Nhà nước cần phối hợp ngay với Phật giáo để bỏ tục đốt vàng mã!
(Dân trí) - PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị bỏ tục đốt vàng mã tại các nơi thờ tự Phật giáo là rất tích cực. Tuy nhiên, việc đốt vàng mã thuộc về phong tục tập quán, là “quán tính” của nhiều người nên rất khó “gột rửa” ngay.
Mới đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị chư Tôn đức Tăng Ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Liên quan đến nội dung này, sáng nay (23/2), phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trịnh Hòa Bình – Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học).
PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, đề nghị bỏ tập tục đốt vàng mã của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói trên là rất tích cực, nhà nước và toàn xã hội cần ủng hộ để thực hiện vấn đề này.
“Nếu nhìn nhận vấn đề này trên bình diện xã hội thì rõ việc đốt vàng mã rất ảnh hưởng đến môi trường, thậm chí có người còn chứng minh rất lãng phí vì tốn kém về mặt kinh tế. Còn đứng trên bình diện của nhà Phật mà người ta cũng tán đồng, đề nghị bỏ thì đó là một ý kiến rất tích cực, đây cũng là cơ sở để chúng ta thực hiện vận động trong toàn dân để bỏ tập tục đốt vàng mã” – PGS.TS Trịnh Hòa Bình nêu quan điểm.
Tuy nhiên, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, việc bỏ ngay tập tục đốt vàng mã là không hề đơn giản. Bởi theo ông, tục đốt vàng mã có từ bên lương, từ nhà Phật, không liên quan đến Thiên Chúa Giáo. Nhưng tập tục đốt vàng mã hiện nay đã thoát ra khỏi “bàn tay” của “chủ thể quản lý” là Phật giáo, tập tục này giờ đã thuộc về toàn thể cộng đồng, không riêng những người theo Phật, mà người dân chỉ theo đạo cúng tổ tiên vẫn có hành vi đó, như đốt vàng mã ở nhà, đốt vàng mã ở nghĩa trang, chùa, đền, miếu,…
Bởi theo quan niệm của nhiều người, đốt vàng mã là để gửi xuống cõi âm cho người thế giới bên kia. Gần đây, tục này còn phát triển hơn khi nhiều người nghĩ “trần sao âm vậy”, tức là dùng tiền thật mua những hình nộm như nhà lầu, xe hơi,… để đốt.
Việc đốt vàng mã là thuộc về phong tục tập quán, là “quán tính” của nhiều người nên rất khó “gột rửa” ngay được.
Tục đốt vàng mã gây lãng phí, ảnh hưởng môi trường và đặc biệt là nguyên nhân gây ra nhiều vụ hỏa hoạn đáng tiếc. (Ảnh minh họa)
“Bây giờ mà nhà Phật đề nghị chuyện đó thì đây là điều kiện tốt để chúng ta khẩn trương cùng với họ làm cho cả xã hội bỏ tập tục đó. Hiện nay, chúng ta đi đến bất cứ nhà chùa nào thì họ đều khuyến cáo là hạn chế đốt hương, chứ không chỉ vàng mã, cả 1 đoàn chỉ đốt 1 nén hương thôi” – PGS.TS Trịnh Hòa Bình nói.
Hòa thượng Tố Liên viết trên trang web chính thức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với quan niệm thông thường, sau cái chết, con người cũng có một đời sống, cũng có các nhu cầu như khi đang ở dương thế.
Một số người vì quá thương tiếc người thân đã mất, sắm đủ thứ vàng mã để đốt cúng nhân ngày giỗ hoặc các dịp lễ để người ở đã chết sử dụng ở cõi âm.
Việc làm đó đôi khi thái quá, người ta có thể sắm vàng mã với hình dáng nhà lầu, xe hơi, máy lạnh, điện thoại di động, tiền mô phỏng đô- la Mỹ… để cúng cho người đã chết.
Hòa thượng Tố Liên khẳng định Đức Phật Thích Ca không hề dạy đốt vàng mã để cúng gia tiên.
“Tại sao ngày Rằm tháng Bảy là ngày lễ trọng thể của Phật giáo mà thấy một số tín đồ nhà Phật đốt rất nhiều vàng mã để cúng gia tiên. Xin hỏi giới trí thức Việt Nam hiện tại tìm thấy Phật giáo và Nho giáo dạy về thuyết đốt vàng mã ở kinh sách nào?” - Hòa thượng Tố Liên trăn trở.
Nguyễn Dương