Nhà tái định cư: vừa ở vừa... run
Nằm ven đường Trần Đăng Ninh, khu di dân 5,3ha phường Dịch Vọng, Cầu Giấy là một trong những khu chung cư mới có vị trí đẹp nhất Hà Nội. Thế mà tại đây, hàng trăm con người đều có chung tâm trạng lo lắng và bức xúc bởi chất lượng nhà quá kém và cả cách hành xử vô trách nhiệm của Ban Quản lý dự án.
Hai nhà 6 tầng N13 và N14 nằm lọt thỏm cạnh 2 tòa nhà cao ngất ngưởng phía trước là nơi tái định cư của gần 100 hộ nguyên là dân phường Ngã Tư Sở và phường Thịnh Quang. Mặc dù đã đưa vào sử dụng từ tháng 1/2005, nhưng cho tới thời điểm này ngoài hai khu nhà, toàn bộ hạ tầng bên ngoài vẫn chưa có gì.
Con đường nối từ phố Trần Đăng Ninh vào khu nhà vẫn là đường đất lồi lõm, ngày nắng thì bụi mù mịt, ngày mưa thì lầy lội; hai bên vỉa hè dù đã được lát gạch nhưng do làm quá tạm bợ và cẩu thả nên gạch lát đã bung từng mảng.
Khắp 6 tầng nhà, sự cẩu thả của đơn vị thi công hiển hiện khắp nơi. Hầu như tầng nào cũng có những bức tường ngấm nước. Những cánh cửa bào nham nhở và không hiểu được đóng bằng loại gỗ gì, mặc dù đã được sơn phết khá dày nhưng vẫn không giấu được vết nứt vỡ, cong vênh, những chỗ nứt to quá, người ta đắp... xi măng vào rồi sơn lên. Nghe cứ như bịa, nhưng khi về nhận nhà, anh Sơn (phòng 201- N14) phải thay cửa vì bộ cửa đã bị... mối xông.
Mặc dù ngày mới về nhận nhà, ông Khánh (phòng 203-N13) đã phải bỏ ra mấy chục triệu để “đại tu” căn hộ nhưng cho tới lúc này vẫn chưa yên vì trần vẫn bị ngấm nước. Nhưng kinh khủng nhất là căn hộ của gia đình bà Đoàn Thị Nhâm (phòng 509). Dù ở tận tầng 5 nhưng để vào được nhà phải... xắn quần lội, vì sàn nhà nước ngập lênh láng.
Ngay cả bể chứa nước ngầm ở tầng một cũng bị hở. Khi nước được bơm vào gần tới miệng bể thì từ chỗ cửa, cách miệng bể gần 1m, bất ngờ nước từ dưới bắt đầu... phun lên. Hóa ra là nắp bể đã bị thủng mà đơn vị thi công không xử lý vẫn lát gạch lên.
Khi phát hiện ra việc này, bà con đã báo Ban QLDA nhưng không thấy họ cho người tới sửa chữa. Vì thế bà con cũng chẳng ai biết nước mình dùng hàng ngày được lấy từ bể ngầm này sạch đến mức nào vì nước từ dưới trào lên được thì chắc chắn nước bẩn từ trên cũng ngấm xuống được.
Nhớ lại những ngày đầu dọn nhà về đây, nhiều người dân vẫn bức xúc vì bị Ban QLDA “đem con bỏ chợ”. Ngày 20 tháng Chạp, hơn 60 gia đình với hàng trăm con người rời nhà ở Ngã Tư Sở dắt díu nhau về đây, nhưng điều kỳ cục là trong khi bắt dân đi khỏi nhà cũ, Ban QLDA lại không giao nhà mới. Vì vậy dọn về từ sáng sớm, nhưng các gia đình đành chất đồ đầy sân rồi cử người đi cãi vã gần một ngày với những người có trách nhiệm mới được nhận chìa khóa vào nhà. Nhận nhà rồi nhưng điện, nước lại không có.
Khi kiến nghị với chủ đầu tư và Hội đồng Giải phóng mặt bằng (GPMB) thì được trả lời không có quyền giải quyết. Bà con tìm sang Công ty Kinh doanh nhà là cơ quan quản lý thì được trả lời họ chưa nhận bàn giao chính thức công trình từ bên thi công nên không thể vận hành hệ thống điện, nước của khu nhà. Cứ đùn đẩy trách nhiệm như thế mà không ai lo cho đời sống của hàng trăm con người.
