1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nhà nông đang đối mặt nhiều vấn đề “nóng bỏng”

(Dân trí) - Thiên tai, dịch bệnh, giá vật tư nông nghiệp leo thang,... là những vấn đề "nóng bỏng" mà ngành nông nghiệp đang phải đối phó. Vì thế, kỳ họp thường vụ Quốc hội tới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT sẽ phải đăng đàn trả lời chất vấn.

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Phan Huy Thông nói rằng, ngành nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn. Ông đưa ra con số thống kê những “mất mát” trước đó như thiệt hại về số trâu bò trong đợt rét lịch sử vừa qua ở các tỉnh phía Bắc, lũ lụt ở miền Trung, dịch rầy nâu ở miền Nam…

Như các thành phần khác của xã hội, nông dân cũng khó tránh khỏi “bão giá” trong nông nghiệp, giá phân bón, vật tư liên tục tăng cao. Tháng 1/2008, giá phân urê tăng 27% so với cùng kỳ năm 2007. Đến tháng 3/2008, giá mặt hàng này lại tăng thêm 20% so với tháng 1/2008. Cũng thời gian này, giá phân DAP có lúc tăng gần 84%. Tác động tiêu cực của giá cả tăng chóng mặt đã hạn chế khả năng đầu tư của nông dân.

Ngoài những cái mất “lịch sử” như nước sông Hồng xuống mức lịch sử, số trâu bò chết trong đợt rét đậm rét hại cũng được xếp vào hạng lịch sử, thống kê cũng cho thấy: ngành chăn nuôi đang gặp khó khăn chưa từng có trong lịch sử do giá thức ăn tăng mạnh. Thống kê, so với cuối năm 2007, giá ngô tăng 48,5%, giá khô dầu đỗ tương tăng 88,5%, cám gạo 50%, thức ăn cho gà thịt 72%...

Giá cả sinh hoạt, hàng hoá tiêu dùng, công lao động, giá vật liệu và năng lượng (xăng dầu, điện nước…), giá nông sản, thực phẩm tăng cao và thất thường khiến việc sản xuất, chăn nuôi cũng như đời sống người dân, nhất là người nghèo, người thu nhập trung bình, gặp rất nhiều khó khăn. Riêng về thủy sản, thiệt hại trong năm 2008 cũng đã “ngốn” hết số tiền 147 tỷ đồng.

Với những khó khăn chồng chất đó, phát biểu ngày 27/3 tại hội nghị “Những nhiệm vụ cấp bách của ngành nông nghiệp”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, cho rằng, trước tình hình giá lương thực, thưc phẩm tăng cao, nhất là giá gạo, Bộ NN&PTNT đã đề xuất và được Thủ tướng chỉ đạo cân đối xuất khẩu gạo hợp lý để ổn định thị trường trong nước, đảm bảo lợi ích của người sản xuất và người tiêu dùng.

Theo Bộ trưởng, thời gian vừa qua, nguồn cung nhiều loại thực phẩm tăng cao, nhất là các sản phẩm từ chăn nuôi. Vì thế, các địa phương cần tập trung đẩy mạnh công tác sản xuất giống, kiểm soát chất lượng giống; phòng chống dịch bệnh, hướng dẫn sử dụng thức ăn chăn nuôi công nghiệp hợp lý để có thể đủ nguồn cung về thựuc phẩm cho nhu cầu trong nước.

Một trong những giải pháp hạn chế giá cả nông sản tăng cao, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, đối với những hàng hoá thường xuyên thông thương với quốc tế thì sẽ diễn biến theo thị trường thế giới; còn những hàng hoá chủ yếu để cung cấp nhu cầu trong nước thì sẽ tìm mọi cách để ổn định giá trong thời gian cuối năm 2008.

Theo một cán bộ Hội Nông dân Việt Nam, những thiệt hại vừa qua của ngành nông nghiệp, cộng với giá cả mọi thứ đều tăng đang đẩy nông dân vào tình cảnh khó càng khó hơn. Vị này cho rằng, đó là những thách thức mà cơ quan quản lý cần phải tính toán trong các chiến lược phát triển của mình.

Khó khăn chất chồng và có những đòi hỏi mới trong công tác điều hành ngành nông nghiệp, nên trong kỳ họp thường vụ Quốc hội này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát là một trong hai Bộ trưởng phải đăng đàn trả lời chất vấn trước các đại biểu. Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn, kỳ này liên quan đến việc tăng giá hàng hóa, một số chính sách về nông thôn, nông dân nên Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT sẽ trả lời.

Trần Hưng