Nhà ngoại cảm rởm dùng xương động vật để giả mạo hài cốt liệt sỹ
(Dân trí) - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cựu chiến binh Việt Nam - đã từng chứng kiến trường hợp nhà ngoại cảm rởm sử dụng xương lợn để giả mạo hài cốt liệt sỹ.
Bằng phương pháp áp vong, gọi hồn... rất nhiều nhà ngoại cảm rởm đã thực hiện "cú lừa ngoạn mục" đối các gia đình liệt sỹ, thậm chí ngang nhiên lợi dụng, “buôn bán” trên chính tro cốt của những người đã vì nước quên thân. Theo số liệu mà Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và xã hội) công bố mới đây thì hầu hết các mẫu xương liệt sỹ tìm theo lời của nhà ngoại cảm, mang đến giám định đều cho kết quả sai, trong đó 2-5% số xương mang đến không phải xương người.
Những cú lừa “ngoạn mục” của các nhà ngoại cảm
Cách đây nhiều năm, khi còn công tác tại Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Tư lệnh Quân khu IV, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cựu chiến binh Việt Nam - đã từng chứng kiến nhiều hợp sử dụng xương động vật... để giả mạo là hài cốt liệt sỹ. Táng tận lương tâm đến mức, nhiều người tự xưng là “nhà ngoại cảm” còn lén lút đặt các vật phẩm xuống khu vực tìm kiếm hài cốt để giả mạo di vật. Thậm chí để trục lợi, có những kẻ còn đến các nghĩa trang, ghi lại sơ đồ, đánh dấu vị trí các ngôi mộ vô danh. Sau đó sử dụng chiêu bài “áp vong”, “gọi hồn” để “phán” nơi chôn cất cho các thân nhân liệt sỹ đến bốc cất. Bằng cách này, rất nhiều gia đình đã rơi vào “bẫy” của các nhà ngoại cảm rởm mà không mảy may nghi ngờ.
Chia sẻ về điều này, tướng Thước chua xót: “Cuộc sống bây giờ có quá nhiều giá trị bị đảo lộn, thật thật giả giả khó lòng mà phân biệt được. Lợi dụng sự khao khát, mong muốn tìm lại người thân của các gia đình liệt sỹ, những nhà ngoại cảm rởm tha hồ tâng bốc chính khả năng của mình để ăn lộc, hưởng thụ. Không cần biết “liệt sỹ ở đâu”? “liệt sỹ có thật hay không”? chỉ cần thấy thân nhân liệt sỹ tìm đến là họ sẽ “săn đón” thậm chí tìm mọi cách để cám dỗ những người thân phải bỏ tiền tổ chức các cuộc tìm kiếm, bốc cất hài cốt liệt sỹ”.
Dẫn chứng cho điều này, tướng Thước kể trong cuộc tìm kiếm hài cốt của một liệt sỹ thuộc quân đoàn III, hi sinh tại mặt trận Tây Nguyên. Sau nhiều nỗ lực không có kết quả, gia đình liệt sỹ này đã nhờ đến sự giúp đỡ của một “nhà ngoại cảm” khá tên tuổi. Sau khi sử dụng phương pháp “áp vong, gọi hồn”, nhà ngoại cảm này hùng hồn tuyên bố đã tìm thấy hài cốt của liệt sỹ và hiện là một ngôi mộ vô danh nằm tại nghĩa trang tỉnh Quảng Trị. Hàng chục người gia đình liệt sỹ đã rồng rắn theo chân nhà ngoại cảm vào lại chiến trường xưa để tìm mộ. Vừa đến cổng nghĩa trang, “nhà ngoại cảm” này đã vật vã chạy vào khu mộ đen (mộ vọng, không có hài cốt) ôm mộ khóc và khẳng định đây là ngôi mộ mà người nhà liệt sỹ đang tìm kiếm.
Để chắc chắn, gia đình này đã gọi điện nhờ tướng Thước cung cấp thêm thông tin, lắp ráp lại những mảng ký ức cũng như sơ đồ các trận đánh tại mặt trận Tây Nguyên, tướng Thước khẳng định: “Không hề có một trận đánh nào xảy ra vào thời điểm như lời nhà ngoại cảm “phán”. Mặt khác, rõ ràng đồng chí này hi sinh ở Tây Nguyên và đã được khắc tên trên bảng Tổ quốc ghi công ở đây, không có lý do gì lại được chôn cất ở tỉnh Quảng Trị”. Ngay bản thân người quản trang của nghĩa trang này cũng quả quyết, đây chỉ là một ngôi mộ “vọng” không có hài cốt.
