1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nhà sử học Dương Trung Quốc: “Tôi bất ngờ khi thành nhà Mạc bị biến dạng”

(Dân trí) - “Tôi vô cùng bất ngờ và ngạc nhiên khi nhìn hình ảnh thành nhà Mạc bị biến dạng một cách kỳ quặc. Nghe người ta gọi thành nhà Mạc là cái “lò gạch” mà tôi thấy chua xót quá. Cần khôi phục lại thành nhà Mạc” - Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ.

Thành lũy nhà Mạc - một chứng tích của lịch sử Việt Nam đã tồn tại gần nửa thiên niên kỷ, sau cuộc trùng tu chớp nhoáng và “cẩu thả” của chính quyền tỉnh Tuyên Quang kiến trúc này bị biến dạng nghiêm trọng và được người dân địa phương gọi ví von là cái… “lò gạch” một ngày tuổi.
 
Nhà sử học Dương Trung Quốc: “Tôi bất ngờ khi thành nhà Mạc bị biến dạng” - 1
Nhà sử học Dương Trung Quốc: "Tôi thấy xót xa và chua chát
khi nghe người ta gọi thành nhà Mạc là cái "lò gạch""

Thành nhà Mạc có ý nghĩa và giá trị như thế nào đối với lịch sử dân tộc Việt Nam thưa ông?

Chính sử đều gắn với 1 triều đại lịch sử nhất định. Năm xưa, nhà Lê không coi nhà Mạc là 1 triều vì nhà Mạc chống lại nhà Lê, dưới sự chống trả của nhà Lê, nhà Mạc buộc phải đi tìm vùng đất mới và xây dựng căn cứ ở đó, đây cũng là thời kỳ hình thành thành nhà Mạc.

Thực tế, những cuộc tranh chấp giữa các thế lực của các triều đại không phải là chuyện lạ, nhưng quan trọng hơn là lịch sử đã ghi nhận rằng thời nhà Mạc trị vì đánh dấu những bước phát triển đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế và nghệ thuật.

Mới đây có một Hội thảo về nhà Mạc, hội thảo này đã đánh giá về vị thế của nhà Mạc và khẳng định nhà Mạc là một bộ phận của lịch sử dân tộc. Lịch sử là lịch sử và chúng ta phải có trách nhiệm lấy lại sự công bằng của lịch sử, chúng ta phải coi thành nhà Mạc đã tồn tại trên dưới nửa thiên niên kỷ là 1 công trình kiến trúc lịch sử gắn liền với triều đại nhà Mạc.

Trùng tu di tích bị xuống cấp là cần thiết, nhưng trùng tu để “biến” công trình kiến trúc lịch sử của dân tộc đã tồn tại hơn 400 năm thành 1 cái “lò gạch” mới toe, ông có đánh giá gì?

Tôi đã đến thăm quan thành nhà Mạc, nhìn là thấy tự bản thân thành đã đẹp và có hồn. Thành nhà Mạc là một phế tích, là chứng tích của một triều đại đã qua, của con cháu họ Mạc.

Nhưng hôm qua (23/9), khi nhận thông tin trùng tu tôn tạo thành nhà Mạc từ báo chí, nhìn thấy những hình ảnh thành cổ bị biến dạng một cách kỳ quặc sau khi trùng tu tôi thực sự bất ngờ và rất ngạc nhiên. Ngay sau đó, tôi bốc điện thoại và gọi ngay cho ông Thế Hùng (Cục trưởng Cục Di sản) và ông ấy cũng trả lời rất ngạc nhiên về điều này…

Bây giờ không còn là cái buổi sơ khai nữa, chúng ta có Luật Di sản, có đội ngũ chuyên gia, có cả một hệ thống quản lý từ Trung ương đến địa phương, vậy mà việc trùng tu công trình thành nhà Mạc diễn ra với cách làm như vậy là không thể chấp nhận được.
 
Nhà sử học Dương Trung Quốc: “Tôi bất ngờ khi thành nhà Mạc bị biến dạng” - 2
Thành nhà Mạc lúc chưa trùng tu (ảnh: Báo Lao Động)

Nghe người dân ví von gọi thành nhà Mạc là cái “lò gạch”, ông có suy nghĩ gì về điều này?