Phải hơn 10 ngày sau, trước sự thúc ép của dân, chủ đầu tư mới đại diện các gia đình ký hợp đồng với Chi nhánh Điện Cầu Giấy, lắp công tơ tới từng hộ. Nhưng chỉ thế thôi, còn điện chiếu sáng công cộng bên ngoài và cả hành lang thì vẫn không có vì sợ không ai trả tiền. Vì thế mỗi khi đêm xuống, đường vào khu di dân này vừa tối vừa bẩn như vào... xóm liều.
Cho tới lúc này, gần 100 hộ dân vẫn sống trong tình trạng bị bỏ rơi vì không có ai quản lý, không có tổ dân phố, hộ khẩu vẫn ở phường cũ. Khi cần xin chứng nhận giấy tờ gì không biết phải xin ở đâu vì phường cũ thì nói đã đi rồi họ không quản, phường mới thì chưa nhận, nhà cửa chỉ có mỗi tờ giấy tạm giao.
Khu tái định cư Xuân La: 2 năm ăn nước bẩn với giá nước sạch
Cùng chung tâm trạng với những người ở nhà N13-N14 Dịch Vọng còn có hơn 100 hộ thuộc diện di dân giải phóng mặt bằng Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây hiện đang tái định cư ở nhà A và D của khu tái định cư Xuân La 1. Khu nhà này được đưa vào sử dụng chưa đầy 2 năm đã xuống cấp.
Anh Nguyễn Đăng Sinh (phòng 402 nhà A) cho biết: để ở được, gia đình anh phải bỏ ra hơn 100 triệu để hoàn thiện lại căn hộ vì khi vừa mới nhận nhà xong thì nền nhà đã phồng rộp hết; vữa trát tường quá ít ximăng nên không thể đóng được cả cái đinh mắc màn! Khi thuê thợ đến bóc hết nền lên mới phát hiện ra lý do nền nhà bị bong là thay vì phải lót vữa ximăng thì người ta đã trộn vôi bột với cát rải bên dưới.
Hệ thống điện sinh hoạt ở đây mới thật là khủng khiếp, đường dây cứ chạy loằng ngoằng ngang dọc theo trần nhà. Hóa ra mãi tới khi dân về ở, người ta mới lắp điện. Vì tường đã xây bịt kín hết nên tới trước cửa nhà nào thì người ta khoan một đường ngay cạnh cửa rồi cắm dây vào. Để có một mũi khoan ấy, mỗi nhà phải trả 30 ngàn đồng cho người của Công ty điện. Chất lượng nhà cửa như vậy, nhưng giá nhà phía dự án bán cho dân không hề rẻ chút nào, tùy theo tầng mà giá từ 3,7 tới 5 triệu đồng/m2.
Không chỉ lo lắng về chất lượng khu nhà, suốt gần 2 năm qua, hơn 100 hộ dân ở đây luôn phải dùng thứ nước màu vàng đục. Anh Sinh cho biết gia đình anh về đây từ tháng 7/2004 và suốt từ đó đến nay tổng cộng chỉ khoảng hai tháng là được dùng nước trong, còn toàn phải dùng nước đục ngầu.
Theo những người dân ở đây, có hiện tượng rất lạ là cứ sau khi báo chí, đài truyền hình phản ánh chuyện nước không sạch hoặc có vị lãnh đạo thành phố nào đến kiểm tra thì ngày hôm sau nước trong vắt, nhưng cũng chỉ được 2 ngày thì lại như cũ (?).
Còn một nỗi bức xúc chung của người dân ở hai khu tái định cư, đó là cho tới lúc này họ vẫn chưa nhận được hết tiền đền bù GPMB. Toàn bộ dân ở nhà N13 và N14 hiện vẫn đang là chủ nợ của Ban QLDA và Hội đồng đền bù GPMB, nhà ít vài chục triệu, nhà nhiều tới vài trăm triệu mà chưa biết bao giờ mới được thanh toán.
Còn tại nhà A Xuân La, hầu hết các hộ cũng chưa được nhận đủ tiền đền bù, trong khi những nhà phải bù tiền để nhận nhà thì Ban QLDA bắt trả ngay nếu không sẽ tính lãi. Rõ ràng đây là việc chiếm dụng vốn của dân, trong khi người dân không biết thời gian chậm trễ này có được thanh toán lãi suất không?
Theo Nguyễn Thiêm
Công An Nhân Dân