1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Nhà nước “đau đầu”, cán bộ “run tay” vì Luật bồi thường

(Dân trí) - Dự Luật bồi thường nhà nước được đưa ra thảo luận trong phiên họp toàn thể chiều 21/5 ghi nhận nhiều băn khoăn về trách nhiệm cũng như khả năng bồi thường của nhà nước và người thi hành công vụ làm oan cho công dân…

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của UB Thường vụ QH, vấn đề còn nhiều băn khoăn nhất liên quan đến dự luật là phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Theo dự thảo luật, các tổ chức cá nhân chịu thiệt hại do người thi hành công vụ gây nên trong hoạt động hành chính, thi hành án và tố tụng sẽ được bồi thường thiệt hại.
 
Nhà nước “đau đầu”, cán bộ “run tay” vì Luật bồi thường  - 1
Toàn cảnh buổi thảo luận toàn thể (Ảnh: Việt Hưng)

Về phạm vi được bồi thường, có 2 luồng ý kiến, “khoanh” lại các trường hợp bồi thường cho người bị oan và hướng mở rộng hơn, áp dụng cả với những người bị sai do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng gây ra. UB Thường vụ QH cho rằng, trong thời điểm hiện nay, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm còn nhiều phức tạp, do vậy, chỉ nên giới hạn trách nhiệm bồi thường cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự mà chưa mở rộng đối với các trường hợp bị sai.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận trình bày quan điểm, việc đánh giá đúng - sai không đơn giản. Trong hoạt động tố tụng hình sự, việc đánh giá chứng cứ, xác định hành vi phạm tội, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, lượng hình… phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có trình độ, năng lực, niềm tin nội tâm của người tiến hành tố tụng.

Do đó, UB Thường vụ chỉ đề nghị QH luật hoá các quy định của Nghị quyết 388 giới hạn quyền được bồi thường của người bị oan và người bị thiệt hại.
 
Về nguồn kinh phí đảm bảo trách nhiệm bồi thường, dự thảo Luật trình kiến nghị thành lập Quỹ bồi thường nhà nước ở trung ương do Bộ Tài chính quản lý. Cũng có ý kiến khác đề nghị lấy nguồn ngân sách dự phòng làm kinh phí bồi thường. Tuy nhiên, theo trách nhiệm hoàn trả, người thi hành công vụ có hành vi sai phạm gây thiệt hại cho người bị hàm oan phải bỏ tiền túi đền lại khoản kinh phí này tuỳ theo mức độ lỗi.
 
Nhà nước “đau đầu”, cán bộ “run tay” vì Luật bồi thường  - 2
"Dính" bồi thường, người thi hành công vụ cũng "run tay". (Ảnh: TTXVN)

Vẫn khúc mắc về việc xác định lỗi để định trách nhiệm bồi thường, hoàn trả, đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) nêu ngay ví dụ từ quy định cấm xe máy chở gia súc gia cầm bị “thổi còi” của Hà Nội vừa qua. Ông Xuân đặt trường hợp, quy định này được áp dụng khi đó, cán bộ quản lý thị trường “tuýt” người chở gà vịt để xử phạt hành chính. Xong xuôi mới có phán quyết về việc văn bản sai, phải rút lại. Khi đó thiệt hại đã xảy ra, người dân bị thu giữ tài sản, bị xử phạt thì không lẽ không được bồi thường?

Một số đại biểu khác cũng tỏ ra lo xa, áp dụng luật này, công chức nhà nước sẽ “run tay” lảng tránh việc, không dám quyết vì sợ trách nhiệm, sợ bồi thường. Theo các đại biểu, việc này có thể gây tác dụng ngược, làm hạn chế khả năng đấu tranh với những việc làm sai phạm, nhất là tội phạm.

Theo dự kiến, Luật Bồi thường nhà nước sẽ được xem xét thông qua trong kỳ họp này.

P.Thảo