1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhà thầu xây dựng nước ngoài phải xin phép hoạt động tại Việt Nam

(Dân trí) - Với xấp xỉ 80% số phiếu tán thành trên tổng số đại biểu Quốc hội, chiều 18/6, Quốc hội chính thức thông qua toàn văn luật Xây dựng sửa đổi. Quan điểm phải thực hiện việc cấp phép hoạt động cho nhà thầu nước ngoài được bảo lưu.

Nhà thầu xây dựng nước ngoài phải xin phép hoạt động tại Việt Nam

Cụ thể, báo cáo giải trình, tiếp thu của UB Thường vụ Quốc hội trình trước khi đại biểu bỏ phiếu biểu quyết nêu rõ, có ý kiến cho rằng việc cấp giấy phép hoạt động cho nhà thầu nước ngoài ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài, chưa thực sự phù hợp với Luật đấu thầu mà Quốc hội mới thông qua.

UB Thường vụ Quốc hội viện dẫn, ở Việt Nam, hàng năm có khoảng 150 lượt nhà thầu nước ngoài vào thực hiện các công trình xây dựng, trong đó khoảng 90% thực hiện các công trình vốn FDI và các công trình không phải vốn nhà nước chưa được Luật đấu thầu điều chỉnh. Vì vậy, việc tăng cường quản lý đối với nhà thầu nước ngoài là cần thiết.

Việc quản lý nhà nước đối với hoạt động của nhà thầu nước ngoài là thông lệ quốc tế, thể hiện chủ quyền quốc gia của nước chủ nhà đối với hoạt động kinh doanh của pháp nhân nước ngoài. Qua nghiên cứu pháp luật của các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cho thấy, các nước này đều có những chính sách quản lý nhà thầu nước ngoài.

Ở Việt Nam, việc cấp giấy phép và quản lý nhà thầu nước ngoài hoạt động tư vấn xây dựng và xây lắp công trình đã được tiến hành nhiều năm nay, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, giúp cho các cơ quan nhà nước kiểm soát được tình hình và quản lý hoạt động của các nhà thầu nước ngoài. Quy định này đã được thực hiện ổn định, nghiêm túc, không ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài.

Do đó, UB Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ quy định này tại khoản 2 Điều 148.

Một nội dung được tiếp thu, chỉnh lý là về vấn đề phân loại dự án đầu tư xây dựng (Điều 49). Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng được phân loại theo quy mô, tính chất, loại công trình xây dựng và nguồn vốn sử dụng; Dự án đầu tư xây dựng được phân loại theo quy mô, tính chất, loại công trình xây dựng của dự án gồm dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án nhóm B, dự án nhóm C theo các tiêu chí quy định của pháp luật về đầu tư công; Dự án đầu tư xây dựng gồm một hoặc nhiều công trình với loại, cấp công trình xây dựng khác nhau.

Trước khi biểu quyết thông qua toàn văn dự thảo luật, Quốc hội cũng biểu quyết riêng về quy định phân loại đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư, ghi nhận kết quả trên 80% đại biểu tán thành các nội dung này.

P.Thảo