Tôi nghe mà trong lòng thấy xót xa và chua chát lắm! Tôi cho rằng đây là một điều rất đáng tiếc. Đứng ở góc độ là một nhà nghiên cứu tôi cảm thấy chạnh lòng về điều này, thấy trách nhiệm của mình cần phải làm gì đó vì sự trường tồn của lịch sử.

Sự chắp vá, đắp mới của công cuộc trùng tu đã phá vỡ những giá trị kiến trúc, nghệ thuật vốn có của thành cổ. Người ta đã cố tình làm xấu, làm biến dạng và làm mất đi cái hồn của thành nhà Mạc. Trước khi làm phải lấy ý kiến của nhân dân, phải thống nhất với nhân dân chứ không thể làm như thế này được. Rõ ràng, luật có rồi, dư luận cũng rất mạnh mẽ nhưng sự việc vẫn diễn ra.

Hiện nay những di tích có giá trị lịch sử đặc biệt như thành nhà Mạc không còn nhiều, chúng ta phải tìm cách, phải có trách nhiệm giữ gìn và bảo tồn những di sản của dân tộc và lịch sử.

Việc trùng tu đã có chủ trương từ năm 1996 và được phê duyệt năm 2007 với nguyên tắc trùng tu nhưng “phải tận dụng, sử dụng loại vật liệu xây dựng của di tích gốc đã có; nghiêm cấm không được làm thay đổi, biến dạng di tích gốc và phải đảm bảo giữ nguyên di tích gốc hiện có”, thế nhưng chủ trương một đằng mà làm một nẻo. Theo ông, trách nhiệm này thuộc về ai?

Theo tôi, điều tiên cần xem xét là bộ máy điều hành, vì chủ trương đề ra là hết sức đúng đắn nhưng quá trình thực hiện lại để xảy ra tình trạng di tích bị biến dạng như vậy thì chắc chắn có vấn đề.

Thứ 2, theo tôi biết những công trình như thành nhà Mạc thuộc phạm vi quản lý cấp Bộ, vậy với việc này Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có sự giám sát chặt sẽ hay chưa? Thứ 3, phải đi sâu phân tích xem sai đến đâu và phải có điều tra cụ thể.

Trùng tu 1 công trình văn hóa ngót ngét gần 10 tỷ đồng, số tiền này có quá lớn không, thưa ông?

Có 1 thực tế là hiện nay người ta hay nhìn di sản văn hóa giống như những công trình kinh tế, điều đó cũng tạo nên áp lực là càng rót nhiều tiền càng tốt, mà đã có nhiều vốn thì đôi khi còn xảy ra chuyện bôi việc ra mà làm. Những điều này cần phải điều tra rõ, còn nếu chỉ nhìn sản phẩm cuối cùng của quy trình trùng tu thành nhà Mạc thì rõ ràng là thấy rất ẩu.
 
Nhà sử học Dương Trung Quốc: “Tôi bất ngờ khi thành nhà Mạc bị biến dạng” - 3
... trở thành cái "lò gạch" sau khi trùng tu (ảnh: Báo Lao Động)

Hiện có cách nào để “cứu” thành nhà Mạc, thưa ông?

Chiều nay (24/9) tôi tham dự cuộc họp về công tác di sản nói chung ở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tôi sẽ đưa ra việc trùng tu thành nhà Mạc và yêu cầu làm rõ vấn đề này. Nếu không làm rõ thì càng tạo ra những phản cảm cho người dân và không phát huy được hiệu lực của Luật Di sản.

Tôi nghĩ đến việc phải phục hồi lại thành nhà Mạc chứ không thể để như thế này được, không thể để người ta gọi thành là cái “lò gạch” được. Phải dỡ những viên gạch làm biến dạng thành cổ, còn những chỗ bị đổ vỡ, bị hỏng thì phải tôn tạo, nhưng nhất định phải giữ lại nguyên trạng kiến trúc của thành cũ.

Tôi nghĩ, rất nhiều người bất bình khi mà thành nhà Mạc bị “biến” thành cái “lò gạch”, chắc chắn họ cũng sẽ lên tiếng.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Châu Như Quỳnh (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm