Nhà sai phép: Phá bỏ hay cho tồn tại?
(Dân trí) - Lãnh đạo thành phố Hà Nội chiều qua, 5/2, đã thống nhất hai phương án xử lý các công trình sai phép để trình Thủ tướng. Một là phá bỏ toàn bộ phần vi phạm; hai là cho tồn tại nhưng phạt thật nặng để răn đe.
“Mất tiền bạc, được kỷ cương”
Giám đốc Sở xây dựng TP Hà Nội Đỗ Xuân Anh đề xuất 3 phương án xử lý các công trình vi phạm bị phát hiện gần đây: Để chủ công trình tự phá dỡ; Tịch thu, xung công; Phạt kinh tế và cho tồn tại. Việc áp dụng phương án nào cho trường hợp nào sẽ là nhiệm vụ của Hội đồng kiến trúc sư thành phố. Hội đồng sẽ xem xét, đánh giá và đưa ra tư vấn hợp lý.
Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố không đồng tình việc giao Hội đồng kiến trúc sư đề xuất cách xử lý từng trường hợp vì Hội đồng chỉ là đơn vị tư vấn, giá trị pháp lý không cao. Chính chủ đầu tư phải lo chứng minh tính hợp quy hoạch, độ bền vững, an toàn của công trình.
Thanh tra thành phố thì cho rằng công trình đầu tiên đã bị “xử” là nhà 221-223 Bạch Mai; vậy không lý gì các công trình còn lại không bị xử lý.
Theo số liệu, 4.000/7.000 công trình thanh tra phát hiện sai phạm. Con số này chứng tỏ công tác quản lý quá lỏng lẻo từ thành phố tới cấp cơ sở. Thành phố chưa quy được trách nhiệm cho từng cấp, từng lĩnh vực quản lý.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Triệu khẳng định ngay: “Trách nhiệm trực tiếp của chủ đầu tư và trách nhiệm của người để xảy ra sai phạm rất rõ ràng, không có gì phải bàn”. Ông Triệu nhấn mạnh, việc xử lý nghiêm những công trình vi phạm trước mắt sẽ có tác dụng ngăn chặn hàng nghìn trường hợp “có ý định” vi phạm.
Tuy nhiên, nếu “xử” thẳng tay sẽ gây lãng phí tiền của. Nhiều vị tỏ ý băn khoăn về vấn đề này song Chủ tịch thành phố lại rất cương quyết: “Cái mất là mất một số tiền bạc hữu hiệu, nhưng cái được là kỷ cương của cả Thủ đô”.
Bí thư Thành uỷ Phạm Quang Nghị cũng nhấn mạnh cần xử lý công bằng đối với các trường hợp vi phạm. Ông phân tích, lỗi do chủ công trình cố ý vi phạm: xử theo luật; lỗi do buông lỏng quản lý, tiêu cực: xử lý cán bộ; lỗi do chế tài xử phạt không đủ sức răn đe: đề nghị xin ý kiến Chính phủ.
Cho tồn tại - phạt bao nhiêu?
Chủ tịch Nguyễn Quốc Triệu yêu cầu, với những công trình vi phạm nghiêm trọng mới bị phát hiện như công trình số 4 Đặng Dung, số 2 ngõ 31 Nguyễn Chí Thanh, số 9 Đào Duy Anh, nếu có ý định xử lý kinh tế cũng phải xem xét để không ảnh hưởng đến quyết tâm chung.
Đã phạt là phạt nặng mới đủ sức răn đe. Chẳng hạn như trường hợp số 9 Đào Duy Anh, nếu xử phạt kinh tế thì ít nhất phải lấy giá 2 triệu đồng/m2 diện tích sàn vi phạm. Như vậy, với 15.000 m2 vi phạm, công trình này sẽ bị phạt gần 30 tỉ đồng.
Bí thư Phạm Quang Nghị thống nhất quan điểm này vì phạt là để thiết lập kỷ cương, mức phạt phải ít nhất bằng phần lợi nhuận mà chủ đầu tư xác định thu được khi xây dựng “thêm nếm”.
Thẩm quyền và chế tài áp dụng cho mức phạt kinh tế này sẽ được trình xin ý kiến Thủ tướng trong thời gian sớm nhất.
Phương Thảo - Cấn Cường