1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghệ An:

Nhà máy xả nước độc, dân khốn khổ vì ô nhiễm

(Dân trí) - "Nước thải từ nhà máy đổ thẳng ra ngoài khiến cho nguồn nước ở một số nơi đổi màu, trâu bò bơi qua bị rụng lông, cá chết phơi trắng bụng, vớt cá về nấu cám, lợn cũng chẳng buồn ăn…", người dân xã Hưng Phú, huyện Hưng Nguyên kể về nỗi khổ ô nhiễm của xã mình.

Nguyên nhân của những nỗi bức xúc trên là Nhà máy cổ phần giấy Sông Lam (Nhà máy GSL) đóng trên địa bàn xã Hưng Phú.

 

Ông Hồ Văn Thắng, một người dân nơi đây cho biết, không chỉ xã ông, các xã lân cận như Hưng Lam lâu nay cũng rất bức xúc trước việc Nhà máy GSL ngang nhiên gây ô nhiễm trầm trọng. Nhà máy này ngày đêm sản xuất, bao nhiêu nước thải, khí thải độc hại đều xả vô tội vạ ra môi trường mà hậu quả chỉ có người dân chịu.

 

Một người dân cho biết: Có ngày dòng nước thải chảy hết công suất tạo nên lớp bọt dày hàng mét, gió thổi lớp bọt bẩn, xối xả bay vào làng. Những mùa có gió Lào thổi, khắp làng ngấm một mùi thum thủm.

 

Trước đây, Nhà máy GSL chỉ có một cống thải, nay có thêm hai cống xả nữa hoạt động, khiến tình trạng ô nhiễm càng trầm trọng hơn bao giờ hết. Không nói đâu xa, nằm ngay chỗ chúng tôi đứng là một cống xả đang thải ra thứ nước đen ngòm, bốc mùi nồng nặc.

 

Hiện nhiều giếng nước của các hộ dân trong làng đã ô nhiễm trầm trọng, nổi váng vàng, bốc mùi khăn khẳn, không thể sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Nhiều hộ dân ở các xóm 3, 4, 5 phải đi xin nước từ cách nhà 3-4 cây số.

 

Cũng theo lời những "nạn nhân", ngày nào Nhà máy GSL cũng xả khí xút ra 5-7 lần mang theo mùi rất khó chịu. Theo họ tìm hiểu thì khí xút là loại hoá chất H2SO4 chứa kiềm rất độc hại, được xả ra trực tiếp từ nhiều nồi nấu bột giấy với thể tích hàng chục m3/nồi. Khi nấu chín, bột giấy được đổ vào bể chứa để rửa chất kiềm. Nước thải kiềm này được tuôn ra ngoài, thẩm thẩu vào nguồn nước của dân và đổ ra dòng sông Lam. Hít phải loại khí này có thể dẫn đến một số căn bệnh về đường hô hấp như viêm xoang, viêm phổi, thậm chí dẫn đến chứng bệnh vô sinh.

 

Ông Ngô Minh Hạ - Chủ tịch xã Hưng Phú - khẳng định: "Ô nhiễm từ Nhà máy cổ phần giấy sông Lam là có thật. UBND xã đã kiến nghị, phía nhà máy đã khắc phục nhưng chúng tôi thấy ô nhiễm môi trường vẫn ngày càng tăng chứ không hề thuyên giảm. Khí thải không những gây ô nhiễm trên địa bàn mà lan sang cả các xã lân cận".

 

Mới đây khi trao đổi với ông Lê Bá Quỳnh - Phó giám đốc Nhà máy GSL lại cho rằng: "Nhà máy có công suất chế biến đạt 5 ngàn tấn/năm, nguyên liệu chính là nứa và giấy loại, vấn đề ô nhiễm thì không đáng kể" (!?).

 

Vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã ra văn bản yêu cầu các ngành chức năng kiểm tra tình trạng ô nhiễm từ Nhà máy GSL để kịp thời xử lý. Tuy nhiên, không biết bao giờ cái "kịp thời" ấy mới đến!

 

Đặng Nguyên Nghĩa