Một lần khác, trong cuộc gặp gỡ thân nhân một liệt sỹ thuộc quân đoàn III (do Trung tướng Nguyễn Quốc Thước làm Tư lệnh), một gia đình liệt sỹ đã nhờ Trung tướng kiểm tra thông tin mà nhà ngoại cảm cung cấp. Cụ thể, nhà ngoại cảm vẽ cho gia đình sơ đồ nghĩa trang huyện Đắk Hà (Kon Tum), chỉ rõ vị trí ngôi mộ mà ông ta cho rằng đang cất giữ hài cốt liệt sỹ mà gia đình đang tìm. Tuy nhiên, nhìn vào sơ đồ chằng chịt hàng trăm ngôi mộ, tướng Thước khẳng định, nghĩa trang huyện Đắk Hà chỉ có khoảng vài chục ngôi mộ, không hề nhiều như cách xác định của nhà ngoại cảm này đưa ra.
Hiện nay, số lượng liệt sỹ thất lạc nằm lại chiến trường chưa tìm thấy hài cốt còn rất lớn. Theo tướng Thước chỉ tính riêng quân đoàn 3, vẫn còn hơn 1 vạn liệt sỹ nằm lại tại mặt trận Tây Nguyên mà chưa bốc cất được. Hơn 40 năm trôi qua, những vùng đất xưa kia là mảnh đất chết, chiến trường ác liệt thì nay đã thay “da đổi thịt”, hoàn toàn không còn bất cứ dấu tích nào của bom đạn, khói lửa. Chính vì thế, việc xác định thông tin, định vị chính xác nơi chôn cất các liệt sỹ này là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, tướng Thước khẳng định, việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ bằng con đường ngoại cảm không phải là “cách đáng tin cậy”.
Chôn xương động vật giả hài cốt, nhà ngoại cảm trả giá bằng 8 năm tù
Trung tướng Trần Linh (nguyên Phó Tư lệnh về Chính trị Bộ đội Biên phòng) xúc động cho biết, ông cảm thấy xót xa khi tâm nguyện tìm lại hài cốt của các liệt sỹ thất lạc của cả dân tộc lại bị chà đạp bởi những kẻ lừa đảo tự xưng là “nhà ngoại cảm”.
Từng tham gia nhiều cuộc tìm kiếm hài cốt đồng đội hi sinh trong chiến trường, bản thân tướng Trần Linh cũng từng chứng kiến nhiều trường hợp, nhà ngoại cảm lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết của các gia đình liệt sỹ để “kiếm chác”. Cách đây nhiều năm trong một cuộc quy tập hài cốt liệt sỹ hi sinh ở Bắc Kạn, do thời gian quá lâu lại nóng lòng muốn tìm thấy mộ người thân sớm, nên gia đình liệt sỹ đã nhờ đến một nhà ngoại cảm tên Cường ở Phú Thọ để tìm giúp. Sau khi nộp một số tiền không nhỏ, gia đình liệt sỹ được “thầy” yêu cầu chờ đợi trong nhiều tháng với mục đích chọn ngày “vong” nhập. Nhà ngoại cảm này đã sử dụng xương động vật giả làm xương liệt sỹ ở Bắc Kạn. Rất may là đơn vị trên đã điều tra và bắt quả tang, khiến nhà ngoại cảm bị truy tố trước pháp luật và chịu mức án 8 năm tù giam.
Nguy hại hơn, theo tướng Linh nhiều trường hợp gia đình liệt sỹ vì tin lời nhà ngoại cảm đã nhận những ngôi mộ không chính xác, nhiều khi phải thờ cả những ngôi mộ “khống”.
Trung tướng Trần Linh bức xúc: “Đối với “loại người này”, theo tôi cần kiên quyết vạch mặt, tùy vào mức độ mà xử lý. Nếu hành vi lừa đảo nghiêm trọng, cần thiết thì truy tố và xử lý bằng pháp luật. Ngoài ra, cần phải công khai danh tính những kẻ lừa dối ấy để không còn gây tổn thất, đau xót cho các gia đình thân nhân liệt sỹ thêm nữa”.
Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là nhiệm vụ quan trọng là trách nhiệm của những người đang sống và thể hiện đạo lý của cả dân tộc: “Dân tộc ta không khi nào quên, không khi nào bỏ những liệt sĩ đã đổ xương máu giành lại hòa bình nên trách nhiệm của chúng ta sẽ phải tìm đến khi nào trên lãnh thổ Việt Nam không còn một hài cốt liệt sĩ thất lạc nào nữa.Tuy nhiên việc làm thiêng liêng và nhân văn này không thể để bị “ô tạp” bởi những kẻ lừa đảo tự xưng là nhà ngoại cảm. Đối với những trường hợp làm giả hài cốt liệt sỹ cần phải truy tố trước pháp luật”, Trung tướng Trần Linh khẳng khái nói.
Hà Trang - Xuân Ngọc