệ sinh dành
cho NKT quá nhỏ so với quy chuẩn tiếp cận, NKT đi xe lăn không thể vào
NKT ngồi xe lăn phải chồm người về phía trước mới với tới vòi nước vì không gian bên dưới bồn rửa không trống để xe lăn luồng vào

Ngoài ra, trong phòng vệ sinh dành cho NKT cũng không có nhiều yếu tố khác có quy định trong quy chuẩn như: Không có bảng hướng dẫn sử dụng tay vịn (vốn được dựng thẳng lên tường, rất khó thấy, cần níu ra mới dùng được); Không có những ký hiệu bằng chữ nổi để người khiếm thị nhận biết; Không có hệ thống báo động nhằm giúp NKT cần trợ giúp khi gặp sự cố; Người ngồi xe lăn không thể tự xoay trở do không gian phòng vệ sinh hẹp… Đặc biệt là thái độ của nhân viên nhà vệ sinh chưa thân thiện và chưa biết cách hỗ trợ NKT.

Sau kết quả khảo sát trên, DRD đã có văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng và nhà tài trợ xây dựng các nhà vệ sinh trên có sửa đổi cho phù hợp với Quy chuẩn Xây dựng đảm bảo NKT tiếp cận sử dụng (TCVN 2009), tạo điều kiện cho NKT hòa nhập vào cộng đồng một cách toàn diện, hỗ trợ NKT phát huy khả năng của mình để đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước.


Một công trình đúng Quy chuẩn xây dựng cho NKT tiếp cận (Nguồn video: DRD)

Bà Lưu Thị Ánh Loan, Phó giám đốc DRD cho rằng: “Được biết thời gian tới, nhà tài trợ là Sacombank sẽ tiếp tục phối hợp cùng Sở GTVT TPHCM xây dựng thêm 8 nhà vệ sinh tương tự trên địa bàn TPHCM. Việc bố trí phòng vệ sinh dành riêng cho NKT cho thấy ngay từ đầu các đơn vị này đã quan tâm, cân nhắc đến việc cho NKT tiếp cận sử dụng. Do vậy, rất mong các đơn vị này để ý đến những bất tiện trên để có sửa đổi phù hợp, áp dụng đúng quy chuẩn xây dựng khi làm các nhà vệ sinh mới”.

Bài: Tùng Nguyên
Ảnh: Thanh Hoa