Trước thềm Đại hội Hội Nhà văn VII:
“Nhà văn cũng bị lây bệnh dịch vô cảm”
Là lời của nhà văn Võ Thị Hảo trao đổi với phóng viên trước thềm Đại Hội Nhà văn VII (23-25/4) diễn ra tại Hà Nội. Cùng với nữ văn sĩ này, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cũng bày tỏ những quan điểm của mình đối với một số “điểm nóng” trong đời sống văn học hiện nay.
Anh (chị) nghĩ sao khi ở đất nước hơn 80 triệu dân, một cuốn sách phát hành được vài ngàn bản đã được coi là thành công trong xuất bản?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Vài ngàn bản đó là một số lượng giả, không ai hiểu về nền xuất bản mà lại đi tin vào số lượng bản in đề trên trang cuối sách ấy. Công thức tính là thế này, số bản in công bố + số bản in lậu của người kinh doanh + số bản in lậu do những cơ sở in lậu ngoài luồng = số bản in thực tế. Thực tế có thể là cả vạn bản, nhưng ngay cả vạn bản thì vẫn phi lý với một đất nước hơn 80 triệu dân. Điều này chứng tỏ nền văn hóa đọc và thị trường xuất bản phẩm của chúng ta đang có vấn đề. Nhà văn đang không được bảo vệ trước thị trường mà họ bị bóc lột. Điều đó làm nhiều cây bút nản lòng.
Thực sự chúng ta là một nước nghèo, đa phần đang mê mụ trong tâm lý đòi hỏi phải “hưởng thụ cấp bách” sau chiến tranh nên văn hóa cung ứng cho thị hiếu đang lấn át. Nhưng rồi đã đến lúc chính nền văn hóa nghe nhìn cũng thấy sau lưng mình trống trải và chính nền văn hóa nghe nhìn cũng không thể khỏe mạnh nếu không tựa trên đôi chân của nền văn hóa đọc. Điều này không đáng ngại. Bạn đọc rồi sẽ tự tìm lấy những món đặc sản mà họ không được ăn trong bữa tiệc nghe nhìn.
|
Tuy nhiên, cũng phải thành thực mà nói rằng, nếu coi sách là một loại hàng hóa thì tính cạnh tranh trong sách văn học của chúng ta quá kém. Tôi nghĩ, chúng ta phải tăng cường tính cạnh tranh của sách văn học bằng cách viết hay, sắc sảo, và đặc biệt là nên trao quyền cho các NXB để họ được tự do cạnh tranh.
Hội Nhà văn có hơn 800 hội viên, thế nhưng hằng năm số tác phẩm ra đời khá là khiêm tốn, lại chưa gây được tiếng vang, kể cả những cuốn đoạt giải thưởng. Có cách nào để lý giải thỏa đáng tình trạng này?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Có tài thì mới có văn chương thực sự. Văn phải là tài, tài đâu dễ kiếm. Lưu Bị ngày xưa “tam cố thảo lư” mới cầu nổi người tài, cả triệu người lấy một người tài đã khó, huống gì chưa tới 1.000 nhà văn đang phải chống chọi với áo cơm, với nạn in lậu sách... với trăm ngàn thứ khiến nhiều lúc muốn bẻ bút quên nghiệp văn chương! Còn giải thưởng của hội? Thực ra vấn đề đích thực của giải thưởng là phải có một BGK thẩm mỹ tốt, cập nhật, vô tư, công bằng, tận tụy với tinh thần “đốt đuốc tìm kiếm nhân tài” để vinh hạnh trao giải thưởng thế mới là sang trọng, không phải là mang tính ban ơn hoặc phiến diện. Chừng nào còn chưa có một BGK đốt đuốc..., giải thưởng đa phần chỉ là “thưởng giải” mà thôi.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Sách hay hoặc dở, hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng, bút lực của từng nhà văn. Thật công bằng mà nói, văn học mình, nhất là lớp trẻ, không phải không có những manh nha của tài năng. Chỉ tiếc, nó không được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển.
Ai cũng biết nhà văn tồn tại qua xuất bản, thế nhưng mọi người đều nhận thấy một nghịch lý là đầu nậu làm được sách hay còn những người làm xuất bản lại không làm được. Trong khi đó, rất ít khi Hội Nhà văn, một hội nghề nghiệp, chịu đứng ra bảo vệ hội viên của mình. Ngay khi một tác phẩm được hội trao giải rồi chính hội lại tự phê việc trao giải của mình.
Trong khi đó, văn đàn lại thiếu những tác phẩm văn học đương đại có giá trị, nạn tham nhũng chưa được phản ánh đúng tầm, tình trạng thanh niên hút chích, dùng thuốc lắc hứa hẹn gây được chú ý nhưng lại ít được đề cập. Có phải là bây giờ nhà văn ngại va chạm cuộc sống không?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Có tình trạng ngại va chạm, nhưng không phải là nguyên nhân chính. Nguyên nhân chính là ngay cả nhà văn cũng bị lây bệnh dịch vô cảm đang thoán đoạt trong xã hội và thiếu tính chuyên nghiệp. Cũng thiếu một thị trường sách lành mạnh trong đó tác quyền được bảo vệ...
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Đề cập đến đề tài hiện đại là đề cập đến cái đang vận động, cái đang định hình. Đa phần nhà văn của chúng ta chưa bắt kịp được cái mới, vì nó khác về chất những gì chúng ta đã quen, rất nhiều người bỡ ngỡ không làm quen được. Một số nhà văn trẻ rất nhanh nhạy về ngôn ngữ, giọng điệu nhưng tiếc rằng sự cổ vũ cho người viết thì rất ít.
Còn một điều trăn trở nữa của đời sống văn học hôm nay, đó là những nhà văn có tên tuổi thì gác bút, còn những nhà văn trẻ thì xuất hiện và biến mất với tốc độ chóng mặt. Anh (chị) nghĩ sao về điều này?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Chuyện bình thường thôi mà. Viết hay, có tên tuổi rồi không viết được nữa hoặc không thích viết nữa; xuất hiện và được lăng xê trên bầu trời rồi đột nhiên vụt tắt, đó là chuyện muôn thuở của bất cứ lĩnh vực nào, đặc biệt là lĩnh vực ngặt nghèo như văn chương. Có thể họ đang nuôi tác phẩm để một ngày nào đó xuất hiện tác phẩm chói lọi hơn. Thời gian sẽ thử thách và chọn lọc. Đó chính là ân phước của nghề này.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Tôi nghĩ các nhà văn thiếu tính chuyên nghiệp. Chúng ta phải coi văn chương là nghề sống chết với mình, có những thao tác, kinh nghiệm buộc người ta phải đọc mình. Một số người già bút lực tuôn hết ra rồi thì tất nhiên phải cạn đi. Còn lớp trẻ thì coi văn chương như một nghề thích làm thì làm, có thể bỏ bất cứ lúc nào, vì họ hiểu rằng sau tác phẩm đầu tay mình khó có thể đi xa hơn. Có thể tóm lại một câu là thiếu tính chuyên nghiệp, phát triển tự phát.
Theo Hoàng Lan Anh
Người Lao Động