1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nhà trẻ "lậu": càng nuôi, trẻ càng còi !

Cái chết thương tâm của cháu T.Q.N (10 tháng tuổi, nhà ở Q6) do sặc cháo tại một nhà giữ trẻ tư nhân làm những người mẹ có con ở tuổi mẫu giáo giật mình hoảng hốt. Thế nhưng bất chấp dư luận, tại các khu công nghiệp, các quận vùng ven, nhà trẻ “lậu” vẫn ồ ạt ra đời.

Sáng 14/5, chúng tôi tiếp xúc với nhóm nuôi dạy trẻ có tên M.L trên đường 30 Tháng 4 (phường T.T, Q.Tân Phú). Khác với các trường mẫu giáo chính quy mở lớp nuôi dạy trẻ theo lứa tuổi, tại đây thu nhận trẻ từ 4 tháng đến 5 tuổi, tổng cộng có 27 cháu với 2 cô giáo. Vì số lượng trẻ đông nên các cháu tự do sinh hoạt.

 

Cảnh tượng bé đứng, bé nằm, bé tiểu tiện, bé khóc nhè khiến hai cô giữ trẻ khó mà kiểm soát nổi. Chỉ một tô cháo, cô nuôi trẻ không ngại thọc muỗng đút vào miệng cháu này rồi lập tức chĩa sang miệng cháu kia để cho nhanh gọn, rất dễ làm các bé nhiễm bệnh do sự phát tán của siêu vi khuẩn. Mạnh ai nấy sinh hoạt, nhiều bé đái dầm ngay trong khuôn viên được dùng làm chỗ ngồi, chỗ nằm chung cho các bé.

 

Khẩu phần ăn tại đây không chia theo lứa tuổi mà được nấu đại trà khiến nhiều cháu khóc thét lên không chịu ăn quay ra sàn nằm ngủ cạnh mùi tanh nồng của thức ăn, mùi hôi từ các bãi nước tiểu mà gối nằm thì chẳng thấy đâu. Một vài bé còn giữ nguyên cái quần ướt mèm vì cô đâu có rảnh mà thay! Không chỉ phụ nữ mà ngay cả đàn ông thất nghiệp cũng có thể trở thành “bảo mẫu”. Lớ ngớ vài lần rồi cũng xong, chị X (nhà trẻ Y trên đường Lê Văn Phan, phường Phú Thọ Hòa, Q.TP) cho biết rồi hả hê chỉ tay vào ông chồng đang đút cháo cho một cháu gái 16 tháng tuổi.

 

Vừa đút cháo anh vừa nhả khói thuốc xộc thẳng vào mặt cháu bé. Đúng 3 muỗng cháo, bé bị sặc trào cả cháo ra ngoài. Anh lại dùng tay quẹt cháo ở miệng cháu rồi chuẩn bị muỗng kế tiếp. Giật mình trước kiểu nuôi trẻ tùy tiện, chúng tôi hỏi đến giấy phép mở nhà trẻ thì cô X cho biết đang xin phường, còn hiện tại chưa có; nhưng khi tiếp xúc với bà con khu phố thì được biết nhà trẻ này đã mở được mấy năm nay rồi.

 

Sang đường Vườn Lài (quận Tân Phú), nơi tập trung khá đông nhà giữ trẻ tư nhân. Đây hoàn toàn là các cơ sở chui, phục vụ công nhân tại khu công nghiệp. Nền nhà bẩn, đã vậy nhà trẻ gì mà chỉ toàn mở nhạc tình yêu, các bé thì cứ đứng ngóng ra đường đầy bụi trong khoảng không gian chật hẹp. Thậm chí như nhà trẻ X (Q. Bình Tân) nhận nuôi 30 trẻ mỗi ngày trong căn phòng diện tích không đầy 30 mét vuông. Đây là điểm giữ trẻ bị hàng xóm phản đối nhiều nhất do ba mẹ con bà S làm chủ.

 

Họ nhận giữ trẻ mà ít khi màng đến sức khỏe lẫn cách giáo dục trẻ. Anh Ph, nhà kế cận, cho chúng tôi biết không hiểu rõ dạy dỗ kiểu gì mà chỉ toàn đánh cháu, suốt ngày chúng tôi chỉ nghe tiếng trẻ khóc. Độ 3-4 giờ chiều, khi người yêu cô giáo (con bà S) đến là lập tức cô ta buông trẻ, ra trò chuyện với người yêu. Có khi cô còn ôm hôn chàng trước cái nhìn ngạc nhiên ngơ ngác của các bé...

 

Để thành lập một cơ sở nuôi trẻ, quả thật quá dễ tại các khu vực đông dân cư. Thông thường nhiều thành viên trong gia đình dùng ngay nhà ở làm mặt bằng để giữ trẻ. Chẳng cần bằng cấp hay kinh nghiệm, không đợi cấp phép, họ sắm một vài thứ thật cần thiết như: ghế súp, chén - tô nhựa, gối, bô... rồi công khai treo bảng “nhận giữ trẻ” với cái giá dao động từ 150.000 đến 250.000đ/tháng tùy vào số buổi các bé ăn trong ngày, sau đó mọi thành viên trong gia đình thi nhau đổi ca chăn trẻ.

 

Khi chúng tôi đề cập đến chế độ dinh dưỡng, rất ít “bảo mẫu” biết về khái niệm này. Họ cho các bé ăn uống theo cảm tính. Nhiều hộ còn không ngần ngại cho biết thức ăn tùy vào mỗi buổi chợ, thấy gì rẻ là mua, thậm chí trái cây chín quá, tôm cá hơi ươn một chút cũng chả sao. Đó là xu hướng chung của các nhà trẻ lậu hòng kiếm thêm lợi nhuận.

 

Hậu quả là đa số cháu bị suy dinh dưỡng, tay chân khẳng khiu, cơ thể còi cọc nhưng “bảo mẫu” vẫn khoe cháu lên ký hơn hồi mới vào nhiều! Tội nhất là các bé chưa qua một năm tuổi, vì kế sinh nhai, cả bố mẹ phải đi làm công nhật nên các bé sớm được đưa vào nhà trẻ, ăn uống thiếu chất (trung bình mỗi ngày bé ăn 5.000đ) nên nhiều bé chỉ biết bò, lết trên nền nhà. Khi trẻ khóc vì đói thì được nhét ngay núm vú giả, thi thoảng được “bảo mẫu” dặm cho bình sữa của một bé con khác. Có điểm giữ trẻ còn mở nhạc đùng đùng để át tiếng trẻ khóc la. Cứ như thế, nhiều nhà trẻ chui trở thành lò luyện cho các bé chóng còi.

 

Không hát hò, học bảng chữ cái, những hiểu biết cơ bản về màu sắc, khối hình trở thành thứ xa xỉ tại các nhà trẻ lậu. Thế nhưng bố mẹ các bé vẫn không có sự chọn lựa nào khác bởi đồng lương có được chỉ đủ để đưa trẻ đến những nơi như thế này. Thành thử việc cho bé đến nhà trẻ chỉ giải quyết được vấn đề trông trẻ chứ họ cũng biết khá rõ con em họ vào đây chẳng được dạy dỗ gì.

 

Có phụ huynh khi đón con về thấy những vết bầm tím do con mình bị các bé lớn tuổi hơn ăn hiếp đã làm dữ nhưng cuối cùng vẫn đâu vào đấy. Đáng ngại nhất là tính pháp lý của nhà trẻ không hề được công nhận nhưng nhiều điểm giữ trẻ vẫn liên tục mở ra.

 

Theo Đinh Qúy Anh

Công An TPHCM