Nhà ở cho người thu nhập thấp: Quá khó!
Sau nửa năm UBND TPHCM ban hành quyết định cho người có thu nhập thấp vay tiền mua nhà từ Quỹ Phát triển nhà ở, đến nay mới chỉ có 35/69 hồ sơ được duyệt cho vay với số tiền khoảng 5,5 tỉ đồng. Con số trên quá ít so với nhu cầu thực tế về nhà ở của người dân.
Điều kiện quá khắt khe
Quá thất vọng khi bước ra khỏi trụ sở Quỹ phát triển nhà ở TPHCM (QPTN), chị Minh Phương (công tác trong ngành công an, đang ở nhà thuê) bức xúc: “Có thông tin về chương trình cho cán bộ công chức vay tiền mua nhà, vợ chồng tôi rất mừng vì đây là cơ hội để có được căn hộ riêng cho gia đình. Thế nhưng, khi đến đây mới biết mình chưa đủ các điều kiện được vay, mặc dù đã được ưu tiên là cán bộ công tác lâu năm”.
Lý do duy nhất mà chị không vay được tiền là căn hộ tập thể gia đình chị đang thuê ở gồm 4 người với diện tích khoảng 40m2, tính bình quân mỗi người trên 8 m2/người, trong khi điều kiện để được vay là nhà đang ở có diện tích dưới 8 m2/người.
Vợ chồng anh Thịnh, giáo viên cũng đang thuê nhà tại quận 2, cho biết, theo quy định, chỉ được vay tối đa 100 triệu đồng. Với thu nhập eo hẹp của gia đình anh, có bù thêm tiền vào cũng không thể đủ để mua nhà ở.
Trường hợp anh Phan Trí, đang ở nhà người quen tại quận 9, hiện công tác tại một đơn vị sự nghiệp của TPHCM, cũng không vay được đơn giản vì anh chưa có hộ khẩu.
Giải pháp nào cho người có thu nhập thấp (TNT)?
Giải thích nguyên nhân rất ít người TNT được vay tiền mua nhà, Phó Giám đốc QPTN Đỗ Kim Thúy cho rằng, ngoài những cản ngại nêu trên, một nguyên nhân khác là hiện nay quỹ nhà dành cho TNT rất ít so với nhu cầu. Mỗi căn hộ chung cư hiện có giá không dưới 500 triệu đồng, người TNT không với tới. Để tìm được căn nhà có trị giá 300 - 400 triệu đồng trong thời điểm này tại TP quả không dễ, trong khi QPTN chỉ có thể cho vay tối đa 70% giá trị căn nhà, với mức tối đa là 200 triệu đồng.
Để tháo gỡ vấn đề này, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM Trương Lâm Danh kiến nghị: Cần nới rộng điều kiện cho vay đối với người TNT. Trước mắt, đề nghị bỏ ngay quy định nhà đang ở bình quân dưới 8 m2/người, vì quá vô lý, nhất là đối với người ở nhờ, ở thuê.
Khi cân đối được nguồn quỹ thì nên mở rộng đối tượng và nới rộng thời gian vay để người TNT có thể vay 15-20 năm thay vì 10 năm như hiện nay. Số tiền vay cũng có thể nâng lên cao hơn để phù hợp với giá thị trường. Để giải quyết căn cơ nhà ở cho người TNT, nhà nước cần có cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở giá rẻ hoặc tạo Quỹ nhà ở xã hội để người TNT thuê dài hạn hay trả góp trong thời gian dài.
Theo Hồ Việt
Sài Gòn Giải Phóng